Trang chủ / Hải sản / Nuôi cua

Kỹ Thuật Sản Xuất Cua Giống (Phần 1)

Kỹ Thuật Sản Xuất Cua Giống (Phần 1)
Ngày đăng: 25/12/2010

I. Tuyển chọn và nuôi vỗ cua bố mẹ

Có thể tuyển chọn cua cái đã giao vĩ, lên gạch hoặc cua cái so (cua yếm vuông) nuôi chung với cua đực đã thành thục sinh dục, để cua cái so lột xác, giao vĩ, lên gạch đẻ trứng.

1. Nuôi cua cái đã giao vĩ

- Chọn cua cái đã giao vĩ: trước mùa sinh sản vào khoảng tháng 8, 9 cua cái đã giao vĩ có tuyến sinh dục phát triển thường đánh bắt được ở vùng cửa sông, vùng biển ven bờ. Chọn những con cua cái lên gạch tốt, khỏe mạnh còn nguyên càng, chân bò, chân bơi, tốt nhất là chọn những con cua vừa đánh bắt được, chuyển về ao hoặc các bể xi măng để nuôi vỗ. Những con cua cái như vậy thường có trọng lượng từ 250-800g. Tuỳ theo số lượng cần thiết mà chọn cua, tốt nhất là chọn đủ số lượng cho một đợt cho đẻ để cùng thả nuôi một lần.

- Nuôi trong ao: tùy theo số lượng cua nuôi cho đẻ mà xây dựng ao có diện tích tương ứng. Nhưng để dễ dàng quản lý và chăm sóc nên xây dựng ao có diện tích từ 100 đến 500 m vuông, sâu từ 1,2 đến 1,5m. Ao phải được xây dựng ở nguồn nước tốt, có độ mặn từ 20 đến 30‰ đất sét hoặc pha cát. Nếu gặp nơi đất sình thì phải kiểm tra độ phèn và các độc tố và có biện pháp cải tạo, bờ ao được đắp chắc chắn: chặt, không bị mội, chân bờ rộng tối thiểu 2m, mặt bờ 0,8-1m. Dùng đăng tre cao trên 0,8m (hoặc lưới) làm hàng rào chắc trên bờ và miệng cống, ngăn không cho cua bò ra ngoài. Ở giữa ao nên để một "cù lao" (chiếm 1/10 diện tích ao) có cây bụi để cua có chỗ ẩn, bò lên cạn. Ao nên đặt hai cống: lấy nước và xả nước. Trước khi thả cua nuôi cần dọn tẩy ao, xả nước nhiều lần, tháo hết nước, rải vôi một ở đáy và bờ ao (1kg/10 m vuông) phơi 1-2 ngày, cho nước vào rửa lại ao, kiểm tra độ pH đạt 7,5-8,5 là thích hợp. Mật độ nuôi: 2-5m vuông/ con.

- Nuôi trong lồng: có thể nuôi cua cái đã giao vĩ trong lồng. Lồng làm bằng tre hoặc các vật liệu khác (lưới thép không rỉ, nhựa compozid, v.v...) bảo đảm vững chắc chịu được nước mặn và dòng chảy. Lồng thường có kích thước : dài 3mx rộng 2m x cao 1,2m, có phao nâng để lồng không bị chìm, có miệng lồng rộng 0,5m vuông, có neo chắc chắn để neo giữ. Lồng có thể chia ra những ô nhỏ để nuôi riêng từng con, cũng có thể nuôi chung. Lồng được đặt ở chỗ có nguồn nước lưu thông: ở dọc bờ sông, trong các eo vịnh đầm phá, ở gần cống các đầm nuôi thủy sản v.v.. độ sâu tối thiểu 1,5m, lúc triều xuống vẫn giữ được mực nước trên 0,5m. Mật độ 2-4 con/ m khối.

- Nuôi trong bể xi măng: bể xi măng co kích thước diện tích từ 4 đến 30m vuông, cao 1,3m,có thể hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn có mái che toàn bộ hoặc một phần. Đáy bể rải một lớp cát 3-5cm, sắp một số gạch để làm chổ ẩn cho cua, đáy có van xả để thay nước. Mực nước trong bể từ 0,7 đến 1m, có hệ thống sục khí. Có thể nuôi chung hoặc chia ô để nuôi riêng từng con. Mật độ 2 con/ m khối. Nuôi trong bể xi măng dễ chăm sóc quản lý nhưng phải có điện và cấp nước chủ động và thường số lượng cua không lớn.

- Chăm sóc, quản lý: khi ao, lồng, bể đã chuẩn bị xong thì chọn đủ số lượng cua cần nuôi để thả vào ao, lồng, bể một lúc. Thường cua đánh bắt được buộc dây và có khi có đất, sình bám vào, rửa cua sạch sẽ, cắt bỏ dây và buông nhẹ cua vào ao, lồng, bể, tránh làm gẫy càng, chân cua.

Nếu áp dụng phương pháp cắt mắt để ép đẻ thì có thể tiến hành trước lúc thả cua vào ao nuôi dùng lưỡi dao lam sắc đã sát trùng cắt một đường vào giữa con mắt, dùng tay bóp mạnh hoặc kẹp bóp hết dịch ở mắt ra, sát trùng cho vết cắt.

Thức ăn của cua rất đa dạng, cua thích ăn động vật: cá, tôm, cá loại nhuyễn thể (nghêu, sò, vẹm...) và một số thực vật thủy sinh. Cá lớn cắt thành miếng nhỏ, còng gỡ bẻ đôi, vẹm, nghêu, sò xẻ ra lấy thịt rải đều khắp ao cho cua ăn. Số lượng thức ăn mỗi lần từ 2-5% trọng lượng cua, tùy theo chất lượng thức ăn. Khi kiểm tra thấy cua ăn hết thì có thể cho thêm, nếu thức ăn còn thừa thì giảm. Thường cho cua ăn vào buổi chiều tối, cua sẽ tìm mồi ăn về đêm. Buổi sáng kiểm tra nếu còn thức ăn thừa thí vớt bỏ đi. Không nên để cua đói: cho ăn thiếu hoặc không cho ăn một ngày. Thiếu ăn cua có thể cắn nhau làm gẫy càng, chân, thậm chí ăn thịt đồng loại.

Cần theo dõi kỹ các yếu tố của môi trường nước. Cua chuẩn bị sinh sản cần được nuôi trong nước biển có độ mặn từ 25 đến 32‰ , độ pH từ 7,5 đến 8,5 hàm lượng ôxy hoà tan không dưới 5mg/l, nhiệt độ nước từ 27 độ C đến 30 độ C, không để nước bị nhiễm bẩn hữu cơ và vô cơ. Cần thay nước trong ao nuôi, trong bể: mỗi ngày thay 20 đến 30% nước, một tuần nên tghay nước toàn bộ và vệ sinh bể, đáy ao. Cua nuôi trong bể xi măng nên sục khí nhẹ.

Tùy theo mức độ chín muồi của tuyến sinh dục của cua lúc đưa vào nuôi mà sau thời gian từ 10 ngày (có khi ngắn hơn) đến hai tháng cua để trứng.

2. Nuôi cua cái so (cua yếm vuông) lột xác tiền giao vĩ cho giao vĩ phát dục để sinh sản.

Cua cái so có trọng lượng từ 150 đến 200 gram, trước mùa sinh sản thường di cư ra vùng cửa sông, ven biển ghép đôi với cua đực đã thành thục sinh dục, lột xác, giao vĩ, phát triển buồng trứng và đẻ trứng. Chọn những con cua cái so nguyên vẹn, khỏe mạnh chắc (sắp cốm), đồng thời chọn những con cua đực to (từ 300 đến 700g) nguyên vẹn khỏe mạnh theo tỉ . Ao, lệ 2 cái/ 1 đực đem thả nuôi trong ao, lồng, bể với mật độ như nuôi cua gạch (cua cái đã giao vĩ). Ao, lồng, bể nuôi cua cái so  cũng được xây dựng như để nuôi cua gạch đã trình bày ở mục 1. Cách chăm sóc, cho ăn cũng tương tự như nuôi cua cái đã giao vĩ. Đáng chú ý là nuôi cua cái so sắp cốm, chuẩn bị lột xác tiền giao vĩ ăn rất ít hoặc không ăn, nhưng chúng cần được yên tĩnh để ghép đôi. Trong thời gian từ 5-10 ngày đến một tháng cua cái so (sống cùng cua đực)hoàn thành ghép đôi, lột xác và giao vĩ. Trong bể xin măng có thể quan sát quá trình ghép đôi, lột xác và giao vĩ. Cua đực dùng càng, chân ôm lên lưng cua cái, tha cua cái đi. Sự ghép đôi có thể kéo dài vài ba ngày, chỉ trước lúc cua cái lột xác cua đực mới buông cua cái ra và ở cạnh để bảo vệ, và ngay sau khi cua cái lột xác xong cua đực lật ngửa cua cái ra ôm chặt, cua cái mở yếm ra và xảy ra sự giao vĩ . Quá trình giao vĩ kéo dài 4-5 giờ đến 1-2 ngày. Sau đó cua đực buông cua cái ra nhưng vẫn ở cạnh. Trong mùa sinh sản một cua đực có thể giao vĩ với nhiều cua cái.

Đem cua cái đã giao vĩ ra nuôi riêng, chăm sóc cho ăn để tuyến sinh dục phát triển, chín và đẻ trứng. Từ lúc giao vĩ đến lúc đẻ trứng phải kéo dài 2-3 tháng hoặc hơn nữa. Sau khi lột xác kích thước cua cái tăng lên đột ngột và trong quá trình phát dục trọng lượng của cua cũng tăng lên đáng kể (từ 70 đến 150% so với cua cái so).


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật nuôi cua hai giai đoạn Kỹ thuật nuôi cua hai giai đoạn

Sử dụng lưới lọc nước vào ao nuôi, khi mực nước đạt 0,6 - 0,8 m, có độ mặn 12 - 20‰, pH = 7,5 - 8,5, các yếu tố khác đảm bảo thì mới tiến hành thả cua bột.

11/06/2018
Làm sạch cua lột như thế nào? Làm sạch cua lột như thế nào?

Hướng dẫn từng bước để làm sạch cua lột đúng cách. Một rửa nhanh dưới vòi nước lạnh có thể giúp loại bỏ bất kỳ bụi bẩn hoặc mảnh vụn bám vào cua.

11/10/2018
Nghề nuôi cua biển Nghề nuôi cua biển

Nuôi cua biển rất phổ biến ở một số nước châu Á như Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Philippine… Cua biển có nhu cầu và giá cả rất lớn trên thị trường quốc tế

12/10/2018
Ngành nuôi cua biển Ngành nuôi cua biển

Nuôi cua biển đòi hỏi chuyên môn trong chăn nuôi động vật giáp xác, kiểm soát chất lượng nước, quản lý ao, dinh dưỡng, xử lý và tiếp thị.

13/10/2018
Nuôi cua biển Nuôi cua biển

Cua biển rất phổ biến do nhu cầu lớn của nó trên thị trường xuất khẩu. Việc nuôi cua biển quy mô thương mại đang phát triển nhanh dọc theo các vùng ven biển

15/10/2018