Trang chủ / Cây công nghiệp / Cà phê

Kỹ thuật bón phân cho cây cà phê vối

Kỹ thuật bón phân cho cây cà phê vối
Tác giả: Hồ Công Trực - Trung tâm NC Đất, Phân bón và MT Tây Nguyên
Ngày đăng: 01/11/2017

Bón phân theo phương thức truyền thống

Trong chuỗi quy trình chăm sóc thâm canh cây cà phê thì bón phân là một khâu đóng vai trò quan trọng đến hiệu quả của việc sản xuất kinh doanh cây cà phê. Bón phân hợp lý sẽ giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cây để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao, đồng thời cũng sẽ hạn chế được sự lãng phí do bón dư thừa phân bón gây ra.

Mặt khác bón phân thích hợp còn góp phần bảo vệ, ổn định, cải thiện độ phì nhiêu của đất, bảo vệ môi trường giảm thiểu ô nhiễm do bón dư thừa các hóa chất gây ra.

Bón phân phải đảm bảo các nguyên tắc: Bón cân đối (đúng tỷ lệ), bón kịp thời vụ (đúng lúc), bón đúng cách, bón đủ hàm lượng (đúng hàm lượng).

1. Bón phân hữu cơ

Chất hữu cơ có vai trò quan trọng đối với độ phì nhiêu của đất. Chất hữu cơ góp phần cải thiện đất, tăng hệ số sử dụng phân bón, có hữu cơ cây sẽ dễ dàng hấp thu được các chất dinh dưỡng khoáng N, P, K hơn, sinh trưởng phát triển tốt hơn. Nếu bón đủ hữu cơ sẽ giảm được lượng phân khoáng bón cho cây hàng năm. Phân hữu cơ được sử dụng bón cho cà phê có thể là phân chuồng, phân vi sinh hoặc là các loại phân chế biến khác từ các nguồn hữu cơ như rơm rạ, bã mía, vỏ cà phê… lượng bón như sau:

- Phân chuồng: Trồng mới bón 15 - 20 tấn/ha. Các năm sau bón 10 tấn/ha (2 năm bón 1 lần).

- Hữu cơ vi sinh: 1,5 - 2 tấn/ha (bón hàng năm).

- Tàn dư thực vật hữu cơ (cỏ dại, phế phụ phẩm từ việc tạo hình, vỏ quả cà phê).

Phân chuồng và vỏ cà phê được ủ hoai mục trước khi bón, phân hữu cơ được bón theo rãnh vào đầu hoặc giữa mùa mưa, rãnh được đào theo hình vành khăn dọc theo một bên thành bồn, rộng 20 cm, sâu 25 – 30 cm, sau khi bón phân cần lấp đất lại. Các năm sau rãnh được đào và bón phân hữu cơ theo hướng khác.

2. Bón phân hóa học

Để xác định chế độ phân bón cân đối và hợp lý cho từng vùng, căn cứ vào độ phì của đất và khả năng cho năng suất của vườn cây cà phê. Những vùng chưa có điều kiện phân tích đất, phân tích lá thì có thể áp dụng định lượng phân bón vô cơ như sau:

a. Bón phân đa lượng

- Lượng phân bón: Căn cứ vào tuổi vườn cây, độ phì của đất cũng như mục tiêu năng suất.

Bảng 1. Lượng phân bón nguyên chất

Tuổi cây Lượng phân bón nguyên chất (kg/ha)
N P2O5 K2O
Năm 1 70 80 42
Năm 2 120 80 90
Năm 3 150 80 120
Năm 4 trở đi 300 100 300

Lưu ý: Lượng phân bón thời kỳ kinh doanh cho mục tiêu năng suất 3,0-3,5 tấn nhân/ha. Nếu mục tiêu năng suất cao hơn thì cứ mỗi tấn cà phê nhân tăng thêm cần bón tăng 60kg N + 20kg P2O5 + 60kg K2O.

Bảng 2. Lượng phân thương phẩm

Tuổi cây Lượng phân (kg/ha)
Sunphát amôn (SA) Urê Lân nung chảy Kali clorua
Năm 1 150 550 70
Năm 2 100 200 550 150
Năm 3 150 250 550 200
Năm 4 trở đi 200 652 667 500

- Thời kỳ bón: Bón 4 lần như sau:

Lần 1 (giữa mùa khô, kết hợp tưới nước lần 2, tháng 1 - 2): Bón 100% lượng phân SA.

Lần 2 (đầu mùa mưa, tháng 5 - 6): 35% phân urê, 30% phân kali và 100% phân lân.

Lần 3 (giữa mùa mưa, tháng 7 - 8): 35% phân urê, 35% phân kali.

Lần 4 (cuối mùa mưa, tháng 9 - 10): 30% phân urê, 45% phân kali.

Riêng năm thứ nhất (năm trồng mới): Bón lót toàn bộ phân lân, phân urê và kali được chia đều và bón 2 lần trong mùa mưa.

- Phương pháp bón:

+ Phân lân: Rải đều trên mặt, cách gốc 30 – 40 cm. Lưu ý: Không được trộn phân lân nung chảy với phân đạm.

+ Phân đạm và kali: Có thể trộn đều và bón ngay, rạch rãnh chung quanh tán cây cà phê, rộng 10 – 15 cm, sâu 5 cm, rải phân đều vào rãnh và lấp đất (bón lúc đất đủ ẩm). Hoặc nếu có điều kiện thì hòa nước và tưới đều vào bồn cho từng cây.

b. Bón phân trung, vi lượng

Ngoài các yếu tố đa lượng (N, P, K), cây cà phê cần một số nguyên tố trung, vi lượng (Zn, B, Mn, Mg...).

Lượng bón 80 kg CaO + 60 kg MgO + 60 kg S + 12 kg Zn + 5 kg B + 12 kg Cu. Bón 50% vào đợt tưới thứ 2 trong mùa khô và bón 50% vào lần bón phân đầu tiên trong mùa mưa (tháng 5, 6). Hoặc có thể phun qua lá các hợp chất có chứa các nguyên tố cần thiết đó.

Bảng 3. Một số hợp chất chứa trung, vi lượng thường dùng cho cà phê

TT Nguyên tố vi lượng Loại hóa chất Nồng độ sử dụng (%)
1 Zn ZnSO4 0,4-0,6
2 B H3BO4 0,3-0,4
3 Mg MgSO4 0,4-0,6
4 Mn MnSO4 0,4-0,6

Ngoài ra, để tăng khả năng sinh trưởng phát triển và phục hồi bộ rễ cà phê có thể sử dụng một số loại phân bón lá để phun hoặc tưới gốc cho cà phê theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

c. Bón phân qua hệ thống nước tưới

Bón phân qua hệ thống nước tưới

Hiện nay nhiều nơi đang áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm bằng lắp đặt hệ thống ống tưới nhỏ giọt tới từng gốc cà phê. Tận dụng hệ thống này có thể sử dụng để bón phân cho cà phê rất hiệu quả. Ưu điểm của phương pháp này là chủ động, nâng cao hiệu lực của phân bón. Tuy nhiên chi phí tốn kém do lắp đặt hệ thống tưới, sử dụng các loại phân bón phải là những loại chất hòa tan hoàn toàn nên chi phí cao, nhất là phân lân (P). Các loại phân bón để sử dụng tưới qua nước là:

Phân N: Dạng phân đạm sử dụng Amon sulphate (21%N) - (NH4)2SO4; Amon nitrate (34% N) + NH4NO3; Urê (46% N) - CO(NH2)2.

Phân P: Dạng phân lân Mono potassium phosphate (52% P2O5 và 34% K2O) - (KH2PO4); Axit phosphoric (52% P2O5) - H3PO4.

Phân K: Dạng phân Kaliclorua (KCl - 60% K2O); Mono potassium phosphate (52% P2O5 và 34% K2O).

(theo Thông tin KNVN 3/2017)


Có thể bạn quan tâm

Kỹ Thuật Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Trên Cây Cà Phê Kỹ Thuật Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Trên Cây Cà Phê

Mùa mưa là thời điểm có rất nhiều sâu bệnh hại phát sinh và gây hại cho vườn cà phê. Do đó, bà con nông dân cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật phòng trừ để bảo vệ vườn cây.

29/05/2014
Lão nông “tiên phong” trồng cà phê VietGAP Lão nông “tiên phong” trồng cà phê VietGAP

Quy trình trồng cà phê theo hướng VietGAP khá khó khăn và rắc rối, chi phí ban đầu cũng cao hơn so với sản xuất cà phê theo lối truyền thống.

02/10/2017
Kỹ thuật chăm sóc cà phê đầu mùa mưa Kỹ thuật chăm sóc cà phê đầu mùa mưa

Hiện nay mùa mưa đã bắt đầu trên Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng, đây cũng là lúc các cây trồng tăng trưởng nhanh cành, chồi và quả.

01/11/2017