Kinh Nghiệm Nuôi Cá Tra Sạch, Giảm Giá Thành
Đó là kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Tuấn (ấp Bình Thành, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, An Giang), qua nhiều năm ứng dụng quy trình nuôi cá tra sạch có sử dụng chế phẩm vi sinh giảm chi phí đầu tư, cá đạt tiêu chuẩn sạch xuất khẩu.
Theo ông Tuấn, quan trọng là tuân thủ từng bước theo khuyến cáo, không bỏ qua yếu tố nào, không sử dụng nhiều hóa chất.
Trước khi thả giống 10 - 15 ngày, ông Tuấn tiến hành cải tạo ao, rút bỏ bùn đáy ao, rải vôi (vôi đá hay vôi sống CaCO3). Sát trùng nguồn nước bằng hóa chất có gốc clor như Clorin hoặc TCCA trước khi nhập giống 1 - 2 ngày. Trước lúc thả cá ra ao (còn dưỡng trong mùng lưới đặt trong ao) trộn vitamin C vào thức ăn cho cá ăn liên tục một tuần, sau đó giảm và cắt mồi 1 - 2 ngày sau khi sang ra ao.
Cần chú ý, sau khi nhập giống 2 ngày đầu không cho cá ăn, sau đó cho ăn thức ăn viên có trộn vitamin C và men tiêu hóa (có nhiều loại bán trên thị trường, trộn theo liều khuyến cáo) cá tiêu hóa tốt sẽ giảm hao hụt bước đầu.
Tháng đầu cá ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, hai tháng kế tiếp cho cá ăn thức ăn tự chế với tỷ lệ 4/6, cám 40%, cá biển là 60%. Tháng thứ hai thay đổi tỷ lệ là 5/5 (50% cá + 50% cám); các tháng cuối cho ăn thức ăn công nghiệp.
Trong quá trình nuôi vẫn trộn vitamin C và Betaglucan, men tiêu hóa vào thức ăn, cách 3 - 4 ngày bổ sung một lần, nếu thời tiết xấu bổ sung liên tục 4 - 5 ngày. Thường xuyên theo dõi sức ăn của cá, định kỳ 20 - 30 ngày hút loại bỏ bùn đáy ao một lần, tùy lượng mồi cá đã ăn.
Sau khi hút bùn đáy, xử lý bằng Yuca Liquid và Bacilux. Chú ý khi cá rộ lên, xem lại nguồn nước có dơ không thì bơm nước mới, hoặc chưa xử lý thì phải xử lý bằng chế phẩm vi sinh.
Lưu ý, vào mùa nước đổ (lũ về) cá hay bị sán ký sinh, lúc này sử dụng TCCA hoặc hóa chất trị sán lá có bán trên thị trường để diệt sán lá ký sinh ở mang.
Chú ý, ngoài pha thuốc tạt khắp ao, còn trộn thêm Nova - parasite vào thức ăn cho cá ăn liên tục 2 – 3 ngày thì hiệu quả diệt sán rất cao. Sau khi xử lý ký sinh trùng, khoảng 2 - 3 ngày sau xử lý lại bằng Yuca và chế phẩm vi sinh.
Với cách xử lý này, nước trong ao nuôi luôn tốt, không có mùi hôi, cá ăn mạnh và kéo dài được thời gian bơm nước. Khi xác định đàn cá nuôi bệnh do vi khuẩn, tiến hành mổ cá chết kiểm tra nội tạng, nếu thấy có chất dịch hoặc dấu hiệu ở gan thận thì mới sử dụng kháng sinh (colectin, sulpha, doxycilin hoặc flophenicol theo liều khuyến cáo).
Trong quá trình nuôi phải theo dõi thường xuyên, tùy lượng thức ăn cá mà kéo dài hay rút ngắn thời gian hút bùn đáy, hút xong xử lý bằng Yuca và vi sinh, lượng bùn đáy đưa vào nơi thích hợp. Thường xuyên theo dõi môi trường, chú ý nơi cung cấp thức ăn, thuốc phải uy tín...
Ông Tuấn cho biết, việc sử dụng các chế phẩm vi sinh kéo dài thời gian thay nước, chất lượng cá đạt tiêu chuẩn cá sạch xuất khẩu, giảm nhiều chi phí hơn sử dụng hóa chất. Nếu không xử lý vi sinh phải bơm cấp nước thường xuyên, mặt khác phải tốn chi phí xử lý nước thải. Về lâu dài, nguồn nước thải ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh Virus cá da trơn (CCVD) được công nhận là một vấn đề về bệnh trong những ngày đầu của ngành thương mại chăn nuôi cá da trơn
Nuôi trồng thủy sản được coi là ngành sản xuất thức ăn có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp phần lớn
Columnaris, lần đầu tiên được mô tả bởi Herbert Spencer Davis năm 1922, là một trong những bệnh lâu đời nhất được biết đến của cá nước ấm
Bài viết cung cấp một số thông tin về dấu hiệu bệnh lý, tác nhân gây bệnh, dịch tể học, các phương pháp thu mẫu bệnh phẩm và phương pháp chuẩn đoán bệnh virus
Theo kết quả nghiên cứu, phức chất giữa axit hữu cơ propionic và canxi có thể thúc đẩy tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và tỷ lệ sống của cá da trơn