Nuôi chim công làm cảnh, không ngờ lãi khủng tại Tiên Du
Trong khi làm dịch vụ ấp nở con giống gia cầm, có người đến bán chim công, ông Khởi mua 1 đôi, không ngờ, chim công đã cho ông thu nhập “khủng”.
Ông Khởi chăm sóc đàn chim công 4 tháng tuổi.
Ông Nguyễn Hữu Khởi, thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), cho biết, gia đình ông có 720m2 đất vườn, chủ yếu để ấp nở con giống gia cầm; dịch vụ thuốc thú y.
Cách đây vài năm, có người đến bán 1 đôi chim công, ông Khởi mua chơi, sau đó cho ấp nở để nhân giống làm cảnh. Khách hàng của gia đình, bạn bè đến chơi, ông đều biếu, hoặc bán, cứ như vậy, cùng với gà vịt, đàn chim công cứ tăng dần.
Do đàn chim công ngày càng phát triển, ông Khởi đã hợp tác với bạn bè, mở rộng diện tích trang trại. Hiện, ngoài 720 m2 tại gia đình, ông Khởi còn có nông trại chung với bạn 1.400m2, cách nhà 3 km; vừa là khu tham quan du lịch, vừa là nơi chăn thả đàn công.
Hiện, mỗi năm nông trại có trên 200 chim công, từ 2 tháng tuổi trở lên, và 100 con bố mẹ 4 năm tuổi. Theo đó, giá chim con 2 triệu đồng/con; loại 1- 2 năm tuổi 3 –4 triệu đồng/con.
Chim công đến 4 năm tuổi thì đẻ thành thục, mỗi năm đẻ một lứa, tuổi thọ của chim công khá cao: 30 -35 năm. Hàng năm, đàn chim bố mẹ vẫn phải tuyển lựa dần, trong quá trình nuôi, nếu thấy không mọc được lông, vẹo mỏ, hoặc què, phải loại bỏ làm chim thịt, giá 5 – 6 triệu đồng/con.
Đa phần, khách đặt hàng ông đều đến tận nơi, hỗ trợ công tác chăm sóc, thú y. Khách ngoại tỉnh, cũng có khi phải đến tận nơi, nhưng phần lớn trao đổi qua mạng Internet.
Đôi chim công trên 10 năm tuổi tại nông trại
Khách mua là người dân trên cả nước, xa nhất là Đà Lạt, gần nhất là người dân trong tỉnh như: Thuận Thành, Quế Võ, TP. Bắc Ninh. Chủ yếu khách mua về để làm cảnh, người mua ít nhất 1 đôi, nhiều thì 2, 3 đôi.
“Hàng năm, chim công chưa đến kỳ sinh sản đã có khách đặt hàng. Song, có người gửi lại trang trại nuôi đến 6,7 tháng tuổi mới bắt (trả thêm tiền chăm sóc). Để quản lý, chăm sóc cả 2 khu vực nói trên, thường xuyên có 4 lao động, lương bình quân 7 – 8 triệu đồng/người/tháng”, ông Khởi cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Tại các tỉnh Bắc bộ, sâu đục thân 2 chấm non gây dảnh héo trên lúa Mùa sớm, lúa sạ.
Nông dân nuôi lươn trong hồ xi măng và bồn lót bạt ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp tiếc hùi hụi vì giá lươn thương phẩm tăng cao, nhưng không còn để bán.
Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) nơi có danh lam thắng tích Chùa Hương đang tích cực phát triển mô hình trồng đặc sản rau sắng, củ mài, mơ Hương Tích...