Những lão nông kiếm bạc tỷ từ nghề nặn trái cây lạ
Dù ở tuổi 50, 60 những lão nông được mệnh danh là “vua tạo hình” trái cây ở miền Tây vẫn cần mẫn nghiên cứu cải tạo giống, hình dáng sản phẩm để tăng giá trị hơn nữa. Mặc dù, sản phẩm của họ đã cao gấp chục lần so với sản phẩm thông thường nhưng vẫn luôn không đủ hàng để bán.
“Vua” bưởi hồ lô
Ông Võ Trung Thành - Chủ nhiệm CLB Khuyến nông Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - được mệnh danh là “vua bưởi hồ lô” từ nhiều năm qua. Thực tế, từ khoảng 2009 đến nay, vào mỗi dịp tết nguyên đán người tiêu dùng trong và ngoài nước đã biết đến những cặp bưởi hồ lô in dòng chữ “Tài - Lộc” của ông Thành.
Trao đổi với Dân trí vì sao ông có ý tưởng nặn trái bưởi 5 roi thành bưởi hồ lô độc đáo, ông Thành chia sẻ: Thật sự trước khi các thành viên trong câu lạc bộ khuyến nông Phú Trí A bắt tay vào sản xuất bưởi hồ lô, anh em cũng trồng bưởi thông thường như những hộ dân khác ở địa phương này. Tuy nhiên, tôi luôn suy nghĩ cần có hướng đi riêng thì kinh tế mới phát triển. Và trong một lần xem phim Tây Du Ký tôi thấy bình hồ lô có dáng độc đáo và có ý nghĩa tốt lành, may mắn cho người dân. Từ sự tình cờ này tôi đã quyết tâm làm ra trái bưởi hồ lô như ngày hôm nay.
Từ năm 2009, người dân biết đến trái bưởi hồ lô có nổi chữ Tài - Lộc của ông Võ Trung Thành
Theo ông Thành, những vụ bưởi đầu tiên, trái bưởi cũng có hình hồ lô nhưng chưa đồng đều, màu sắc chưa đẹp hoặc khi hình dáng đồng đều thì tỷ lệ đạt khá thấp chỉ từ 10 - 20%. Và sau nhiều lần nghiên cứu, thay đổi khung, điều chỉnh phân thuốc… trái bưởi hình hồ lô đẹp hơn và tỷ lệ đạt cũng nâng dần lên, nhờ đó mà giá bán một trái bưởi đã tăng lên hàng chục lần so với một trái bưởi thông thường. Đến khoảng năm 2012, ông Thành cùng các anh em trong câu lạc bộ bắt đầu cho ra lò lô sản phẩm bưởi hồ lô có in chữ “Tài – Lộc” với giá bán từ 600.000 – 1.200.000đồng/cặp và tiếng tăm của ông cũng nổi lên từ đó.
Theo ông Thành và nhiều hội viên trong câu lạc bộ trồng bưởi hồ lô cho biết, mỗi công vườn trồng được khoảng 50 gốc bưởi và có thể thu về từ 60 – 70 triệu đồng/vụ (trồng bưởi thông thường). Cây bưởi với 3 vụ chính là: bưởi sớm (tháng 3 - tháng 5), bưởi mùa (tháng 7 - tháng 9) và bười vụ nghịch (tháng 10 - tháng chạp). Tuy nhiên, dân trồng bưởi hồ lô chỉ tập trung vào vụ bưởi nghịch cũng là thời điểm giáp Tết nguyên đán, vì đa phần dân mua bưởi chỉ để phục vụ chưng Tết, do vậy với lợi thế “không đụng hàng” về hình dáng nên giá bán cao và doanh thu có thể tăng lên 2 - 4 lần so với những hộ trồng bưởi thường.
Cũng nhờ trồng bưởi hồ lô, giờ đây không chỉ ông Thành và nhiều hội viên trong câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A có cuộc sống khấm khá, mỗi vụ bưởi tết kiếm vài trăm triệu đồng là điều không khó với những nông dân luôn cần mẫn, sáng tạo trong lao động như ông Thành.
Đặc biệt, trong năm vừa rồi, ông Thành còn nghiên cứu “nặn” ra trái bưởi hình bàn tay Phật (theo cách gọi người dân), tuy nhiên ở lão nông này vẫn chưa chịu dừng lại, ông Thành hứa hẹn tiếp tục nghiên cứu cho ra thêm nhiều sản phẩm có hình dáng độc đáo hơn nữa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và khách hàng.
“Vua” dưa hấu thỏi vàng
Để xứng danh “vua” dưa hấu thỏi vàng như ngày hôm nay, nông dân Trần Thanh Liêm – quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức, thâm chí có vụ lỗ vốn vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, ông Liêm vẫn bị “nghiện” căn bệnh tạo hình cho trái dưa hấu, nhờ đó ông Liêm không bao giờ bỏ cuộc mà tiếp tục đặt câu hỏi sau những vụ mùa thất bại là: Tại sao lại như vậy?
Tiếp xúc với “vua” dưa hấu thỏi vàng, chẳng ai ngờ rằng ở cái tuổi gần 60 như ông Liêm mà mỗi vụ dưa tết, ông bỏ túi từ 500 – 600 triệu đồng. Kể về cái duyên đến với nghề “nặn” ra trái dưa hấu thành thỏi vàng, xe hơi…ông Liêm cho biết: Khoảng năm 2000 trong một lần xem ti vi, thấy một nông dân Nhật trồng dưa hấu vuông rất lạ và độc đáo. Từ đó, tôi suy nghĩ: người Nhật làm được thì mình cũng làm được. Và ngay sau đó tôi bắt đầu tập trung tìm hiểu kỹ thuật trồng dưa hấu vuông.
Dưa hấu thỏi vàng, xe hơi, hình trái tim đã mang lại sự giàu có và tên tuổi cho lão nông Trần Thanh Liêm
Theo ông Liêm, trong 2 năm nghiên cứu ông rất vất vả trong việc tìm khung thích hợp để “ép” trái dưa hấu có hình tròn thành vuông mà tỷ lệ đạt cao nhất. Sau khi bỏ qua các vật liệu, như kính, xi măng, gạch… ông Liêm chọn chất liệu nhựa để làm khung. Từ khi chọn nhựa làm khung, công việc “nặn” ra trái dưa hấu vuông dễ dàng hơn. Năm 2002 ông Liêm rất thành công khi cho thêm chữ “Tài – Lộc” (chữ Tiếng Việt và Tiếng Hoa) nổi trên trái dưa. Chính kết quả này một lần nữa cái tên Trần Thanh Liêm được nhiều người biết đến.
Với sức sáng tạo của một lão nông có hơn 20 năm trồng dưa hấu chuyên bán để ăn, ông Liêm tiếp tục “nặn” ra những trái dưa có hình ảnh không đụng hàng, như: dưa hấu hình thỏi vàng, hình xe hơi, hình trái tim có bản đồ Việt Nam. Cũng chính từ những quả dưa hấu có hình dáng độc đáo này, mỗi năm cho ông nguồn thu nhập ổn định trên dưới 500 triệu đồng.
Mỗi dịp tết, dù ông Liêm cung cấp cho thị trường vài trăm cặp dưa hấu có hình dáng độc của mình đã giúp ông bỏ túi trên dưới 500 triệu đồng
Chia sẻ với PV Dân trí trong đợt dưa tết Ất Mùi, ông nói: Với những trái dưa hình vuông, thỏi vàng, xe hơi tôi đã an tâm, mặc dù có vụ trúng vụ thất do thời tiết. Đặc biệt, trong năm 2014, năm 2015 tôi nghiên cứu tạo hình trái dưa hấu hình trái tim có in bản đồ Việt Nam và có cả cụm đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng đến nay thì vẫn chưa ưng ý. Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để hoàn thiện “đứa con tinh thần” mà tôi chờ đợi nhất trong cuộc đời “nặn” dưa hấu của mình.
Cũng theo ông Liêm cho biết, với 2 công đất sau nhà và liên kết với bạn bè, mỗi năm ông chỉ trồng một vụ dưa tết (dưa hấu tạo hình) để cho ra hàng trăm cặp dưa hấu làm nên tên tuổi và mang lại sự giàu có cho ông như ngày hôm nay.
“Vua” quýt hồng… trong chậu
Với 8 công vườn (8.000m2) trồng quýt hồng, mỗi năm ông Lưu Văn Ràng – xã Vĩnh Thới, (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) có thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ với 360 chậu quýt hồng trong chậu của ông lại giúp ông bỏ túi thêm 200 triệu đồng nữa vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Chính cách trồng quýt hồng sáng tạo, độc đáo này đã giúp ông Ràng nổi tiếng khắp nơi với biệt danh “vua” quýt hồng trong chậu từ nhiều năm qua.
Ông Lưu Văn Ràng cho biết, để có một chậu quýt hồng ra trái đúng dịp tết ngoài việc bỏ công chăm sóc “đặc biệt” thì người trồng phải mất thời gian đến 30 tháng. Trong khoảng thời gian này, giai đoạn khó khăn nhất là khâu chiết cành đưa xuống mô đất thuần dưỡng. Nếu ở khâu này làm đúng kỹ thuật, cây phát triển tốt thì bắt đầu đưa lên chậu, xử lý cho cây ra hoa, trung bình mỗi chậu từ 15 – 60 trái.
Quýt hồng Lai Vung đã nổi tiếng khắp nơi nhưng với mô hình trồng quýt hồng trong chậu như thế này thì khá độc đáo
Để có 360 chậu quýt hồng bán dịp tết, ông Ràng đã tốn công chiết cành, chăm sóc cả ngàn cây quýt hồng mới chọn được số cây trên cho vào chậu, xử lý cho trái. Ông Ràng nói: “Năm rồi (2014) tôi làm cũng đạt, tuy nhiên vỏ trái quýt hồng còn dày, không bóng kiếng nên năm nay tôi đã khống chế được yếu điểm này, vỏ quýt mỏng và bóng lộn rất đẹp mắt.”
Kể về cái duyên đến với nghề trồng quýt hồng, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết trước đây ông Ràng là một thợ sửa điện tử. Tuy nhiên, cuộc đời đưa đẩy đã giúp ông trở thành một lão nông chuyên trồng quýt hồng nổi tiếng ở xứ Đồng Tháp. Từ tính chịu khó, tỉ mỉ và có chút kiến thức trong lĩnh vực cây kiểng, sau nhiều năm tự học hỏi anh em làng sớm, cán bộ kỹ thuật… đến nay ông Ràng hoàn toàn chủ động trong việc sử dụng phân thuốc để chữa các loại bệnh “đeo bám” vườn quýt hồng của ông cũng như tự tin trong việc tạo dáng cho cây quýt hồng trong chậu của ông luôn vừa lòng khách hàng.
Và chính nhờ mô hình trồng quýt hồng trong chậu, mỗi mùa tết giúp ông Lưu Văn Ràng kiếm thêm 200 triệu đồng
Trao đổi với PV Dân trí ông Huỳnh Văn Tồn – Phó phòng NNPTNT huyện Lai Vung cho biết: “Trên địa bàn huyện số hộ trồng cây quýt hồng vào chậu thành công như ông Ràng chỉ có 3 - 4 hộ. Do trồng cây quýt hồng vào chậu tuy dễ chăm sóc, chi phí thấp nhưng để thành công là rất khó. Do vậy, các hộ trồng quýt trong chậu đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật, đặc biệt là khâu chăm bón, phân thuốc vì thời gian sinh trưởng của cây chỉ mới hơn hai năm tuổi nên việc xử lý cho trái là rất khó.”
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, đối với những chậu quýt hồng được trồng trong chậu chưa đạt có giá từ 600 – 1.000.000 đồng/chậu; còn đối với số quýt đạt (loại I, loại II) nhưng tùy theo hình dáng, số trái trên cây sẽ có giá dao động từ 2 - 4 triệu đồng/chậu. Hàng năm số quýt hồng trong chậu của ông Ràng bao giờ cũng được các thương lái ở Tp Hồ Chí Minh “bao tiêu” hết. Và sau khi trừ đi chi phí, mỗi dịp tết ông Ràng còn lãi trên 200 triệu đồng từ mô hình độc đáo này.
Thiết nghĩ, những lão nông ở tuổi 50, 60 như ông Liêm, ông Thành, ông Ràng ngày ngày vẫn cần mẫn lao động, tìm tòi học hỏi để cho ra các sản phẩm chất lượng, đúng tâm lí người tiêu dùng, thu về bạc tỷ là những tấm gương quý báu để các bạn trẻ cần tích cực hơn nữa trên bước đường làm giàu của mình.
Có thể bạn quan tâm
Đã từng có thời điểm, chăn nuôi bò sữa trở thành phong trào nở rộ ở nhiều địa phương, nhiều nhất phải kể đến các huyện Đức Hòa, Bến Lức và TP.Tân An, sau đó phát triển thêm ở các huyện Tân Trụ, Thủ Thừa... Và, tiềm năng phát triển đàn bò sữa ở Long An vẫn còn. Nhưng…
Ở Tân Kỳ (Nghệ An) có một trang trại bò Úc qui mô khá lớn với tổng đàn gần 400 con, trong đó 350 con mẹ và 43 con bê. Trang trại này của ông Tô Anh Phương, thị trấn Tân Kỳ được đầu tư 12 tỷ đồng. Ông đang khẩn trương xây dựng chuồng trại mới để đàn bò sinh sống ổn định.
rong quý III/2015, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long phát sinh 6 ổ dịch cúm gia cầm. Cụ thể, ngày 19/8/2015, dịch bệnh H5N1 phát sinh trên đàn gà 40 ngày tuổi số lượng 1.048 con tại hộ chăn nuôi ấp Trung Trạch (xã Trung Thành - Vũng Liêm);
Là huyện miền núi, Hướng Hóa (Quảng Trị) có quỹ đất nông nghiệp không nhiều nhưng bù lại chất đất ba dan tương đối tốt. Những năm qua, huyện đã quy hoạch đất nông nghiệp, phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá.
Theo nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang hiện thương lái mua mía tại ruộng (giống ROC 16) đang ở mức từ 1.100 - 1.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với đầu vụ (giữa tháng 9).