Kỹ Sư Nguyễn Quốc Kiệt Những Sáng Kiến Bắt Nguồn Từ Thực Tế Cuộc Sống
Có người sự phát minh, sáng chế đến một cách tình cờ, trong khi đối với người khác là do sự đam mê nghiên cứu. Còn anh Nguyễn Quốc Kiệt, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi và thủy sản Gò Công (Phường 3, TX. Gò Công - Tiền Giang) những sáng kiến của anh đều bắt nguồn từ những đòi hỏi của thực tế sản xuất và đời sống
Tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp 4 (nay là Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) năm 1977, chuyên ngành Chăn nuôi thú y, ra trường Kỹ sư trẻ Nguyễn Quốc Kiệt đã ứng dụng những kiến thức học được ở trường vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực. Điều đặc biệt ở anh là luôn đam mê, tìm tòi để phát hiện ra cái mới nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tế sản xuất và đời sống.
Thời điểm năm 2000, phong trào chăn nuôi gà phát triển mạnh do nhu cầu thị trường gia tăng. Làm thế nào để gia tăng lượng gà thịt cung ứng, sau thời gian suy nghĩ và qua gợi ý của người thầy cũ, anh bắt tay vào nghiên cứu phương pháp gieo tinh cho gà.
Ứng dụng phương pháp này vừa giúp tiết kiệm lượng gà cồ hay gà trống (1 gà cồ có thể lấy tinh để gieo cho 50 gà mái so với phối giống truyền thống, số lượng gà cồ tiết giảm 5 lần), vừa tăng lượng gà trên cùng diện tích (mỗi con mái giống được nuôi riêng trong một ô và chuồng được thiết kế nhiều tầng); đặc biệt chất lượng con giống tốt và gà ít bị lây lan dịch bệnh do quá trình phối giống. Với sáng kiến này, anh đạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ V (năm 2003).
Niềm vui kéo dài không lâu do sau đó dịch cúm gia cầm bùng phát, nghề nuôi gà lại bị teo tóp. Nhận thấy nông dân sau đó chuyển sang nghề nuôi lươn khá nhiều, anh quyết định bắt tay vào nghiên cứu phương pháp “ấp nở lươn nhân tạo” để cung cấp lươn giống sạch bệnh cho bà con có nhu cầu. Qua khảo sát, anh chọn mua lươn bố mẹ tự nhiên về làm giống (có sức đề kháng tốt).
Đầu tiên, anh đắp ụ đất để làm ổ cho lươn đẻ. Tuy nhiên, qua theo dõi, anh nhận thấy sau khi đẻ trứng, nếu để nở tự nhiên thì lươn con sẽ bò đi mất, còn nếu làm động ổ này, ổ khác sẽ bị lươn mẹ ăn hết. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm, anh quyết định đợi cho trứng vừa già (5 ngày sau khi đẻ) anh tiến hành vớt và chuyển qua ấp nhân tạo (sục khí ôxy) và kết quả mang lại như ý muốn. Với sáng kiến này, anh đạt “Giải B” Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VIII (năm 2009).
Sau khi dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh được khống chế, người nuôi gà lại tiếp tục tái đàn và mở rộng quy mô chăn nuôi.
Nhận thấy việc nuôi gà công nghiệp đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, mặt bằng rộng, gà tuy tăng trọng nhanh nhưng giá bán không cao, chất lượng thịt không ngon bằng gà đất hay gà ta (gà tàu, gà nòi)… anh suy nghĩ phải lai tạo ra một giống gà có năng suất cao, chất lượng thịt đảm bảo không thua kém so với gà đất. Thế là anh lại bắt tay vào nghiên cứu.
Đầu tiên, anh cho gà mái ta phối giống với gà cồ Role Island Red (nhập khẩu từ Anh quốc) để tạo ra dòng gà mái lai với năng suất đẻ khoảng 180 trứng/năm (gà ta bình thường chỉ đẻ khoảng 70 trứng/năm). Sau đó, cho gà mái lai phối giống với gà trống nòi để tạo ra giống gà mới - gà ta Gò Công (máu nội chiếm 75%).
Gà ta Gò Công có ưu điểm là sức đề kháng cao, thịt ngon, dai, tỷ lệ nạc nhiều hơn gà nội, đặc biệt không có lớp mỡ dưới da (chất lượng thịt không thua gà ta, giá bán từ 60 - 75 ngàn đồng/kg).
Sáng kiến đạt “Giải C” Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VII (2007-2008). Sáng kiến này có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó gắn với sự ra đời của Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công (năm 2007) do anh làm Chủ nhiệm. Qua 7 năm hoạt động, HTX đã góp phần khuếch trương cho thương hiệu gà ta Gò Công - một sản phẩm “độc nhất, vô nhị” của Tiền Giang.
Hiện tại, HTX có 50 hộ (xã viên) nuôi giống gà trên với quy mô 120 ngàn con, mỗi tháng cung cấp khoảng 100 ngàn con giống cho xã viên và các trại chăn nuôi thuộc các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hậu Giang. Đặc biệt, do thực hiện quy trình nuôi an toàn, giết mổ sạch (dự án do tổ chức FAO tài trợ gồm: 1 lò giết mổ công suất 200 con/ngày và xe đông lạnh với tổng trị giá 500 triệu đồng; hỗ trợ tiếp thị, đầu ra…), sản phẩm gà ta Gò Công còn được Công ty San Hà (TP. Hồ Chí Minh) bao tiêu để cung ứng cho các nhà hàng cao cấp và hệ thống siêu thị trong cả nước.
Hơn 14 năm gắn bó với nghề, Kỹ sư Nguyễn Quốc Kiệt luôn tận tụy với công việc, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều giải pháp hữu ích phục vụ sản xuất và đời sống.
Với những thành tích nổi bật nêu trên, anh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác, lao động, sản xuất từ năm 2000 - 2004; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” nhiều năm liền và danh hiệu “Trí thức Khoa học - Công nghệ tiêu biểu năm 2013”…
Đặc biệt, với vai trò là người “thuyền trưởng”, anh đã chèo lái, giúp HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công từng bước vươn lên trở thành một trong những đơn vị kinh tế tập thể điển hình của tỉnh trong thời kỳ đổi mới, được Liên minh HTX Việt Nam tặng danh hiệu “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua các HTX nông nghiệp Cụm thi đua các tỉnh Tây Bắc sông Hậu năm 2013”. Bản thân anh đang được Hội Nông dân tỉnh xem xét đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu năm đến nay, do đầu ra bấp bênh và giảm liên tục, người chăn nuôi cả nước tiếp tục chịu cảnh thua lỗ. Không có vốn để tái đàn, thay vì làm ông chủ, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi nước ngoài. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục, chỉ một thời gian ngắn nữa, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ lệ thuộc 100% vào nước ngoài.
Những ngày này, trên những tuyến đường Cái Răng - Phụng Hiệp xuống Sóc Trăng, Cần Thơ - Mỹ Khánh vô thị trấn Phong Điền (TP Cần Thơ) và hai bên đường 91B, chỗ nào cũng bày bán trái dâu xanh, dâu vàng ngồn ngộn.
Sau 6 tháng thả nuôi, hàu phát triển rất nhanh, có khả năng thích nghi và phát triển tốt. Kết quả, tỷ lệ sống đạt trên 65%, trọng lượng bình quân đạt 12 con/kg, sản lượng hàu đạt 677 kg, với giá bán 32.000 đ/kg, tổng thu trên 21 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 14 triệu, lãi trên 7 triệu (nếu quy trên héc ta thì lãi 1,4 tỷ đ/ha).
“1 phải, 5 giảm”- mô hình phát triển lúa bền vững, không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất, mà còn góp phần bảo vệ môi trường nên được nông dân huyện Thoại Sơn áp dụng trên diện tích 9.300 héc-ta.
Tuy nhiên sản lượng khai thác hàng năm tăng không đáng kể, thu nhập còn bấp bênh bởi sự đầu tư về trang thiết bị còn hạn chế, ngư dân chưa đủ điều kiện lắp đặt các loại máy móc hiện đại.