Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Không Cho Đất Nghỉ

Không Cho Đất Nghỉ
Publish date: Wednesday. November 6th, 2013

Dù vất vả nhưng không bao giờ bỏ ruộng, hết vụ này lại gối vụ khác, nhờ vậy, nhiều gia đình nông dân trong tỉnh Bắc Giang kinh tế khá giả, có "của ăn của để”.

Bám đồng ruộng

Sáng sớm một ngày cuối tháng 10, trên cánh đồng thôn Bẩy, xã Cảnh Thuỵ (Yên Dũng) nông dân đã tất bật chăm sóc, thu hoạch rau màu. Bà Đặng Thị Phương cho biết: "Gia đình tôi vừa bán hai sào cải cuốn. Trừ chi phí lãi 10 triệu đồng. Khoảng một tuần nữa tôi thu hoạch tiếp ruộng bắp cải, với giá rau hiện nay có thể bỏ túi được khoảng 4 triệu đồng”.

Bà Phương là thế hệ thứ 3 trong nhà làm nghề này. Trên 7 sào ruộng, bà luân canh các loại cây trồng, mùa nào thức ấy đều có sản phẩm mang bán, mỗi năm dành dụm được hàng trăm triệu đồng từ trồng màu.

Cùng thôn, hộ ông Trần Văn Hà chuyên sản xuất rau giống. Với 8 sào đất, mỗi vụ gia đình ông cung cấp hàng trăm nghìn cây giống rau xanh, rau gia vị… cho người dân trong và ngoài xã. Ông Hà nói: "Thu nhập từ đồng ruộng không cao nhưng nếu chăm chỉ, tích cực bám đồng, bám ruộng thì vẫn có cuộc sống khá giả mà không phải rời quê đi làm ăn xa”.

Thôn Bẩy nhà nào cũng làm màu, có hộ trồng tới hàng mẫu nhờ lợi thế đất nông nghiệp ở chân vàn cao, thoát nước nhanh, chất đất tơi xốp. Cơ cấu cây trồng chủ yếu là rau vụ đông xuân - dưa lê xuân hè - dưa lê hè thu hoặc dưa hấu - rau vụ đông sớm. Theo những người trồng rau nơi đây, bình quân mỗi sào lãi từ 12-18 triệu đồng/năm, tương đương gần 300 triệu đồng/ha/năm.

Do sản lượng rau lớn, thôn có 2 điểm thu mua sản phẩm, bình quân tiêu thụ khoảng 3-4 tấn rau/ngày, cao điểm hơn 10 tấn/ngày. Ông Lưu Văn Na, Trưởng thôn cho biết: "Thôn có hơn 100 hộ trồng màu với diện tích chuyên canh 10 ha, riêng vụ đông tăng lên 12 ha. Phần lớn hộ có kinh tế khá giả, làm nhà khang trang đều từ trồng rau màu”. Ngoài thôn Bẩy, tại Cảnh Thuỵ còn có các thôn Đông, thôn Dưới… nông dân trồng màu cũng cho hiệu quả kinh tế cao.

Đất không phụ công người

Tại cánh đồng thôn Đông Long, xã Quảng Minh (Việt Yên) những ngày này cũng trải dài màu xanh mơn mởn của hành, các loại cải, rau mùi, xà lách... Năm nay, mưa nhiều, nắng gắt nên trồng rau vất vả hơn so với những năm trước. Sâu bệnh theo đó cũng phát sinh mạnh. Bởi vậy cùng với bón phân, tưới nước nông dân đang tập trung phun thuốc bảo vệ rau.

Bà con cho biết trồng rau màu bận như "nuôi con mọn” bởi ngày nào cũng phải có mặt trên đồng ruộng để kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu bệnh.

Ông Trần Hữu Lượng chia sẻ: "Mặc dù có lúc đầu ra cho rau bấp bênh nhưng chúng tôi vẫn kiên trì sản xuất, lấy lứa "được” bù lứa "mất”. Không nên chỉ vì một vụ lỗ mà nản. Nếu chú trọng đầu tư kết hợp với kinh nghiệm thì đất không phụ công người, bình quân lãi hơn 200 triệu đồng/ha/năm”. Không ít vụ rau, nông dân thu "bộn tiền”.

Có kinh nghiệm hàng chục năm nên khi thời tiết bất thường, người dân phun sương cho rau, buộc chắc giàn bí, làm mái che, hạn chế giập nát, khơi thông dòng chảy để thoát nước nhanh, tránh ngập úng nên cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Với hai sào bí xanh, vụ vừa qua gia đình ông Nguyễn Tiến Thịnh thu lãi hơn 20 triệu đồng.

Ngoài ra, nông dân Đông Long còn trồng rau trái vụ, đa dạng sản phẩm để tăng thu nhập như vụ xuân, vụ đông sớm là thời điểm "khan” rau nên giá bán cao hơn so với chính vụ từ 1,5-2 lần. Để có nước sạch tưới rau, toàn thôn có 350 giếng khoan của hơn 600 hộ. Khi thu hoạch, cứ chiều tối hôm trước các gia đình cắt, hái rau chuẩn bị sẵn để đến 2-3 giờ sáng đi chợ.

Chị Chu Thị Vinh 7 giờ sáng đã bán xong 2 tạ rau cải tại một chợ ở Bắc Ninh và chuẩn bị đi chuyến nữa nói: "Hôm nay hàng rất chạy, loáng cái đã bán hết với giá 4-5 nghìn đồng/kg. Xô đi bù lại, mỗi sào rau lãi 4 triệu đồng”.

Nhiều nông dân ở Đông Long cho rằng làm nông nghiệp nhất là trồng màu vất vả lại dễ gặp rủi ro về thời tiết, sâu bệnh nhưng vẫn kiên trì bám đồng ruộng để cấy lúa, trồng màu coi đó là những "bờ xôi, ruộng mật” mang lại nguồn thu nhập chính, cải thiện đời sống; hình thành những vùng chuyên canh cung cấp nông sản cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thời tiết đầu đông nắng ấm là điều kiện thuận lợi cho một số sâu bệnh phát sinh, gây hại. Để bảo đảm năng suất cây vụ đông, nông dân cần thường xuyên bám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu xanh, sâu tơ, rệp, bệnh héo xanh, sương mai, héo vàng, héo rũ” - Bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật- Sở Nông nghiệp và PTNT.


Related news

Giá Cá Bống Tượng “Nóng” Giá Cá Bống Tượng “Nóng”

Theo một số hộ dân nuôi cá bống tượng tại xã Tân Thành, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau giá cá bống tượng thời điểm này năm trước chưa đến 200 ngàn đồng/kg, làm nhiều hộ nuôi khốn đốn.

Tuesday. September 30th, 2014
Rau Câu, Nguồn Thu Nhập Ổn Định Cho Người Nuôi Trồng Thủy Sản Rau Câu, Nguồn Thu Nhập Ổn Định Cho Người Nuôi Trồng Thủy Sản

Những ngày này, người dân 3 xã bãi ngang huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang thu hoạch rau câu cuối mùa. Năm nay, rau câu xuất hiện nhiều mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân khiến họ rất phấn khởi. Nhiều người ví rau câu như là “lộc trời cho” bởi không mất công nuôi trồng, đến mùa chỉ việc thu hái bán lấy tiền.

Tuesday. September 30th, 2014
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Thủy Sản Dưới Tán Rừng Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Thủy Sản Dưới Tán Rừng

Những năm gần đây, thực hiện mô hình nuôi sò huyết, ốc len dưới tán cây rừng, nhiều hộ nhận đất khoán rừng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã vượt qua khó khăn và vươn lên khá giàu. Những hộ nông dân áp dụng mô hình này thu lợi nhuận từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Tuesday. September 30th, 2014
Quảng Ninh Bảo Vệ Nguồn Lợi Ngán Dựa Vào Cộng Đồng Quảng Ninh Bảo Vệ Nguồn Lợi Ngán Dựa Vào Cộng Đồng

Trước tình trạng này, Tiên Yên đã triển khai mô hình quản lý, khai thác nguồn lợi ngán tự nhiên dựa vào cộng đồng. Ban đầu, mô hình được thí điểm ở khu vực thôn Cái Khánh, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Tuesday. September 30th, 2014
Bình Định Xây Dựng Đội Tàu Khai Thác Cá Ngừ Theo Chuỗi Bình Định Xây Dựng Đội Tàu Khai Thác Cá Ngừ Theo Chuỗi

UBND tỉnh Bình Định giao Sở NN&PTNT tỉnh xây dựng Đề án tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi sang thị trường Nhật Bản. Theo đề án, Bình Định sẽ xây dựng 2 đội tàu với quy mô khoảng 10 tàu tại TP. Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn.

Tuesday. September 30th, 2014