Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Trồng lúa năng suất 58 tạ mỗi ha ở huyện vùng cao Hà Giang

Trồng lúa năng suất 58 tạ mỗi ha ở huyện vùng cao Hà Giang
Tác giả: Vũ Đậu
Ngày đăng: 06/03/2018

Huyện Quang Bình dồn điền đổi thửa, hoàn thiện hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, cơ giới hóa nghề lúa nước để tăng năng suất.

Lúa vùng cao Quang Bình cho năng suất đến 58 tạ mỗi ha. Ảnh: Vũ Đậu

Đến Hà Giang vài năm trở lại đây, ngoài hàng dệt thổ cẩm, cháo ấu tẩu, bánh cuốn Đồng Văn, cơm lam Bắc Mê, cam sành Bắc Quang…, còn xuất hiện đặc sản gạo ngon Quang Bình.

Theo ông Phùng Viết Vinh - Phó chủ tịch UBND huyện Quang Bình, 9 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích gieo cấy lúa toàn huyện đạt 5.554 ha. Nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật chăm sóc, lúa phát triển tốt, chín đồng đều và cho năng suất cao khoảng 58 tạ mỗi ha. Tổng sản lượng ước đạt 32.214 tấn.

Các giống chủ yếu trên địa bàn là lúa Nhị ưu 838, Việt lai 20, KHT99, BC 15, Thiên ưu 8, TBR 225, nếp cẩm, nếp địa phương... Trong đó, tổng diện tích quy hoạch để canh tác sản xuất lúa chất lượng cao là 500 ha cho cả 2 vụ.

Quang Bình đang hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, tạo ra vùng cung ứng nguyên liệu ổn định cho nhà máy chế biến gạo. Huyện đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm lúa chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng loạt trên diện rộng. Tổng diện tích quy hoạch cánh đồng mẫu lớn là 1.556 ha chia đều cho 12 xã.

Để khắc phục tình trạng canh tác manh mún, huyện thực hiện dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, hoàn thiện hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng... nhằm tạo thuận lợi cho cơ giới hóa nông nghiệp.

Huyện sản xuất mạ khay, đưa máy cấy, máy thu hoạch gặt đập liên hoàn vào các vùng sản xuất tập trung. Bước tiến này từng bước làm thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ và gieo cấy truyền thống của người dân, góp phần giảm chi phí và sức lao động, tăng năng suất cây trồng.

Nông dân tuân thủ Sổ tay khuyến nông do Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Giang phát hành. Mạ được gieo cấy vụ xuân và mùa, mỗi ha gieo 60-80kg giống lúa thuần; 25-30kg đối với lúa lai. Người dân bón phân chuồng, lân, ure, kali, đồng thời tiến hành làm cỏ, sục bùn liên tục để cây sinh trưởng tốt.

Người dân địa phương thường chọn ngày nắng ráo để thu hoạch. Khi thu hoạch, hạt lúa đảm bảo chắc mẩy, vàng đều. Sau khi được tuốt, phơi nắng, quạt sạch, lúa được bảo quản trong bao tải, xếp vào nơi thoáng mát.

Hiện nay, đầu ra lúa được cung ứng ổn định cho Công ty TNHH Một thành viên Tin học Đầu tư Xây dựng Quang Anh. Công ty phối hợp với phòng nông nghiệp  huyện tổ chức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ sản xuất lúa chất lượng cao. Nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 5/2016, sử dụng hệ thống tự động hóa, dây chuyền xay xát, bóc vỏ và lau bóng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với năng suất 2 tấn mỗi giờ.


Có thể bạn quan tâm

Bệnh đạo ôn hại lúa Bệnh đạo ôn hại lúa

Lúa là cây trồng chính và quan trọng trong SX nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, một khi được thâm canh tăng năng suất và chất lượng, nhiều loại dịch hại xuất hiện

09/02/2018
Hướng dẫn biện pháp xử lý hạt giống lúa nẩy mầm trước khi gieo sạ Hướng dẫn biện pháp xử lý hạt giống lúa nẩy mầm trước khi gieo sạ

Trung tâm Khuyến nông An Giang khuyến cáo nông dân, một số vấn đề cần lưu ý trong việc xử lý hạt giống lúa để đạt độ nẩy mầm tối ưu

09/02/2018
Giống lúa VT-NA6 được công nhận chính thức Giống lúa VT-NA6 được công nhận chính thức

Sau nhiều vụ sản xuất thử thắng lợi ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, giống lúa thuần Vật tư – NA6 đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức

02/03/2018