Kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm từ trồng bèo, nuôi gà
Từ vua dưa
Về thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ, hỏi trang trại của ông Chừ thì ai cũng biết. Khi tôi đến, ông đang làm lễ cúng sau đợt xuất bán gà. Thi thoảng chiếc điện thoại lại rung lên, bởi người gọi điện hỏi thu mua gà.
“Bỏ túi hơn nửa tỷ mỗi năm, nhiều người bảo tôi nói dốc chứ thiệt là vậy!”- ông Chừ mở đầu câu chuyện bằng những câu từ chất phác vốn thiệt nông dân.
Ông kể, bước ngoặt trong cuộc đời của ông bắt đầu từ quyết định đầy mạo hiểm vào năm 1997 là thuê 83 sào đất ở xã Tịnh Phong trồng dưa.
Và ông cũng chính là người đầu tiên ở Quảng Ngãi trồng dưa An Tiêm đen phủ bạt.
Thời điểm ấy, trồng dưa phủ bạt là nghề mới mẻ, nhưng ông đã có một quyết định đúng đắn. Năm đầu tiên, thua lỗ nặng và rồi năm thứ hai ông trúng mùa.
Nhờ bèo hoa dâu tự trồng mà trại gà của ông chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh.
Đất không phụ người có công, dưa lớn phơi phới, dưa chín tới đâu thương lái đánh xe tải mua tới đó.
Cứ 2 sào dưa, ông bán được 1 lượng vàng, trừ tất cả chi phí ông còn được 50%. Hồi đó ông được khán giả cả nước biết đến với biệt danh vua dưa xứ Quảng, vì được truyền hình trung ương lên sóng.
Ông vẫn còn nhớ như in, năm đó 1 chỉ vàng có giá 400.000 đồng, nhờ dưa mà ông “tậu” cho anh con trai thứ vừa đỗ đại học 1 bộ máy tính trị giá 2,4 lượng vàng; cho anh con trai đầu vừa tốt nghiệp đại học chiếc xe Dream Thái giá 8 lượng vàng.
Ông Chừ nhớ lại: “Thằng con cứ hay than phiền là anh em cơ quan trêu xe mày “thơm” mùi dưa”.
…Đến vua gà
Trồng dưa được vài năm, đất đai dần cằn cỗi, cộng với người dân ồ ạt trồng theo, nên ông lại quyết định rẽ hướng khác làm ăn là trồng cỏ nuôi 30 bò trên diện tích đất đã trồng dưa
. Cùng thời điểm đó, Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, thấy ra “cơ hội vàng”. Dù đã gần 60 tuổi, nhưng ông không ngại tiếp tục hiện thực hóa kế hoạch làm giàu.
Năm 2004, được UBND huyện Sơn Tịnh cho thuê 57 sào đất rừng ở thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ để thành lập trang trại. Từ đó đến nay, ông đã “phủ xanh” và làm giàu trên mảnh đất khô cằn này.
Việc đầu tiên là ông chuyển toàn bộ 30 con bò ấy về trang trại, trồng cỏ, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng cây keo.
Vợ chồng ông tối ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên trang trại hẻo lánh với đàn bò.
Những năm đầu, mỗi năm, bò mang về cho gia đình cả trăm triệu đồng. Cuộc sống gia đình đã có của ăn, của để, ông lại nghĩ cách chuyển sang nghề khác là nuôi gà thay vì nuôi bò.
Vợ chồng ông giờ đã có tuổi, không đủ sức để quần quật suốt ngày với đàn bò.
Từ nuôi gà, ông Chừ thu về hơn nửa tỷ đồng/năm.
Nuôi gà là nghề không xa lạ với nông dân, nhưng số người làm giàu từ nó chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi dịch bệnh thường xuyên hoành hành, giá cả bấp bênh, nhưng với ông chẳng hề gì.
Ông tiết lộ bí quyết “phòng dịch tổng hợp” cho gà mà ông đúc kết được từ một lần đàn gà bị dịch bệnh.
Ông nghĩ ngay đến chuyện có thể do ăn bèo vớt dưới lòng kênh Thạch Nham, nguồn nước bị ô nhiễm bởi người dân thường vứt súc vật chết, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật xuống lòng kênh.
Từ đấy, ông “đoạn tuyệt” với bèo trôi nổi, thuê người đào ao rộng 600m2 thả cá trê lai, nuôi bèo làm thức ăn cho gà.
Ông Chừ lý giải: “Cho cá trê lai ăn bánh dầu, phân của chúng làm tốt cho bèo và lấy bèo cho gà ăn.
Gà thả rông ra vườn keo có chỗ chơi, vừa ăn được côn trùng cộng với ăn bèo có hàm lượng rau xanh nên vừa tăng sức đề kháng, lông vừa đẹp, thịt ngon, ít dịch bệnh, phân gà lại bón ra cho keo”.
Nhờ triết lý cộng sinh tưởng như chỉ có trong lý thuyết mà trại gà của ông chưa xảy ra dịch bệnh. Nói ra, nhiều người sẽ bảo ông nói “phét”, nhưng khi nghe ông phân tích lại thấy có lý.
Hai trại gà, mỗi lứa ông nuôi khoảng 10.000 con/2 trại, 3 lứa/năm từ 25.000-30.000 con, tỉ lệ chết chỉ chiếm 5-6%.
Gà con nuôi đến khi xuất bán có giá thành phẩm khoảng 80.000 đồng/con, với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg, ông thu lãi được 30.000 đồng/con, trừ chi phí thuê nhân công hơn 20 triệu đồng/tháng, ông bỏ túi hơn nửa tỷ đồng.
Trang trại của ông là 1 trong 2 trang trại ăn nên làm ra nhất huyện Sơn Tịnh và được lọt vào 52 trang trại trên địa bàn tỉnh đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT.
Vườn keo có “1 không 2”
Hôm chúng tôi có mặt ở nhà ông cũng là lúc ông đang thu hoạch rừng keo.
Ông khoe, rừng keo của ông chưa tới 1,5 ha mà ông bán "khoán" được tới 330 triệu đồng. Thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ, ông dẫn ra tận vườn “nói có sách mách có chứng”.
Một cây keo của ông phải nhiều người khiêng mới chuyển được lên xe.
Theo ông Trần Hùng, thương lái thu mua keo ngụ xóm 6, thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh): Ông làm nghề thu mua keo đã 20 năm, nhưng chưa có vườn keo nào đẹp như vườn keo của ông Chừ, “có 1 không 2”.
Cứ 1ha keo 4-5 năm tuổi thường bán chỉ thu được 65- 70 triệu đồng, còn 1ha keo của ông Chừ lập “kỉ lục” 250 triệu đồng bởi ông “nuôi” chúng đến 7 năm mới thu hoạch.
Nguyên tắc của ông là không bao giờ đốt thực bì sau khi thu hoạch keo mà để nguyên hiện trạng như thế. Thực bì vừa giúp đất giữ được độ ẩm, vừa ngăn chặn không cho cỏ mọc, như thế, lợi cả đôi đường.
Theo tính toán của ông, chỉ cần thêm ½ thời gian mà đổi lại thu nhập tăng gấp 3- 4 lần.
Một gốc keo của ông trung bình nặng tới 500kg, khi thu hoạch phải dứt ra thành 7 khúc, mỗi khúc dài 2 m, phải đến vài người mới có thể di chuyển được lên xe.
Ngoài thu nhập từ nuôi gà, từ khi thành lập trang trại đến nay, ông đã thu hoạch được 2 lứa keo, bỏ túi thêm được gần nửa tỷ đồng nữa.
Chuyện về ông thì nhiều lắm! Ông vẫn còn tham vọng nuôi dế, heo rừng, trồng cây cà gai leo, cây sắn dây, nhưng nghẹt nổi, bốn người con của ông không ai theo nghiệp mình.
Anh con trai đầu của ông đang giữ chức phó giám đốc của một Sở, anh con trai thứ đang là giảng viên của một trường cao đẳng, con trai út thì làm chủ doanh nghiệp.
Ngồi nhâm nhi chén nước trà chiêm nghiệm lại cuộc đời mình, ông bảo:
“Con hơn cha là nhà có phúc. Mới chiều qua nhận được tin thằng lớn gọi về báo đã thi đỗ cao học, thằng giữa chuẩn bị đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Bấy nhiêu là ông mãn nguyện lắm rồi”.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày giữa tháng 6, màu vải chín bắt đầu phủ đỏ từng khoảng vườn, ngọn đồi tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Vải được xếp đầy sân những ngôi nhà làm điểm tập kết tại thị trấn Kép, Chũ hay xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn). Tại đây, sản phẩm sẽ được phân loại, đóng thùng xốp rồi đưa lên xe chở qua biên giới Trung Quốc. Chỉ một phần nhỏ được dành tiêu thụ trong nước.
Trong những năm qua, doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng xuất khẩu gạo đều phải căn cứ trên giá sàn xuất khẩu mà Hiệp hội lương thực Việt Nam công bố. Tuy nhiên, thời gian tới doanh nghiệp có thể đàm phán và bán gạo với mức giá phù hợp mà không cần căn cứ trên giá sàn.
Theo đó, để đóng mới dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ với mức lãi phải trả chỉ 1%/năm trong thời hạn 11 năm, được sử dụng phương tiện hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp; ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 70-100 phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác thủy sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần có công suất từ 90 CV trở lên; miễn thuế tài nguyên đối với thủy sản đánh bắt, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ...
Mặt khác, do sản lượng thấp nên quá trình phân loại bông của châu Phi chưa cao, tỷ lệ tạp chất nhiều, bông ở vùng Đông Phi thường có hàm lượng đường cao hơn các nước khác, điều này tác động đến quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Để khắc phục, các DN cần đa dạng nguồn hàng và phối hợp pha trộn các nguồn nguyên liệu khác nhau theo những tỷ lệ nhất định.
Tiếp nối những thành công của giống gà J-DABACO, với đam mê lưu giữ, bảo tồn và phát triển giống gà quý gắn liền với tinh thần thượng võ của cha ông ta từ thủa “mang gươm đi mở nước”, qua nghiên cứu văn hóa người tiêu dùng cộng nhiều năm lai tạo, Công ty TNHH MTV Gà giống DABACO đã sản xuất thành công giống gà nòi chân vàng mang thương hiệu Ja-DABACO