Kỹ Thuật Trồng Bầu
Trong nhân dân thường trồng 2 loại hình bầu: Bầu nậm và bầu sao
Thời vụ gieo trồng bầu là tháng 10 đến tháng 12. Bầu cho thu hoạch vào tháng 4 và 5. Trước khi gieo hạt cần bón phân lót vào hốc. Mỗi hốc bón 10 - 15kg phân chuồng hoai mục trộn với 100g supe lân. Sau khi cho phân vào hốc, lấp đất lên trên rồi gieo trên lớp đất mỗi hốc 4 - 5 hạt bầu.
Khi cây mọc lên tỉa bớt những cây nhỏ yếu, chỉ để lại mỗi hốc 2 cây. Cũng có thể gieo hạt bầu ở vườn ươm để tiện chăm sóc và chống rét cho cây con. Khi cây có 4 - 6 lá thật thì đánh bầu đem ra trồng vào hốc đã chuẩn bị sẵn như trên. Sau khi cây mọc cần chú ý tưới đủ nước, giữ cho đất luôn ẩm cho cây con mọc tốt. Khi cây có 1 - 2 lá thật cần tỉa bớt những cây nhỏ yếu hoặc bị bệnh. Đặc biệt lúc bầu ra hoa, ra quả rộ cần đảm bảo đủ cho cây.
Lúc này cần giữ cho đất có 70 - 80% độ ẩm đồng ruộng. Bộ rễ bầu tuy phát triển nhiều, nhưng lại ăn nông, cho nên phải xới xáo nhiều lần để đất tơi xốp, thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho rễ hoạt động, tăng cường thêm khả năng hút nước và hấp thụ dinh dưỡng của cây.
Sau khi cây bầu có 4 - 6 lá thật, cần tiến hành vun nhẹ đất vào gốc kết hợp với đất và tưới 1 lượt nước phân pha loãng để cây bốc nhanh. Khi bầu ra hoa, tiến hành vun gốc cao và đắp đất cho bầu. Nếu gặp khô hạn hoặc gió tây có thể dùng rơm rạ, cỏ khô tủ gốc rồi tưới một lượt nước thật đẫm để giữ cho gốc bầu được ẩm lâu. Cần làm giàn cho bầu leo. Giàn bầu có thể làm trên mặt ao hoặc trước sân nhà.
Giàn cao khoảng 2m, làm thành một mặt bằng trên các cọc chống. Mặt bằng rộng hay hẹp tùy số cây được trồng ở các hốc. Để bầu có thể mọc khỏe, lâu tàn và cho nhiều quả, trước khi bắt dây bầu cho leo lên giàn, nên bới đất ở gốc đặt dây bầu cho nằm lên mặt đất thành 1 vòng tròn như miệng thúng rồi lấp đất lên.
Chú ý không lấp mất ngọn bầu. Trên mặt giàn cần bắt dây ngọn bầu để dây phân bố đều ra các hướng. Bón thúc cho bầu vào các thời kỳ sau: Khi cây có 4 - 6 lá thật. Khi cây có hoa, để cho cây bầu bò lên giàn nhanh. Khi ra quả rộ, để phát triển nhanh, chống rụng quả nông dân thường hòa nước phân tưới vào gốc cho bầu. Sau khi hoa tàn khoảng 15 - 20 ngày là có thể hái quả được.
Lúc này vỏ quả bầu còn non, nhưng trông quả đã căng da bóng. Nếu muốn cất để dành thì phải để quả già hơn, khi vỏ quả đã hơi cứng, trong vỏ quả đã tích lũy chất sừng. Lúc đó hái quả xuống thái thành lát, phơi khô, cất vào chum, vại để ở chỗ khô ráo, dành để ăn dần.
Nếu muốn để làm giống thì chọn các quả ở gốc cây thuộc lứa thứ nhất hoặc lứa thứ hai. Lựa quả to, đẹp, đều, làm quang treo giữ quả trên giàn cho đến khi dây bầu héo, vỏ quả chuyển sang màu vàng. Dùng dao cắt cả cuống mang về phơi tiếp cho thật khô. Sau đó treo vào bếp hoặc chỗ khô ráo, đến mùa lấy hạt đem gieo.
Có thể bạn quan tâm
Bí đỏ lai F1 868 có nhiều ưu điểm vượt trội: Cây sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng tốt, có thể trồng nhiều vụ trong năm...
Bệnh khảm lá, vàng lá, chùn ngọn… thường rất phổ biến trên các loại dưa và cây họ bầu bí, đặc biệt bệnh thường nặng ở những vùng có khí hậu nóng
Dưa hấu, bí xanh thu đông là cây chủ lực trong cơ cấu cây rau màu vụ đông của 2 xã Hợp Tiến và Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Đặc điểm thời tiết xung quanh tiết Sương Giáng, đêm và sáng se lạnh nhiệt độ 20 – 23 độ C, xuất hiện sương mù, hiện tượng sương mù tan dần khi có nắng mặt trời
Bí xanh là cây rau có khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, thích ứng rộng, sức chống chịu sâu bệnh rất tốt.