Không nên đốt rơm rạ trên ruộng lúa
Ở ĐBSCL nông dân vẫn còn có tập quán đốt rơm rạ trên ruộng lúa (hay còn gọi là đốt đồng) trước khi đi vào vụ mới nhất là vụ lúa tiếp theo vụ đông xuân (xuân hè hay hè thu).
Nông dân thường tranh thủ đốt đồng sớm để sạ vụ lúa xuân hè không làm đất (sạ chay đốt đồng) hoặc sạ lấp vụ (vụ thu đông). Việc đốt rơm rạ gia tăng trong những năm gần đây do giá nấm rơm sụt giảm, người làm nấm rơm không ngó ngàng đến việc thu mua rơm rạ của nông dân nên rơm rạ trở thành gánh nặng cho bà con trước khi cần giải phóng đồng ruộng cho vụ tiếp theo mà đòi hỏi xuống giống nhanh, giải phóng rơm trước khi trời mưa xuống, vì nếu gặp phải mưa trong lúc chưa giải phóng hết rơm rạ thì việc làm đất và xuống giống càng trở nên phức tạp.
Không nên đốt rơm rạ trên ruộng lúa vì nhiều lý do
Việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng không được khuyến cáo ở nhiều nước trồng lúa vì ô nhiễm môi trường, lãng phí rơm rạ và nhiều tác hại khác. Chúng ta hãy nghiên cứu việc quản lý rơm rạ ở một số nước sau đây:
Ở Ấn Độ: Nhà nước khuyến cáo nông dân không nên đốt rơm rạ vì mục đích chống ô nhiễm môi trường. Họ khuyến cáo nông dân vùi rơm rạ vào đất để tăng cường dinh dưỡng cho đất, hoặc dùng làm thức ăn cho gia súc…
Nghiên cứu của tổ chức Rice-wheat consortium for Indo-Gangatic plains (2003) cho rằng nếu cả đồng bằng sông Hằng của Ấn Độ mà tất cả nông dân đều đốt rơm rạ thì sẽ gây ra ô nhiễm môi trường vô cùng lớn vì diện tích đồng bằng này rất rộng.
Việc đốt rơm rạ hay tàn dư cây trồng trong vùng đồng bằng sông Hằng đóng góp khoảng 0,14 triệu tấn khí Metan (CH4) (0,8 MMTCE/năm), giả định rằng một nửa số lượng của tàn dư cây trồng sản sinh ở mức độ 10 tấn/ha (lúa và lúa mì) trong 12 triệu ha thuộc đồng bằng sông Hằng được đốt cháy. Số lượng này tương đương 20% của tổng khí CH4 thoát ra từ cánh đồng lúa nước trong cùng một vùng. Khí CO2 sinh ra do việc dùng dầu diesel dể chạy máy nông nghiệp và do quá trình đốt cháy tàn dư cây trồng hoặc rơm rạ. Khí N2O do đốt cháy tàn dư cây trồng sản sinh ra 40g N2O/tấn rơm rạ. Nếu như giả định cả đồng bằng sông Hằng với 12 triệu ha được đốt cháy thì 2.000 tấn khí N2O đã phóng thích vào bầu khí quyển.
Ở Mỹ: Đã ban hành luật cấm đốt rơm rạ trên ruộng lúa. Việc quản lý rơm rạ được khuyến cáo cho nhiều mục đích sử dụng thay thế có ý nghĩa kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Các giải pháp thay thế cho việc không đốt rơm rạ trên đồng ruộng ở Mỹ:
- Vùi rơm rạ vào đất: Giúp duy trì N (đạm) và C trong đất. Việc vùi phế phẩm rơm rạ có ưu điểm làm cho đất sẵn sàng có nhiều N hơn từ vật chất hữu cơ trong đất. Lượng N thêm vào sẽ được giữ lại trong đất và vật chất hữu cơ trong đất trở thành nguồn quan trọng của N sẵn có cho vụ lúa tiếp theo. Vì thế, vùi rơm rạ vào đất có thể trở thành lợi ích bền vững lâu dài về nguồn cung cấp N.
- Dùng làm thức ăn gia súc: Yêu cầu đồng ruộng phải dọn sạch rơm rạ cho việc chuẩn bị cây trồng vụ tới. Vì vậy, chỉ có 2 phương pháp chủ yếu là trộn rơm rạ vào đất và đốt. Đốt là cách làm nhanh nhất, không tốn kém công và còn tiêu hủy mầm bệnh nhưng hiện nay phải tuân theo quy định nghiêm ngặt. Sự trộn rơm rạ vào đất làm chậm hơn, tốn thêm chi phí và có thể gây ra một số bệnh cho lúa. Vì thế những phương pháp truyền thống này đều không cho là lý tưởng. Cho nên, phương pháp thay thế được cho là vững chắc bằng một trong những sự sử dụng khác của rơm rạ là làm thức ăn gia súc nơi mà thức ăn gia súc khan hiếm.
- Sản xuất ethanol từ rơm rạ: Quy định về môi trường của tiểu bang không cho phép nông dân đốt rơm rạ một cách tự do trên đồng ruộng. Nông dân trồng lúa ở Golden State chào đón một cách nồng nhiệt phương pháp mới và rẻ tiền để dọn sạch rơm rạ do công ty của ông Bowers đề xuất. Công ty này đã giúp tháo gánh nặng cho nông dân khi chuyển từ sự bất lợi thành một lợi ích thông qua chế biến 35.000 mẫu Anh (acres) rơm rạ thành một khối lượng lớn (12.5 MMgy) ethanol và 33 triệu pao (pounds =0,454 kg) silicat sodium. Xem xét giá trị chưa được thừa nhận của người trồng lúa, giá trị các sản phẩm của công ty này có thể so sánh như vàng.
- Sản xuất giấy từ rơm rạ: Ông Enter Al Wong, một nhà hóa học Canada, người đã làm chủ một công nghệ để biến rơm rạ của nông dân thành giấy giúp cho nông dân vùng California. Ông ta có 10 năm kinh nghiệm trong việc biến phụ phẩm nông nghiệp như rạ lúa mì trở thành giấy chất lượng cao.
Quản lý rơm rạ ở nước ta
Việc áp dụng rơm rạ cho mục đích làm giấy, sản xuất ethanol chưa được áp dụng ở nước ta. Rơm rạ hiện nay chủ yếu dự trữ làm thức ăn gia súc, làm nấm rơm. Tuy nhiên có nơi, có lúc nấm rơm không có giá và sản xuất không có lãi, rơm trở thành gánh nặng cho người nông dân và biện pháp đốt đồng trở nên phổ biến. Ở nước ta chưa có luật cấm đốt rơm rạ như ở Mỹ nên bà con thường rải rơm đốt đồng để gieo sạ. Thậm chí có nơi bà con còn đốt nguyên đống rơm không cần rải gây ô nhiễm môi trường, gây lãng phí rơm và làm cho lúa dễ bị lốp đổ ngay chỗ đốt đống rơm do lúa tốt hơn bình thường.
Như vậy chúng ta nhận thấy đốt rơm rạ là điều nên tránh và nên khuyến cáo bà con sử dụng rơm rạ cho việc trồng nấm rơm, dự trữ làm thức ăn gia súc, tủ gốc trồng màu… Trong trường hợp khó vận chuyển và cất giữ có thể vận động tập thể mua máy đóng bánh rơm của một số xí nghiệp đã khuyến cáo rất có hiệu quả trong việc ép rơm rạ thành bánh giúp cho việc vận chuyển và bảo quản rơm rạ được dễ dàng. Từ đó có thể sử dụng rơm rạ cho nhiều mục đích khác. Máy ép rơm này đã được sản xuất và đưa vào sử dụng ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP.HCM...
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Khuyến nông An Giang khuyến cáo nông dân, một số vấn đề cần lưu ý trong việc xử lý hạt giống lúa để đạt độ nẩy mầm tối ưu
Sau nhiều vụ sản xuất thử thắng lợi ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, giống lúa thuần Vật tư – NA6 đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức
Huyện Quang Bình dồn điền đổi thửa, hoàn thiện hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, cơ giới hóa nghề lúa nước để tăng năng suất.