Không tái canh giống điều kém chất lượng
6 tháng đầu năm 2015, cả nước đã SX trên 3 triệu cây giống ghép, ước tính sẽ trồng được 15.000 ha điều tái canh (200 cây/ha). Tuy nhiên, trong số này có bao nhiêu cây ghép đạt yêu cầu cả về giống tốt và cành ghép đạt chuẩn?
Mấy năm nay, cao su, cà phê… mất giá, riêng hạt điều vẫn có giá cao, do đó nhiều nông dân có vườn điều già cỗi muốn cải tạo hoặc chặt bỏ để tái canh điều.
Theo Cục Trồng Trọt, quy hoạch của Bộ NN-PTNT (2014-2020) sẽ tái canh 45.000 ha và ghép cải tạo 15.000 ha để thay thế 60.000 ha điều già cỗi thuộc các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Gia Lai và Bình Định.
Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều (Viện KHKT nông nghiệp miền Nam) đã phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên điều tra nhanh cơ cấu giống và cây điều đầu dòng.
Kết quả cho thấy khoảng 40% diện tích điều được trồng bằng các giống ghép, trong đó chỉ 50% diện tích nói trên trồng đúng giống có năng suất cao và chất lượng tốt (PN1, TL2/11, MH5/4, AB29, AB05-08), 50% diện tích còn lại bị lẫn giống BO1 và một số giống không rõ nguồn gốc khiến năng suất thấp, hạt nhỏ.
Các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước đang tồn tại nhiều cơ sở SX giống điều không có nguồn gốc rõ ràng, chồi giống lẫn tạp, đã SX hơn 2 triệu cây.
Sự phát triển ồ ạt của các cơ sở cung cấp điều giống đặt ra câu hỏi có bao nhiêu cây ghép đạt yêu cầu về giống tốt và cành ghép đạt chuẩn?
Chỉ cần phân tích vài số liệu trên với kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm về giống điều, có thể đánh giá thực chất về cây giống điều ghép hiện nay.
Trước hết, muốn có 3 triệu cây giống điều ghép, phải có 3,3 triệu cành ghép đạt chuẩn (tính cả lượng hao hụt 10%). Theo quy trình tạm thời ghép cải tạo vườn điều (Quyết định 134/QĐ-TTCCN, ngày 8/5/2015) cũng như ghép cây giống “cần phải có cành ghép lấy từ cây đầu dòng 8 tuổi trở lên và đã được theo dõi năng suất cao ít nhất 3 năm liên tiếp, với chất lượng hạt tốt, hạt to (< 170 hạt/kg), nhân đạt trên 28% trọng lượng hạt”.
Với tiêu chí này chắc chắn các cơ sở SX cây giống điều ghép, kể cả trung tâm giống điều cũng thiếu các cành ghép đạt chuẩn.
Các vườn điều giống cho cành ghép với số lượng lớn, chỉ mới trồng vài ba năm gần đây. Vậy hàng triệu cành ghép còn lại phải lấy từ các vườn giống mới trồng 1 - 2 năm.
Do đó việc nhân giống điều non có thể lại tái diễn như 5 - 10 năm trước đây. Hậu quả là nông dân tái canh điều sẽ lãnh đủ, vì năng suất chỉ thể hiện sau 5 - 6 năm trồng.
Mà chất lượng cây giống kể trên, không thể cho năng suất cao như mong muốn.
Một điều cần lưu ý, điều thuộc loại cây lâu năm, thụ phấn chéo và thiếu ổn định về tính di truyền. Ngay các cành ghép của một cây giống tốt, ghép lên gốc ghép cho những cây giống ghép cũng không đồng nhất.
Chúng biến đổi so với cây mẹ tới 56,9%; như vậy chỉ 43,1% số cây ghép có chất lượng giống cây mẹ.
Ngay cây chiết ổn định hơn, cũng biến đổi tới 45,4% và chỉ thu được 54,6% số cây chiết có chất lượng tương tự cây mẹ.
Còn trồng từ hạt (thực sinh) các cây biến đổi tới 99,7%. Điều này nhắc nhở các nhà SX cây điều giống ghép, phải chọn cành ghép đủ tiêu chuẩn để hạn chế sự biến đổi của cây giống ghép vượt quá giới hạn kể trên.
Ngoài việc dùng cành ghép của cây non, một số cơ sở SX cây giống còn sử dụng cành ghép của các giống điều hạt nhỏ (BO1), hay giống cho nhân nhẹ, xốp như một số giống điều nhập nội từ Thái Lan (TL2/11, TL11/2 và TL6/3…).
Nông dân trước mắt nên tập trung cải tạo vườn điều già cỗi bằng cách ghép các cành ghép từ cây giống tốt, ưu tú của vườn nhà mình hoặc của bà con trong thôn, xã có cùng điều kiện sinh thái, ghép lên những chồi gốc hoặc chồi cành của những cây 15 - 20 tuổi cần cải tạo.
Như vậy việc tái canh điều còn thiếu cây giống đạt chuẩn, thiếu giống đầu dòng cho năng suất chất lượng cao để cung cấp cành ghép, thiếu cành ghép đạt tiêu chí chất lượng.
Phương pháp chọn giống và nhân giống điều non cũng làm cây con biến đổi nhiều hơn so với cây mẹ.
Không cần cắt trụi cành già để tận thu hạt như trước. Khi cành ghép đã phát triển tốt mới cắt ngọn cành, tạo tán cho cành ghép phát triển.
Đây là phương pháp ghép chồi thở, một sáng tạo độc đáo của một số nông dân trồng điều giỏi tại xã Long Hà (Bù Gia Mập, Bình Phước).
Sau đó được Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) kết hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT và Hội Nông dân Bình Phước thực hiện đề án xây dựng mô hình “Cải tạo vườn điều già cỗi…”, kết hợp với thâm canh, tạo tán, bón phân và phòng trừ sâu bệnh tại 100 điểm thí nghiệm tại Bình Phước và Đồng Nai.
Cuối năm 2014, đích thân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã tới tham quan vườn điều của 3 hộ nông dân trồng điều giỏi trong mô hình của Vinacas và đánh giá cao phương pháp này.
Có thể bạn quan tâm
Từ trước đến nay, cây điều được đối xử như “con ghẻ”, vì cho rằng nó là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, trên diện tích đất không chủ động nguồn nước trong mùa khô, chúng ta khó tìm được loại cây trồng nào thay thế cây điều. Vì vậy, nâng cao hiệu quả từ việc trồng điều là cần thiết.
Cây điều là cây giao phấn điển hình, do đó nhân giống bằng hạt cây giống sẽ phân ly mạnh làm giảm năng suất chất lượng, tính ổn định và độ đồng đều giữa các cá thể ở thế hệ sau. Do đó, để giữ ổn định những đặc tính tốt về năng suất và chất lượng của cây mẹ thì phải nhân giống cây điều bằng phương pháp vô tính (giâm, chiết, ghép). Hiện nay, nhân giống cây điều bằng phương pháp ghép non nối ngọn cho kết quả tốt nhất.
Vườn ươm gốc ghép phải đặt nơi cao ráo, thoát nước tốt. Xung quanh khu vực vườn ươm phải quang đãng, không có cây che bóng.