Kỹ thuật phòng trị bệnh thối rễ, khô cành giúp năng suất thanh long cao
Do nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới không đảm bảo cộng với việc bón vôi vào gốc thanh long quá nhiều làm cho gốc thanh long quá nóng nên tuột rễ, gây chết khô rễ khiến năng suất thanh long giảm sút.
Thanh long thối rễ, khô cành khiến năng suất giảm sút. Ảnh minh họa
Theo tin tức từ báo Nông nghiệp Việt Nam, trong tháng 6/2015, qua điều tra đã phát hiện trên 50 ha thanh long bị thối rễ, cành teo tóp hoặc khô cả cành tập trung tại huyện Hàm Thuận Bắc (48 ha) và TX La Gi (2 ha). Trong đó, Chi cục xác định diện tích bị nhiễm nặng là 1,5 ha ở 2 xã Hàm Hiệp (1,2 ha) và Hàm Liêm (0,3 ha) của huyện Hàm Thuận Bắc, 48,5 ha còn lại đều bị nhiễm nhẹ đến trung bình.
Thiệt hại nặng nhất là hộ ông Trương Công Hiệu trồng 1,2 ha thanh long tương đương 1.200 trụ ở thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp. Ông Hiệu cho biết, bắt đầu từ tháng 2/2015 đến nay, vườn thanh long của ông xuất hiện hiện tượng khô cành, chong điện vẫn cho ra trái nhưng không lớn, còn ngưng chong điện nhưng tiếp tục chăm sóc, bón phân thì cây vẫn nảy chồi non nhưng sau đó cành lại héo, khô và thối rễ.
Về hiện tượng này, sau khi trực tiếp kiểm tra vườn thanh long của ông Hiệu cũng như một số vườn cây bị bệnh khác, theo ông Trần Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Thuận, nguyên nhân thanh long bị thối rễ, cành teo tóp do nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới không đảm bảo cộng với việc nông dân bón vôi vào gốc quá nhiều, hoặc bón quá nhiều loại phân có chứa hàm lượng canxi cao (CaO) khiến gốc quá nóng nên tuột rễ, gây chết khô rễ dẫn đến cành bị chết và khô (1,5 ha).
Chi cục đã kết hợp với Công ty cổ phần đầu tư Hợp Trí tiến hành thử nghiệm tại một số vườn đã bị héo cành, teo tóp cành, rễ tơ bị chết, trên trụ có một số cành bắt đầu chết tại các xã Hàm Hiệp, Hàm Liêm, Hàm Trí… tiến hành các phương pháp xử lý như sau:
Xử lý bộ rễ: Cào hết rơm rạ ra khỏi trụ, xử lý đất và rễ bằng Eddy 72WP + Hợp Trí Super Humic theo liều khuyến cáo ghi trên bao bì, phun ướt đẫm quanh gốc trụ. Sau khi phun được 3 - 5 ngày thì tiến hành bón phân phục hồi rễ bằng lân vôi Địa Long theo liều lượng 0,5 - 1 kg/trụ cộng với Micromate liều lượng 25 - 50 g/trụ (tùy theo độ tuổi của thanh long), rồi tủ rơm lại và tiến hành tưới đủ ẩm (lưu ý không được tưới quá ẩm).
Cùng với xử lý bộ rễ, tiến hành phun phân qua lá để bổ sung dinh dưỡng giúp cây nhanh hồi phục: sử dụng Hydrophos Zn + Budbooster phun 2 - 3 lần theo liều khuyến cáo (mỗi tuần phun 1 lần), phun ướt đều toàn bộ trụ, báo Bình Thuận đưa tin.
Kết quả thử nghiệm tại các vườn: sau 10 - 12 ngày thì bộ rễ bắt đầu hồi phục (ra rễ mới) và cành bắt đầu xanh cứng lại (trừ những cành đã chết). Sau khi bộ rễ đã hồi phục, chờ 10 - 15 ngày cho bộ rễ chuyển màu ngà nâu thì tiến hành chăm sóc bình thường. Tuy nhiên, phải chú ý bón các loại phân có hàm lượng lân, kali, canxi, magie, silic và vi lượng cao, với nguyên tắc chia nhiều lần bón (10 - 15 ngày/lần) và mỗi lần bón ít lại (100 - 200 g/trụ). Tuyệt đối không được bón phân hữu cơ tươi, phân NPK có hàm lượng quá cao, đặc biệt lưu ý không được bón các loại phân chưa có thương hiệu, chưa được kiểm định và khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
Trang trại thanh long của anh Lê Nguyên Phương nơi lắp đặt trạm biến áp 75KVA, dùng đèn cao áp 250W để chong đèn thanh long trong mùa nghịch cho năng suất cao
Trồng thanh long 'kiểng' làm sao vừa đẹp vừa cho quả sai không hề đơn giản đòi hỏi phải có kiến thức cũng như con mắt nghệ thuật tạo dáng
Để mang lại năng suất cao, chất lượng tốt khi trồng thanh long, người nông dân cần lưu ý lựa chọn kỹ càng loại phân bón và giống cây tùy theo điều kiện khí hậu