Kỹ Thuật Cơ Bản Nuôi Cá Thát Lát Cườm
Cá thác lác còm là loài cá có thịt ngon, giá trị kinh tế cao chính vì điều đó cho nên trong những năm gần đây người dân nuôi cá vùng ngọt hoá ở hai huyện Phước Long và Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu đang phát triển và nhân rộng đối tượng nuôi này rất nhanh.
Riêng đối với huyện Phước Long năm 2006 chỉ có khoảng hơn 20 hộ thả nuôi cá thác lác còm trên ruộng lúa thì đến nay đã có khoảng gần 200 hộ thả nuôi theo mô hình này.
Đặc biệt có hộ ông Nguyễn Thành Đông ngụ tại ấp Long Thành, thị trấn Phước Long đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá thác lác còm theo hình thức nuôi công nghiệp. Ông bắt đầu nuôi cá nước ngọt trên ruộng lúa từ năm 2000, những năm đầu chỉ thả nuôi cá trắm cỏ, cá chép, rô đồng… Năm 2006, nhìn thấy giá trị của cá thác lác còm ông đã thả nuôi thử khoảng 200 con thì thấy hiệu quả kinh tế cao nên từ đó ông bắt đầu thả nuôi trên ruộng lúa. Nuôi trên ruộng lúa cá sẽ lớn nhanh, chi phí đầu tư giảm nhờ tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên như phiêu sinh vật, cá, tép, ốc nhỏ, sinh vật đáy…
Đầu năm 2009 ông Đông đã mạnh dạn đầu tư 2 ao nuôi theo hình thức công nghiệp, với diện tích mỗi ao là 500m2. Hai ao này ông thả 5.000 con giống. Với chi phí giống khoảng 2,5ngàn/con loại chiều dài khoảng 3-5 phân được mua từ tỉnh Hậu Giang. Ông dự đoán năm nay ông sẽ bắt khoảng 4 tấn cá. Với giá bán độ chừng 38 ngàn/kg, sau khi trừ chi phí cải tạo, giống, thức ăn và công chăm sóc ông dự đoán sẽ lãi trên 100 triệu đồng.
Kỹ thuật nuôi cá thác lác cũng không khó. Sau đây là một số lưu ý nuôi cá thác lác còm trong ao nuôi thâm canh:
*Chuẩn bị ao nuôi:
Ao nuôi cá thác lác còm tốt nhất là gần nguồn sông chính, để có thể cung cấp nước ngọt dễ dàng. Ao cần có bờ chắc chắn. Tuỳ cỡ ao lớn nhỏ mà đặt khoảng 2-3 ống bọng để cấp, thoát nước. Diện tích ao nuôi tốt nhất từ 200-500m2, độ sâu từ 0,8-1,2m, nhiệt độ nước thích hợp 26-30oC, độ pH 7-8,5, lượng ô xy hoà tan lớn hơn hoặc bằng 3mg/lít.
*Cải tạo ao nuôi:
Trước khi nuôi cần phải dọn cỏ bờ, tát cạn nước, vét hết lớp bùn đáy, bón vôi với lượng 10-15kg/100m2, phơi khô đáy ao khoảng 1 tuần, cho nước vào khoảng 5-7 ngày mới thả cá giống, nước cần phải qua lưới lọc để ngăn cá tạp và cá dữ, dùng rễ dây thuốc cá diệt cá tạp với liều lượng 3kg/100m2. Có thể bón lót phân chuồng để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá giống với liều lượng 15-20kg/100m2.
* Chuẩn bị giống:
Chọn mua giống ở cơ sở uy tín, kích thước đồng đều (cỡ 3-5 phân), không bị xây xát. Cá khoẻ tập trung thành từng nhóm, núp trong giá thể, không bơi rời rạc.
* Thả cá:
Nên thả vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả cần ngâm bao đựng cá trong ao 15-20 phút để cá không bị sốc do nhiệt độ môi trường và nước ao thay đổi. Trong ao cần đặt một số giá thể cho cá trú và nên thả cá ở những vị trí này; cá mới thả thường tập trung quanh giá thể nên dễ quan sát và theo dõi. Mật độ thả 5-10 con/m2, có thể thả nuôi ghép cá sặc rằn, cá hường với mật độ từ 3-5 con/m2.
* Cho cá ăn:
Cho ăn cá, tép vụn băm nhỏ hoặc cho cá, tép nhỏ còn sống vào ao. Cá mồi phải được rửa sạch, băm nhỏ hoặc có thể xay nhỏ và trộn với chất kết dính từ 1-2% để thức ăn không bị rã. Thức ăn cần vo thành viên, đặt trên sàn để theo dõi, điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày. Cho cá ăn 2 lần/ngày. Do cá hoạt động mạnh vào ban đêm nên buổi sáng chỉ cho ăn 1/3 khẩu phần, buổi chiều cho ăn 2/3 khẩu phần. Lượng thức ăn hàng ngày bằng 15-20% trọng lượng cá lúc 1-3 tháng và 5-10% đối với cá 3-10 tháng. Cũng có thể cho cá ăn bột tấm, cám trộn với bột cá với tỷ lệ 30% bột cá + 70% bột tấm, cám.
* Chăm sóc:
Tuỳ theo màu nước của ao mà có chế độ thay nước, lượng nước thay mỗi lần là 1/3. Thường xuyên bổ sung vitamin C và men tiêu hoá cho cá. Thỉnh thoảng trộn tỏi vào thức ăn theo liều lượng 50-100g/10 kg thức ăn, cho ăn liên tục trong 3 ngày.
Nếu chăm sóc tốt, sau một năm cá có thể đạt trọng lượng 800-1.000g/con, có thể thu hoạch.
Kỹ thuật nuôi cá thác lác còm cũng không thật sự quá khó đối với bà con nuôi cá nước ngọt. Điều quan trọng nhất là bà con phải có tâm huyết và nắm vững các biện pháp kỹ thuật cơ bản thì thành công sẽ đến như mong đợi.
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm gần đây, ngoài nghề nuôi cá lóc trong vèo truyền thống, hiện nay nghề nuôi cá thát lát cườm trong vèo cũng mang lại lợi nhuận cao.
Mô hình nuôi cá ghép trong ao, bè ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang được nông dân áp dụng hiệu quả, vừa nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình, vừa giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang), năm 2006 chỉ có hơn 60 hộ thả nuôi cá thát lát cườm trên ruộng lúa; nay đã có gần 200 hộ thả nuôi theo mô hình này.
Quy trình kỹ thuật nuôi cá thát lát cườm trong lồng