Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Không Cho Đất Nghỉ

Không Cho Đất Nghỉ
Ngày đăng: 06/11/2013

Dù vất vả nhưng không bao giờ bỏ ruộng, hết vụ này lại gối vụ khác, nhờ vậy, nhiều gia đình nông dân trong tỉnh Bắc Giang kinh tế khá giả, có "của ăn của để”.

Bám đồng ruộng

Sáng sớm một ngày cuối tháng 10, trên cánh đồng thôn Bẩy, xã Cảnh Thuỵ (Yên Dũng) nông dân đã tất bật chăm sóc, thu hoạch rau màu. Bà Đặng Thị Phương cho biết: "Gia đình tôi vừa bán hai sào cải cuốn. Trừ chi phí lãi 10 triệu đồng. Khoảng một tuần nữa tôi thu hoạch tiếp ruộng bắp cải, với giá rau hiện nay có thể bỏ túi được khoảng 4 triệu đồng”.

Bà Phương là thế hệ thứ 3 trong nhà làm nghề này. Trên 7 sào ruộng, bà luân canh các loại cây trồng, mùa nào thức ấy đều có sản phẩm mang bán, mỗi năm dành dụm được hàng trăm triệu đồng từ trồng màu.

Cùng thôn, hộ ông Trần Văn Hà chuyên sản xuất rau giống. Với 8 sào đất, mỗi vụ gia đình ông cung cấp hàng trăm nghìn cây giống rau xanh, rau gia vị… cho người dân trong và ngoài xã. Ông Hà nói: "Thu nhập từ đồng ruộng không cao nhưng nếu chăm chỉ, tích cực bám đồng, bám ruộng thì vẫn có cuộc sống khá giả mà không phải rời quê đi làm ăn xa”.

Thôn Bẩy nhà nào cũng làm màu, có hộ trồng tới hàng mẫu nhờ lợi thế đất nông nghiệp ở chân vàn cao, thoát nước nhanh, chất đất tơi xốp. Cơ cấu cây trồng chủ yếu là rau vụ đông xuân - dưa lê xuân hè - dưa lê hè thu hoặc dưa hấu - rau vụ đông sớm. Theo những người trồng rau nơi đây, bình quân mỗi sào lãi từ 12-18 triệu đồng/năm, tương đương gần 300 triệu đồng/ha/năm.

Do sản lượng rau lớn, thôn có 2 điểm thu mua sản phẩm, bình quân tiêu thụ khoảng 3-4 tấn rau/ngày, cao điểm hơn 10 tấn/ngày. Ông Lưu Văn Na, Trưởng thôn cho biết: "Thôn có hơn 100 hộ trồng màu với diện tích chuyên canh 10 ha, riêng vụ đông tăng lên 12 ha. Phần lớn hộ có kinh tế khá giả, làm nhà khang trang đều từ trồng rau màu”. Ngoài thôn Bẩy, tại Cảnh Thuỵ còn có các thôn Đông, thôn Dưới… nông dân trồng màu cũng cho hiệu quả kinh tế cao.

Đất không phụ công người

Tại cánh đồng thôn Đông Long, xã Quảng Minh (Việt Yên) những ngày này cũng trải dài màu xanh mơn mởn của hành, các loại cải, rau mùi, xà lách... Năm nay, mưa nhiều, nắng gắt nên trồng rau vất vả hơn so với những năm trước. Sâu bệnh theo đó cũng phát sinh mạnh. Bởi vậy cùng với bón phân, tưới nước nông dân đang tập trung phun thuốc bảo vệ rau.

Bà con cho biết trồng rau màu bận như "nuôi con mọn” bởi ngày nào cũng phải có mặt trên đồng ruộng để kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu bệnh.

Ông Trần Hữu Lượng chia sẻ: "Mặc dù có lúc đầu ra cho rau bấp bênh nhưng chúng tôi vẫn kiên trì sản xuất, lấy lứa "được” bù lứa "mất”. Không nên chỉ vì một vụ lỗ mà nản. Nếu chú trọng đầu tư kết hợp với kinh nghiệm thì đất không phụ công người, bình quân lãi hơn 200 triệu đồng/ha/năm”. Không ít vụ rau, nông dân thu "bộn tiền”.

Có kinh nghiệm hàng chục năm nên khi thời tiết bất thường, người dân phun sương cho rau, buộc chắc giàn bí, làm mái che, hạn chế giập nát, khơi thông dòng chảy để thoát nước nhanh, tránh ngập úng nên cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Với hai sào bí xanh, vụ vừa qua gia đình ông Nguyễn Tiến Thịnh thu lãi hơn 20 triệu đồng.

Ngoài ra, nông dân Đông Long còn trồng rau trái vụ, đa dạng sản phẩm để tăng thu nhập như vụ xuân, vụ đông sớm là thời điểm "khan” rau nên giá bán cao hơn so với chính vụ từ 1,5-2 lần. Để có nước sạch tưới rau, toàn thôn có 350 giếng khoan của hơn 600 hộ. Khi thu hoạch, cứ chiều tối hôm trước các gia đình cắt, hái rau chuẩn bị sẵn để đến 2-3 giờ sáng đi chợ.

Chị Chu Thị Vinh 7 giờ sáng đã bán xong 2 tạ rau cải tại một chợ ở Bắc Ninh và chuẩn bị đi chuyến nữa nói: "Hôm nay hàng rất chạy, loáng cái đã bán hết với giá 4-5 nghìn đồng/kg. Xô đi bù lại, mỗi sào rau lãi 4 triệu đồng”.

Nhiều nông dân ở Đông Long cho rằng làm nông nghiệp nhất là trồng màu vất vả lại dễ gặp rủi ro về thời tiết, sâu bệnh nhưng vẫn kiên trì bám đồng ruộng để cấy lúa, trồng màu coi đó là những "bờ xôi, ruộng mật” mang lại nguồn thu nhập chính, cải thiện đời sống; hình thành những vùng chuyên canh cung cấp nông sản cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thời tiết đầu đông nắng ấm là điều kiện thuận lợi cho một số sâu bệnh phát sinh, gây hại. Để bảo đảm năng suất cây vụ đông, nông dân cần thường xuyên bám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu xanh, sâu tơ, rệp, bệnh héo xanh, sương mai, héo vàng, héo rũ” - Bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật- Sở Nông nghiệp và PTNT.


Có thể bạn quan tâm

Sống Khỏe Nhờ Nuôi Đặc Sản Sống Khỏe Nhờ Nuôi Đặc Sản

Những năm gần đây, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã chuyển đổi từ nuôi heo, gà sang nuôi các loại đặc sản như heo rừng, rắn, chim trĩ, cá sấu… Đây là các loại vật nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định, lãi cao.

19/08/2013
Ùn Ùn Nuôi Cá Lóc Giống Tự Phát Ùn Ùn Nuôi Cá Lóc Giống Tự Phát

Thời gian gần đây, do sức hấp dẫn từ hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá lóc giống mang lại nên có rất nhiều nông dân trong tỉnh An Giang đã đổ xô đào ao cá lóc. Việc mở rộng diện tích nuôi cá lóc tự phát trên nền đất lúa không theo sự khuyến cáo và quy hoạch của ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước.

17/06/2013
Đẩy Mạnh Sản Xuất, Tiêu Thụ Nhãn Chín Muộn Đẩy Mạnh Sản Xuất, Tiêu Thụ Nhãn Chín Muộn

Sáng ngày 16/8, Hội nghị Hợp tác 4 nhà (nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân) về đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả nhãn chín muộn giá trị cao năm 2013 được tổ chức tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

19/08/2013
Tín Hiệu Tốt Cho Người Nuôi Tôm Trà Vinh Tín Hiệu Tốt Cho Người Nuôi Tôm Trà Vinh

Tại Trà Vinh, trong khi phần lớn các hộ nuôi tôm đều bị thua lỗ hoặc huề vốn, thì những hộ tuân thủ nghiêm mỗi biện pháp kỹ thuật gặt hái được kết quả rất khả quả - nhất là những hộ chuyển sang tôm thẻ chân trắng. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu của loại tôm này tiếp tục được mở rộng.

17/06/2013
Ngăn Chặn Lây Nhiễm Cúm Gia Cầm Qua Biên Giới Ngăn Chặn Lây Nhiễm Cúm Gia Cầm Qua Biên Giới

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện khẩn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn lây nhiễm bệnh cúm gia cầm qua biên giới.

20/08/2013