Kỹ sư chân đất chế tạo máy nông nghiệp đa năng độc đáo
Chủ nhân của chiếc máy đa năng độc đáo có tính năng xịt thuốc, sạ phân, sạ lúa là “kỹ sư” Lê Văn Sửa, ngụ ấp An Thọ, xã An Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp).
Anh Sửa vận hành chiếc máy đa năng của mình
Dù chỉ học hết lớp 9 nhưng với niềm đam mê máy móc, anh đã tìm tòi và chế ra sản phẩm trên.
Sau khi học xong lớp 9 anh Sửa lên thành phố Hồ Chí Minh để học nghề sửa chữa các loại máy nông nghiệp. Gắn bó với ruộng đồng nên anh Sửa hiểu được nỗi vất vả, khổ cực của nông dân. Từ đó anh đã sáng chế thành công chiếc máy xịt thuốc BVTV với công suất hơn 180 công/ngày. Sau khi mang thử nghiệm đã được nông dân đánh giá cao, bởi phun thuốc bằng máy giảm được chi phí, hạn chế tiếp xúc với thuốc BVTV.
Anh Sửa chia sẻ, ban đầu chỉ chế máy để sử dụng cho gia đình canh tác hơn 20 công lúa. Sau khi thử nghiệm nhiều nông dân thấy hiệu quả đã đặt hàng.
Theo anh Sửa thì chiếc máy phun thuốc của anh có rất nhiều ưu điểm và giảm rất nhiều chi phí trong việc phòng trừ sâu bệnh hại. Bình quân 10ha chỉ tốn chi phí 260.000 đồng (60.000 tiền xăng + 200.000 đồng tiền thuê người phun) giảm gấp nhiều lần so với phun thủ công.
Không dừng lại ở đó, đến giữa năm 2015 anh Sửa tiếp tục nâng thêm tính năng của máy phun xịt lên thành máy đa năng gồm 3 chức năng: phun xịt thuốc, sạ lúa và sạ phân. Chiếc máy được thiết kế gồm: 1 máy xăng, bơm nén, hộp số, 1 cầu 1,4 tấn, bồn chứa phân, chứa thuốc và 4 bánh. Ưu điểm của máy sử dụng ở lúa nhiều giai đoạn khác nhau, giảm chi phí thuê mướn nhân công, chỉ cần một người điều khiển là có thể phun xịt, rải phân, sạ lúa một cách nhanh nhất.
Chiếc máy đa năng còn có ưu điểm là nhanh và hiệu quả phù hợp với những vùng đất có diện tích rộng, các địa hình khác nhau. Nhiều nông dân các tỉnh Long An, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và nước bạn Campuchia đến đặt hàng. Mỗi năm anh Sửa cung ứng ra thị trường từ 40 - 50 máy đa năng và 50 máy chuyên phun xịt thuốc BVTV. Sau khi trừ chi phí nhân công và đầu tư mua trang thiết bị, anh Sửa còn lãi từ 3 - 5 triệu đồng/máy.
Nói về kinh nghiệm và cách thức sản xuất kinh doanh của mình, anh Sửa nhấn mạnh, bản thân nông dân phải không ngừng học hỏi để phát triển cùng với các nước trên thế giới. Hiện nông dân một số nước đã bón phân, sạ lúa bằng máy bay, điều khiển từ xa, nếu Việt Nam không có những bước phát triển mới sẽ không thể theo kịp.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi làm dịch vụ ấp nở con giống gia cầm, có người đến bán chim công, ông Khởi mua 1 đôi, không ngờ, chim công đã cho ông thu nhập “khủng”.
Nhiều nông dân ở huyện Phú Tân, Cà Mau đã tận dụng diện tích bờ vuông tôm để thực hiện mô hình trồng rau má, có hộ thu gần 100 triệu đồng/năm.
Nông cụ do ông Phạm Văn Đậm ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vừa sáng kiến giúp nhà vườn cắt sạch cỏ trong chớp nhoáng.