Khu vực phía Đông tỉnh ớt được giá, nông dân phấn khởi
Những năm gần đây, cây ớt được nông dân thị xã An Khê và các huyện: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ đầu tư sản xuất; diện tích trồng không ngừng được mở rộng. Bởi theo họ, mía-cây chủ lực từ trước đến nay đang ngày càng mang về ít lợi nhuận cho người trồng, trong khi đó, cây ớt lại trở thành nguồn thu nhập tương đối ổn định của nhiều hộ gia đình.
Giá ớt cao gấp 3 - 4 lần
Dưới tiết trời gay gắt nắng của mùa hè cao nguyên, người dân vẫn cần mẫn thu hoạch những quả ớt chín đỏ để kịp giao bán cho thương lái vào cuối buổi chiều. Trên những gương mặt lấm tấm mồ hôi ấy hiện hữu niềm vui thấy rõ vì họ đã và đang trải qua một niên vụ ớt “đẹp giá” mà 5 năm trở lại đây chưa từng có.
Chị Nguyễn Thị Hương (tổ dân phố 10, phường An Bình, thị xã An Khê) vừa thoăn thoắt đôi tay hái ớt, vừa phấn khởi nói: “Nhà tôi trồng ớt cũng lâu rồi nhưng chưa bao giờ bán được giá như năm nay, thấp nhất đầu vụ cũng 15.000 đồng/kg, cao nhất tới 42.000 đồng/kg.
Với 1 sào ớt này, năm ngoái bán với giá 8.000 - 10.000 đồng/kg, có lúc giá đẩy lên được 12.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi thu được 15 triệu đồng. Còn hiện tại, mới giữa mùa nhưng tôi đã thu được gần 20 triệu đồng”.
Cùng tâm trạng trên, ông Hà Dề (thôn Tân Thiện, xã Tân An, huyện Đak Pơ) cho hay, gia đình ông trồng hơn 3 sào ớt giống Trang Nông 378. Nhờ chăm tưới tiêu nên lượng ớt thu hoạch được nhiều, giá bán lại cao gấp 4 lần năm ngoái nên vốn thu hồi lại nhanh. Vì thế, gia đình ông quyết định thuê thêm vài nhân công để thu hoạch xong sớm với giá thuê hái 4.000 đồng/kg ớt.
Không chỉ An Khê, Đak Pơ, Kông Chro, huyện Kbang cũng là địa phương có diện tích trồng ớt tương đối nhiều. Đơn cử như ở xã Đak Hlơ có trên 700 hộ dân thì 2/3 số hộ đều trồng loại cây này với tổng cộng 30 ha. Người trồng ớt nơi đây đều tự tin khẳng định rằng, nếu với giá như hiện nay, 1 sào ớt có thể “ăn đứt” 1 ha mía trong khi vốn đầu tư và công sức bỏ ra thấp hơn. Anh Nguyễn Hữu Trí (thôn 5, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) chia sẻ: “Dù giá ớt từ đầu mùa tới giờ liên tục dao động, không ổn định nhưng mức trung bình cũng ngoài 20.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con trong xã. Nông dân chúng tôi nhờ vậy cũng đỡ lo âu”.
Nguyên nhân từ đâu?
Nguyên nhân khiến giá ớt năm nay cao hơn gấp nhiều lần so với những năm trước được các chủ đại lý lý giải với phóng viên khá tường tận. Đại lý Hòa Dung (263 Lê Lợi, phường An Bình, thị xã An Khê) là một trong những cơ sở mua ớt lớn tại thị xã An Khê và khu vực phía Đông tỉnh. Với 4 trạm thu mua đặt ở 4 huyện, thị xã, trung bình mỗi ngày đại lý Hòa Dung đóng gói tầm 5 tấn hàng (bao gồm cả ớt chỉ thiên và ớt sừng) rồi tập kết xuống vựa ở huyện Phù Mỹ (Bình Định).
Có thâm niên 18 năm gắn bó với nghề này, ông Lê Khánh Hòa-chủ đại lý khá nhạy bén và có thể nắm rõ những thông tin liên quan đến trái ớt trong lòng bàn tay. Theo ông Hòa, sở dĩ giá ớt chênh lệch nhiều theo hướng tích cực hơn những năm trước là vì thời tiết năm nay gây bất lợi không nhỏ cho người trồng ớt tại khu vực miền Bắc và miền Trung nước ta. “Ngập úng ở các tỉnh phía Bắc và hạn hán ở các tỉnh miền Trung đã khiến cho nhiều vùng ớt chủ lực tại đó đều bị thất thu. Trung Quốc và Singapore đợt này lại có nhu cầu mua khá lớn. Ớt trở nên khan hiếm và giá cả vì thế liên tục đẩy lên cao”-ông Hòa phân tích.
Tìm hiểu thêm về việc tại sao giá ớt ngày 13-4 bỗng cao đột ngột từ 40.000 đến 42.000 đồng/kg nhưng chỉ kéo dài đúng 1 ngày, sang hôm sau lại hạ nhanh xuống 28.000 đồng/kg và cố định 2 hôm nay ở mức 26.000 đồng/kg, một số chủ đại lý khác của khu vực giải thích rằng, đó là do lượng ớt thu hoạch ở các vùng bị đứt quãng, các đại lý lớn ở Thái Bình, Hải Dương tập trung về mua ở Gia Lai, cạnh tranh nhau và tự ý đẩy giá lên cao nhằm hút hàng. Thực trạng này khiến giá ớt nhảy vọt rồi nhanh chóng tụt về lại mức trung bình từ đầu mùa đến giờ.
Bên cạnh sự phấn khởi vì bán được giá cao, nhiều người trồng ớt cũng thoáng buồn cho niềm vui chưa trọn vẹn. Khoảng 30% diện tích ớt tại các địa phương không nằm ngoài ảnh hưởng chung của nắng hạn, đã và đang trong tình trạng khô héo vì thiếu nước tưới. Thêm vào đó, một số hộ dân xuống giống ớt sớm (đầu tháng 10 Âm lịch năm trước), gặp thời tiết lạnh, cây ớt sinh trưởng và phát triển kém dẫn đến năng suất thu hoạch không đạt như ý. Nhà nông dường như vẫn khó có thể thoát khỏi điệp khúc “được mùa, mất giá-được giá, mất mùa”…
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù những ngày gần đây thời tiết đã dịu mát và có mưa nhưng cũng không làm cho nông dân hết lo lắng bởi nắng nóng kéo dài trước đó đã làm cho nhiều cây trồng của họ phần bị chết, phần giảm năng suất, không thể phục hồi được.
Trồng nấm rơm là hình thức sản xuất từ lâu đời của bà con nông dân. Tuy nhiên, với cách thức trồng nấm truyền thống, nông dân đã gặp nhiều khó khăn do diễn biến của thời tiết. Trước tình trạng đó, những năm gần đây, một số nông dân đã chuyển sang trồng nấm rơm trong nhà và đã mang lại hiệu quả khá tốt.
Những ngày này, nhiều nông dân ở xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) khi đi thăm đồng không khỏi ngạc nhiên bởi ngoài màu xanh mướt của lúa và hoa màu thì quanh bờ ruộng còn có thêm nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc.
Hiện giá mủ cao su được các thương lái thu mua tại huyện Sông Hinh (Phú Yên) ở mức 12.000 đồng/kg mủ đông, tăng 4.000 đồng/kg so với giá bình quân vụ 2014, tương đương với giá mủ năm 2013 và chỉ bằng 1/3 giá của năm 2010.
“Đã có những thời điểm rau đến giai đoạn thu hoạch nông dân phải gọi đến năm lần, bảy lượt mà thương lái vẫn không đến mua hoặc đến mua với giá rất thấp, không bằng giá thành sản xuất. Giờ được doanh nghiệp (DN) bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng, nông dân (ND) còn gì vui hơn” - Đó là bày tỏ của nhiều nông dân tham gia trồng rau tiêu thụ qua hợp đồng với DN.