Kinh nghiệm làm giàu của những nông dân xuất sắc
Kiên tâm, nhẫn nại, ham học hỏi và quan trọng nhất là không bỏ cuộc là bí quyết thành công của những nông dân xuất sắc.
“Vua Bưởi sông Xoài” mất tới 15 năm tìm tòi, rút kinh nghiệm. Ảnh: Bizmedia
Vua bưởi Sông Xoài học kinh nghiệm qua Internet
Năm 1997, ông Hồ Văn Kiệt cùng gia đình chuyển về Sông Xoài (Bà Rịa – Vũng Tàu) làm ăn. 3 năm, lăn lộn với cây cà phê, giữa lúc loại cây này mất giá, ông nảy ra ý định nghiên cứu trồng bưởi.
Mới bắt đầu, việc tìm tài liệu về quy trình, kỹ thuật trồng bưởi gặp nhiều khó khăn. Khi đó Sông Xoài chưa có ai thử nghiệm giống bưởi da xanh. Quyết tâm theo đuổi dự định, ông lặn lội tới Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam học cách trồng và mua cây giống. Thời điểm đó, ngày nào ông Kiệt cũng chăm chú nghe kênh radio nông nghiệp TP HCM để học hỏi kinh nghiệm.
"Có công mài sắt có ngày nên kim", năm 2015, toàn bộ 3,7ha bưởi da xanh (gần 300 gốc) của ông đạt được chứng nhận VietGap. Sản lượng ổn định khoảng 150 tấn bưởi sạch, mang lại thu nhập hơn một tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
Bên cạnh đó, ông Kiệt còn hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác và đứng ra thành lập hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ bưởi da xanh ổn định.
Lòng kiên trì của lão nông
Hơn 30 năm, ông Nguyễn Thanh Trúc (Đà Lạt) gắn bó với nghề nông nhưng thu nhập thấp. Ấp ủ ý định thay đổi, đầu năm 2013, ông bàn với vợ trồng thử 500m2 dâu tây. Khi đó, Đà Lạt đã có nhiều nông dân trồng dâu tây trên đất và giá thể xơ dừa thành công nhưng ông Trúc chọn trồng thủy canh với mong muốn thu sản phẩm sạch.
5 tháng đầu, vườn dâu ông Trúc mắc bệnh. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đầu tư mà vợ chồng gom góp nguy cơ đổ sông đổ bể. Áp lực trắng tay khiến đầu ông Trúc bạc hơn nửa. "Tôi không từ bỏ, vì tôi nghĩ mình đã dám đầu tư tiền tỷ vào mô hình này thì phải kiên trì cho đến khi mang lại hiệu quả", ông cho biết.
Không thấy khó mà nản, ông Trúc tìm tài liệu cách trồng dâu New Zealand qua Internet. Em trai ông chuyển cho ông tài liệu hướng dẫn kỹ thuật từ Mỹ gửi về. Để hiểu tài liệu, ông Trúc chịu khó tra từ điển suốt 6 tháng. Cuối cùng, 500m2 dâu đầu tiên của ông cho năng suất cao gấp đôi trồng thông thường.
Kiên trì học hỏi, tìm hiểu, vợ chồng ông thu được những trái dâu thơm và đạt tiêu chuẩn an toàn, giá bán từ 180 - 250.000 đòng mỗi kg. Có kinh nghiệm, ông Trúc mạnh dạn nhân rộng diện tích trồng lên 4.000m2.
Năm 2014, dâu Trung Quốc trà trộn đội lốt dâu Đà Lạt khiến giá giảm mạnh. Nhiều nông dân trắng tay bởi chi phí bỏ ra nhiều mà thu về ít. Ông Trúc vẫn quyết bám vườn dâu. Hiện, vườn dâu ông Phúc cho sản lượng khoảng 30 tấn mỗi năm, thu nhập 5 tỷ đồng. Đồng thời, ông cũng mở cửa vườn dâu cho khách du lịch tham quan miễn phí, mua dâu tại vườn.
CEO 9x gõ cửa từng nhà bán nhang sạch suốt 3 năm
Anh Nguyễn Văn Thiện đã trải qua nhiều nghề khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 2014, anh dừng chân ở nghề sản xuất nhang sạch. Anh Thiện biết, thói quen người tiêu dùng đang ưa chuộng nhang cuốn tàn, nhang thơm hóa chất.
Nhận thấy, nhang sạch là sản phẩm tốt nhưng chưa nhiều người hiểu, anh và cộng sự lặn lội mở thị trường bằng cách gõ cửa từng nhà, ký gửi ở từng cửa hàng rau sạch, từng gian hàng chợ, từng ngôi chùa.
Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, anh Thiện đã thu được những thành quả nhất định. Nhang Thiền có gần 2.000 điểm bán hàng ở hơn 40 tỉnh thành, giới thiệu tại 40 nước và có mặt tại hầu hết các chuỗi siêu thị lớn nhỏ, sân bay, cửa hàng tiện lợi như Satra, Vinmart, Aeonmall.
Tháng đầu tiên, chỉ có vài cửa hàng rau sạch, nhà hàng chay đồng ý trưng bày sản phẩm. “Chúng tôi kiên trì gõ cửa từng nơi, cho đến khi khách hàng tăng lên được 1.000 người” – anh Thiện chia sẻ.
Xây dựng đội ngũ nhân sự từ toàn những người trẻ, những người hiểu ý nghĩa, con đường với nông nghiệp sạch. CEO 9x cho biết: “Không thể có kết quả mới với con người và cách làm cũ”.
Nguyễn Văn Thiện và hành trình mở rộng thị trường tiêu thụ nhang sạch.
Giấc mơ nông nghiệp của nữ nông dân 40 tuổi
Ngoài 40 tuổi, bà Nguyễn Thanh Thủy đưa gia đình về định cư ở ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (nay là huyện Bàu Bàng, Bình Dương) thực hiện ước mơ trồng trái cây.
Bà dành tiền mua được 14ha đất để trồng bưởi da xanh. Bà Thủy về chợ Lách (Bến Tre) mua 6.000 cây giống tại vườn và học luôn kỹ thuật trồng bưởi da xanh.
Bưởi 3 -5 năm mới cho thu. Lấy ngắn nuôi dài, bà Thủy tận dụng cách trồng xen các cây ngắn ngày như bầu, bí, chanh, ổi… tạo tầng phủ giữ đất, có thu nhập để mua phân bón. Đồng thời, bà nhận chăm thêm 35.000-50.000 con gà công nghiệp để có phân gà nuôi trùn quế, có phân cải tạo đất nuôi cây.
Ngày đó, 2.500 cây bị chết trên tổng số 6.000 vì bà chưa nắm rõ kỹ thuật chăm sóc và thiếu nước kéo dài. Bà Thủy cứu 3.500 cây bưởi còn lại được bằng cách giếng khoan và đầu tư máy bơm dầu.
Năm 2004, vườn bưởi gia đình bà bắt đầu bói quả. Nhờ trồng thêm cây ngắn ngày và đàn gà, 5 năm sau, bà phục hồi lại 14ha bưởi da xanh với 6.000 gốc bưởi, cho sản lượng đều đặn 260 tấn mỗi năm. Từ đó, doanh thu từ vườn bưởi tăng đều mỗi năm, năm 2012 là 5 tỷ, năm 2016 đạt 8 tỷ và 12 tỷ là doanh thu năm 2016.
Tình yêu bưởi của lão nông U70
Năm nay, ông Dương Văn Bùng (Kim Bảng, Hà Nam) đã ngoài 70 tuổi nhưng niềm đam mê của ông với bưởi chưa chấm dứt dù nhiều nhiều người can ngăn ông nghỉ ngơi, sống vui vầy với con cháu.
Đáp lại lời khuyên của mọi người, lão nông dân đáp: “Bà con còn thờ Tết bằng quả bưởi thì tôi còn trồng”.
Để hiểu rõ về cây trồng, ông lặn lội lên tận Viện thổ nhưỡng để kiểm tra chất lượng đất. Phát hiện đất chua, ông xử lý thêm vôi. Ngoài ra, ông tự mình học thêm kinh nghiệm và tự rút bài học qua mỗi vụ về cách dùng phân hữu cơ, phân tan chậm, sử dụng cách bọc quả cho mẫu mã đẹp, xử lý ao để có nước tưới phục vụ vườn.
Lão nông Trà Vinh kiên trì trồng cam sành 5 năm mới đậu quả
Ông Nguyễn Văn Khải, người trồng cam sành tại Càng Long, Trà Vinh. Gia đình ông nuôi 5 con đang tuổi ăn, tuổi học. Năm 2010, ông bắt đầu chuyển sang trồng cam với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình.
Ngày đó, ông Khải vừa trồng, vừa học hỏi nhưng do không có kiến thức, chưa hiểu về thổ nhưỡng, tỷ lệ phân bón nên vườn cam của ông ít quả, chất lượng kém.
Lão nông Nguyễn Văn Khải trong vườn cam sành. Ảnh: Bizmedia
Không hài lòng, ông tìm đến các tiến sĩ nông nghiệp để học hỏi.Theo thời gian, ông tự rút ra thêm nhiều kinh nghiệm. Năm 2015, vườn cây của ông bắt đầu cho trái đẹp, cam sành của gia đình ông đoạt giải 3 Hội thi Trái ngon toàn Nam Bộ năm 2016. Ông Khải cũng nhận được nhiều bằng khen của địa phương, nhà nước.
Với những kiến thức đã học và tích lũy, ông chia sẻ kinh nghiệm với người dân trồng cam địa phương. Lão nông đến vườn để bắt bệnh và hướng dẫn mọi người cách chăm bón. “Mình phấn đấu hỗ trợ những anh em chăm sóc để trái sớm ngày cho thu hoạch” – ông chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Từ Gia Lai, ông Nguyễn Duy Đô (52 tuổi, ở xã Kon Gang, H.Đăk Đoa) lặn lội ra Nghệ An mua giống cam Vinh mọng nước rồi đem về trồng thử nghiệm đạt hiệu quả cao
Xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) có nhiều nông dân làm giàu từ trồng cam, quýt, bưởi, xoài, nhãn… Tuy nhiên, cũng có một số người thành công nhờ mô hình VAC
Giải pháp nâng cao năng suất tôm càng xanh bằng việc bẻ càng để được tôm loại 1 của ông Nguyễn Văn Đoàn đang được nhiều nông dân áp dụng, mang lại hiệu quả