Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá lóc

Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Bằng Thức Ăn Công Nghiệp

Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Bằng Thức Ăn Công Nghiệp
Ngày đăng: 15/03/2014

Những năm gần đây, nông dân Bến Tre đã nuôi cá lóc nhưng còn nhỏ lẻ. Cá nuôi dễ mắc bệnh, tốn nhiều công lao động, giá thành cao, lợi nhuận thấp. Để khắc phục tình trạng trên, nông dân nên nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp để đạt hiệu quả cao.

Môi trường nuôi ít bị ô nhiễm hơn, cá nuôi ít bệnh, công lao động giảm, mật độ nuôi dày hơn, giá thành đầu vào ổn định. Hiện nay, ở các chợ, cá lóc là nguồn thực phẩm chủ lực.

Một số giải pháp nuôi cá lóc như sau:

1/ Thiết kế ao nuôi:

Cá lóc sống và phát triển tốt ở vùng có độ mặn từ 0 đến 8 phần ngàn. Ao nuôi cá lóc có diện tích đa dạng, nhưng tốt nhất từ 500 - 2.000 m2, thiết kế theo hình chữ nhật để dễ thu hoạch sau này. Độ sâu chứa nước đảm bảo từ 2 - 2,5 m. Đặc biệt, phải có hệ thống cống cấp và thoát nước tốt.

2/ Cải tạo ao nuôi:

Nếu là ao cũ thì vét hết bùn dơ đáy ao, bón vôi 8 - 15 kg/100 m2, nếu có điều kiện thì phơi ao từ 3 - 4 ngày. Sau đó, cho nước vào ao độ sâu 1m, chú ý nước lấy vào phải lọc, tránh cá lớn vào ăn cá con sau này, 3 ngày sau thì tiến hành thả cá giống. Khi thả cá xong, mỗi tuần cấp thêm nước từ 10 - 15 cm cho đến khi đạt độ sâu qui định.

3/ Chọn giống và thả giống:

Để đảm bảo tỉ lệ sống và năng suất sau này, việc chọn mua con giống rất quan trọng, kích cỡ đạt từ 6 - 10 cm, cá phải có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, không dị tật. Trước khi thả cá, dùng muối ăn pha với nước 3% để tắm cá 3 - 5 phút. Nên thả cá lúc trời mát. Mật độ thả cá tùy thuộc ao nuôi, như độ sâu, vốn, theo kinh nghiệm, có thể thả từ 10 - 50 con/100 m2.

4/ Chăm sóc và quản lý:

a) Thức ăn và cách cho cá ăn:

Thức ăn cho cá lóc phổ biến là loại Cargill. UP, CP… Tùy theo kích cỡ cá mà chọn loại thức ăn có kích cỡ cho phù hợp. Tháng đầu cho cá ăn 3 lần/ngày (sáng, trưa, chiều). Từ tháng thứ hai trở đi, cho ăn 2 lần/ngày. Khi cho cá ăn, dùng cây gõ vào cầu tạo tiếng động cho cá gom lại.

Nếu cá giống chưa quen thức ăn công nghiệp thì phải tập cho cá chuyển từ từ bằng thức ăn cá tạp sang thức ăn công nghiệp. Cách làm như sau: Dùng sàng ăn bằng tre hoặc trúc, diện tích khoảng 1 m2, khoảng cách nẹp tre cách nhau 1,5cm. Đặt cách bờ từ 4 - 5 m, nổi trên mặt nước.

Thức ăn là cá tạp còn tươi rửa sạch xay nhuyễn, mỗi lần cho ăn trộn vào 2 - 3% thức ăn công nghiệp, để nguyên cục bỏ trên sàng, cá tự động lại rỉa ăn. Cứ mỗi lần cho cá ăn thức ăn công nghiệp tăng dần lên, khoảng 10 - 15 ngày cá đã quen với thức ăn công nghiệp thì chuyển hẳn sang cho ăn thức ăn công nghiệp.

Khi cho ăn, cần trộn thêm men tiêu hóa đường ruột và vitamin C giúp cá mau tiêu hóa và tăng sức đề kháng. Chú ý khi thả cá giống được 20 ngày mới tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp, không nên tập sớm quá làm cá dễ bị mất sức.

b) Quản lý ao nuôi:

Hàng ngày, nên theo dõi khả năng bắt mồi của cá. Nếu cá giảm ăn hoặc ăn không tăng thì có vấn đề. Một là cá có dấu hiệu bị bệnh, hai là môi trường ao bị dơ, khí độc nhiều, oxy thấp. Kiểm tra màu nước của ao nuôi để có cách thay nước hợp lý.

Thông thường, cá nuôi dễ mắc bệnh ghẻ, do đó phải theo dõi thật kỹ để phát hiện kịp thời. Khi phát hiện cá bị ghẻ, dùng thuốc IODINE nồng độ 1 ppm tạt xuống ao. Nếu bị ít thì dùng thuốc 1 lần, nếu cá bệnh nhiều thì xử lý 2 lần. Mỗi lần cách nhau 5 ngày.

Khi nuôi cá được 2 tháng, có thể dùng vi sinh định kỳ để xử lý đáy ao giúp giải phóng khí độc (vi sinh xử lý theo nhà sản xuất). Khi còn nhỏ, cá thường vào mé bờ, dễ bị chim, cò ăn nên cần có biện pháp giúp cá ít hao hụt (dùng lưới rào xung quanh mé mương). Khi cho cá ăn, nên rải thức ăn từ từ, tránh để thức ăn dư thừa.Theo dõi sự tăng trưởng của cá để có cách xử lý thích hợp.

5/ Thu hoạch:

Nuôi khoảng 5 tháng, cá đạt trọng lượng trung bình từ 2 - 3 con/kg thì thu hoạch, cũng có thể để cá lớn hơn tùy theo thị trường tiêu thụ. Khi thu hoạch bằng rọ, tránh để cá bị xây xát, bảo quản cá sống lâu hơn. Nếu quản lý và chăm sóc ao nuôi tốt, thì hệ số chuyển hóa thức ăn từ 1 - 1,4 kg được 1 kg cá. Tỉ lệ sống trung bình từ 60 - 80%.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Lóc Cao Sản Trên Vùng Duyên Hải Ở Nghệ An Nuôi Cá Lóc Cao Sản Trên Vùng Duyên Hải Ở Nghệ An

Vùng đất duyên hải tỉnh Nghệ An chủ yếu là đất pha cát bạc màu, giá trị kinh tế khi trồng cây nông nghiệp rất thấp. Những năm gần đây, trên chính vùng đất ấy đã cho thu nhập rất cao (1 - 1,5 triệu đồng/m2) từ nghề nuôi cá lóc đen cao sản.

25/02/2014
Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Hiệu Quả Cao Kỹ Thuật Nuôi Cá Lóc Hiệu Quả Cao

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi cá lóc phát triển mạnh. Tập trung nhiều ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh. Riêng ở Bến Tre, phong trào này có thực hiện nhưng còn nhỏ lẻ, rất ít. Nguyên nhân chính là khâu cung ứng thức ăn cho cá, chủ yếu là nguồn cá tạp nên rất bấp bênh, phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, số lượng và giá cả không ổn định...

08/03/2014
Nuôi Cá Lóc Cao Sản Trên Vùng Duyên Hải Nuôi Cá Lóc Cao Sản Trên Vùng Duyên Hải

Vùng đất duyên hải tỉnh Nghệ An chủ yếu là đất pha cát bạc màu, giá trị kinh tế khi trồng cây nông nghiệp rất thấp. Những năm gần đây, trên chính vùng đất ấy đã cho thu nhập rất cao (1 - 1,5 triệu đồng/m2) từ nghề nuôi cá lóc đen cao sản.

27/04/2014
Sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím Sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím

Cá bố mẹ được chọn từ các ao nuôi thương phẩm hoặc các ao nuôi cá hậu bị của trại giống. Chọn cá bố mẹ khỏe mạnh, không bị trầy xước, có trọng lượng khoảng 600 – 1.200 g. Cá có trọng lượng khoảng 700 g có sức sinh sản tốt nhất.

05/11/2015
Cá lóc trên sa mạc Cá lóc trên sa mạc

Nuôi 10 ao cá lóc bằng phương pháp lót bạt trên cát, mỗi năm trừ chi phí đem về lãi ròng 500 triệu đồng.

05/11/2015