Kỹ thuật chuẩn bị chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học
Người nuôi cần nắm vững yêu cầu kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học nhằm đạt năng suất cao, chất lượng gà tốt, từ đó nâng cao nguồn thu của gia đình.
Để đạt năng suất gà cao nhất người nuôi nên nắm vững kỹ thuật chăn nuôi
Việc xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học nhằm giúp bà con nông dân nắm được kỹ thuật chăn nuôi gà sẽ đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, đưa nghề chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học gắn với chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, làm giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi trở nên phổ biến, tạo thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và nâng cao thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm cho các hộ gia đình.
Xây dựng chuồng trại
Nền phải kiên cố, chắc để dễ vệ sinh, dễ sát trùng tiêu độc, nền có độ dốc thích hợp dễ thoát nước, không ẩm ướt, tránh bị chuột đào bới. Bởi vậy, nền chuồng thường láng xi-cát hoặc lát gạch. Diện tích nền chuồng tùy thuộc vào quy mô, mức độ thâm canh nhưng phải đảm bảo đủ rộng. Chuồng nuôi gà con 10 – 12 con/m2, chuồng nuôi gà dò 5 – 6 con/m2.
Mái chuồng làm bằng vật liệu khó hấp thu nhiệt để chống nóng. Mái có thể lợp bằng tole hoặc mái lá, lợp qua vách chuồng khoảng 1 m để tránh mưa, hắt làm ướt nền chuồng, làm một mái hoặc 2 mái. Chuồng được ngăn làm nhiều ô, tùy diện tích nhưng ít nhất nên ngăn thành 2 – 3 ô để dễ quản lý đàn gà nhất là gà sinh sản. Bà con nên ngăn ô bằng lưới thép hoặc nan tre đảm bảo thông thoáng. Chuồng phải được vệ sinh khử trùng tiêu độc trước khi nuôi, có thể dùng Formol 2% với liều 1ml/m2, Paricolin 0,05% hoặc disinfecton 0,05% trước khi bắt gà về nuôi từ 7- 15 ngày.
Tường vách chuồng: Xây cách hiên 1 – 1,5 m, vách chỉ nên xây cao 30 – 40 cm còn phía trên dùng lưới thép hoặc phên nứa. Trường hợp tường vách được coi là tường bao thì phải có thêm cửa sổ để chuồng thông thoáng. Chuồng làm cao 1,5 m, dài 2,5 m, rộng 2m. Chuồng có 1 hoặc 2 cửa cho gia cầm ra vào.
Rèm che: Dùng vải bạt, bao tải, … che cách vách tường 20 cm phía ngoài chuồng nuôi, nhằm bảo vệ cho gia cầm tránh được mưa, gió rét nhất là ở giai đoạn gà nhỏ.
Hệ thống cống rãnh: Chuồng nuôi bắt buộc phải có hệ thống cống rãnh ngầm, đồng thời có đường thoát nước bên ngoài để tránh hiện tượng đọng nước xung quanh tường.
Chuẩn bị bãi thả
Bãi thả nên có cây bóng mát (trồng cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp), có trồng cỏ xanh là nguồn thức ăn có chứa nhiều vitamin, khoáng, là nguồn dinh dưỡng cho gà. Có thể làm lán tạm để treo thêm máng ăn (chú ý tránh mưa ướt) và máng uống cho gà trong thời gian chăn thả. Cây bóng mát trồng cách hiên chuồng nuôi 4 – 5 m, tán cây che nắng phải cao hơn chiều cao mái hiên chuồng nuôi để tăng cường thông thoáng. Có bãi thả gà tự do, vận động. Trên bãi thả gà có thể tìm được một số thức ăn, tắm nắng để tạo vitamin làm xương rắn chắc, sức khỏe tốt, ít bị bệnh.
Vườn thả phải đủ diện tích cho gà vận động và kiếm thêm thức ăn. Yêu cầu diện tích bãi chăn thả tối thiểu là từ 0,5 đến 1m2/gà, bãi chăn bố trí cả hai phía (trước và sau) của chuồng nuôi và thực hiện chăn thả luân phiên, sẽ tốt hơn là sử dụng bãi chăn thả một phía. Bãi chăn bố trí chạy dọc theo chiều dài chuồng nuôi, sao cho khoảng cách từ cửa chuồng đến hàng rào không quá xa, gà dễ ra vào (đặc biệt khi gặp thời tiết bất thường xấu).
Bãi chăn thả được san lấp bằng phẳng, dễ thoát nước, không có vũng nước tù đọng, không có rác bẩn, vật lạ ở trong bãi chăn, định kỳ thu dọn lông gà rơi vãi ở bãi chăn. Thường xuyên duy trì thảm thực vật ở bãi chăn để có môi sinh, môi trường tốt cho khu trang trại, hơn nữa còn bổ sung thêm nguồn thức ăn xanh, giàu vitamin cho gà. Bao xung quanh bãi chăn nên sử dụng lưới mắt cáo hoặc rào bằng phên tre,… sao cho thông thoáng nhưng chắc chắn, chống người, thú hoang, hoặc thú nuôi xâm nhập và gà không thể vượt qua. Bãi chăn phải thường xuyên vệ sinh và định kỳ phụ tiêu độc.
Chuẩn bị dụng cụ
Lồng úm gà con: Kích thước 2m x 1m, cao chân 0,5m đủ nuôi cho 100 con gà. Sưởi ấm cho gà bằng đèn (hai bóng 75W dùng cho 100 con gà).
Máng ăn: Khi gà còn nhỏ (1-3 ngày tuổi) rải thức ăn trên giấy lót trong lồng úm cho gà ăn. Khi gà 4-14 ngày tuổi cho gà ăn bằng máng ăn cho gà con. Trên 15 ngày cho gà ăn máng treo.
Kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn có nhiều yêu cầu về dụng cụ, chuồng trại cũng như bãi chăn thả
Máng uống: Đặt hoặc treo xen kẽ các máng uống với máng ăn trong chuồng hoặc vườn. Thay nước sạch cho gà 2-3 lần/ngày. Chuẩn bị bể tắm cát, máng cát sỏi cho gà do gà rất thích tắm cát. Đối với gà nuôi chăn thả phải xây bể chứa cát, tro bếp và diêm sinh cho gà tắm. Kích thước bể dài 2m, rộng 1m, cao 0,3m cho 40 gà. Đặt một số máng cát, sỏi hoặc đá nhỏ xung quanh nơi chăn thả để gà ăn, giúp gà tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Dàn đậu cho gà: Gà có tập tính thích ngủ trên cao vào ban đêm để tránh kẻ thù và giữ ẩm cho đôi chân, tránh nhiễm bệnh. Do đó nên tạo một số dàn đậu cho gà ngủ trong chuồng. Dàn đậu làm bằng tre, gỗ (không nên làm bằng cây tròn vì trơn gà khó đậu). Dàn cách nền chuồng khoảng 0,5m, cách nhau 0,3-0,4m để gà khỏi đụng vào nhau, mổ nhau và ỉa phân lên nhau.
Chọn giống
Mô hình gà thả vườn không kén chọn giống kỹ như mô hình nuôi công nghiệp. Nếu có ý định nuôi gà thịt, nên lựa chọn các giống gà như Tam Hoàng, gà Tàu vàng, gà Đông Cảo, gà Nòi, gà Lương Phượng. Với một số gia đình muốn làm giàu từ chăn nuôi gà lấy trứng thì lựa chọn hàng đầu sẽ là gà Tàu Vàng, gà Tam Hoàng, gà BT1, gà Ri….
Chọn giống gà con: Chọn gà con càng đồng đều về trọng lượng càng tốt. Chọn những con nhanh, mắt sáng, lông bông, bụng gọn, chân mập. Tránh chọn những con gà khô chân, vẹo mỏ, khoèo chân, hở rốn, xệ bụng, lỗ huyệt bết lông, cánh xệ, có vòng thâm đen quanh rốn.
Chọn giống gà đẻ tốt: Chọn con có trọng lượng không quá thấp, không quá mập, lúc 20 tuần tuổi đạt 1,6-1,7 kg thì rất tốt. Đầu nhỏ, mỏ ngắn đều, mồng tích to, đỏ tươi. Mắt sáng, lông mượt xếp sát vào thân, bụng phát triển mềm mại. Hậu môn rộng màu hồng tươi và ẩm ướt. Khoảng cách giữa xương chậu và xương ức rộng độ 3-4 ngón tay, giữa hai xương chậu rộng gần 2-3 ngón tay xếp lại.
Có thể bạn quan tâm
Gà là một trong số con vật nhạy cảm, nên tuyệt đối không cho gà ăn thức ăn bị ôi mốc, nhiễm nấm, thối rữa.
Bệnh cầu trùng thường làm tăng tỷ lệ tử vong cho gà nhỏ, gà phát triển chậm, yếu, dễ bị bội nhiễm các bệnh khác.
Yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới thành tích: bổ sung khoáng vi lượng cải thiện năng suất gà mái giống