Khởi nghiệp làm nấm chỉ với... 300.000 đồng
Tự tạo việc
Linh chia sẻ: “Nhà em có 6 anh chị em, ở vùng nông thôn nghèo khó. Bố mẹ chỉ mong học giỏi để thoát cảnh nghèo, không phải ăn bám vào gia đình. Tốt nghiệp, em cũng giắt chút tiền chạy đôn chạy đáo xin việc. Trầy trật mãi rồi em cũng xin được vào một công ty gần nhà”. Nhưng tính Linh thích độc lập, tự chủ nên đi làm công ty một thời gian, cô cảm thấy mệt mỏi. Do đó, Linh quyết định quay về quê lập nghiệp.
“Ngay từ khi còn là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Điện lực, em đã có “máu” làm kinh tế rồi. Với tấm bằng đẹp em có thể dễ dàng kiếm được một công việc với một mức thu nhập ổn định, nhưng tính của em thích độc lập. Lúc đầu, em định kinh doanh rau sạch, nhưng rồi thấy thị trường rau sạch đã có nhiều người làm nên em quyết định chọn kỹ thuật trồng nấm” – Linh tâm sự.
Trang trại trồng nấm của Nguyễn Thị Linh vừa giải quyết được công ăn việc làm cho người dân lúc nông nhàn, vừa tận dụng được nguồn vật liệu thừa trong nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa, bông phế phẩm nên rất sạch, có tác dụng bảo vệ môi trường”.
Ông Đoàn Quang Hoài-Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Dương
Lúc bắt đầu xây dựng kế hoạch, Linh cùng người chị đăng ký một khóa học trồng nấm tại Viện Di truyền Nông nghiệp. Từ những kiến thức sơ đẳng tích lũy được, cộng với những chuyến đi thực tế, học qua sách vở, tivi, đặc biệt tham gia các hội nhóm kinh nghiệm trồng nấm trên mạng xã hội, Linh đã bắt tay vào thử nghiệm với số vốn ban đầu chỉ có 300.000 đồng.
Vụ sau đó, Linh thu lãi 3 triệu đồng. Thấy có lãi, em tiếp tục tăng số vốn lên 600.000 đồng và thu về 6 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ nghề trồng nấm, Linh quyết định mở rộng trang trại.
Quả ngọt
Linh chạy vạy tìm vốn, mượn anh em, bạn bè, gom góp được 300 triệu đồng. Cô đấu thầu thêm khu đất rộng 1.500m2, mua trang thiết bị, giống, thuê nhân công sốt sắng mở trang trại. Song chẳng có khởi đầu nào suôn sẻ. Dù đã dày công nghiên cứu tài liệu, thực hành nhiều năm, nhưng với quy mô trang trại lớn, Linh vẫn chưa bao quát hết được. Không ít lần vấp phải thất bại vì sai sót kỹ thuật, điều kiện thời tiết nhưng cô gái trẻ không nản lòng, vẫn bền chí vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Nguyễn Thị Linh đang làm việc tại phân xưởng nấm. Ảnh: P.P
Bù lại những vất vả, nỗ lực, cho đến nay một cơ ngơi trồng nấm khang trang, bề thế mọc lên ngay giữa đồng quê. Ba loại nấm Linh trồng nhiều là nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò cứ đều đặn “ra lò” mỗi vụ. Giá nấm sò từ 30.000-50.000 đồng/kg, nấm rơm, nấm mỡ từ 50.000 – 70.000 đồng/kg, những dịp lễ, tết giá nấm tăng cao. Năm ngoái, Linh thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Dự tính, năm nay, trừ các chi phí, thu nhập từ nấm vào khoảng từ 500-600 triệu đồng.
Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, trang trại nấm của Nguyễn Thị Linh còn tạo thêm được công ăn việc làm trong lúc nhàn rỗi cho 10 công nhân với mức thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng. Nguyễn Thị Thùy Linh đã được Huyện ủy Đông Anh tặng bằng khen Thanh niên tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Có thể bạn quan tâm
Lựa chọn giống gà Bình Định nuôi thả vườn theo hướng an toàn sinh học để phát triển kinh tế, anh Hồ Phú ở khu phố 2, phường Thác Mơ (Phước Long, Bình Phước) đang dần gầy dựng thương hiệu gà uy tín, chất lượng với các hệ thống nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thị xã.
Sau hơn 1 năm đưa vào sản xuất ở 2 xã Đức Hương và Hương Quang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), cây chanh leo đang khẳng định giá trị kinh tế vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác với mức thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm.
Nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường nông thôn (BVMT), Hội Nông dân (ND) tỉnh Bình Định đã xây dựng Đề án “Hội ND tham gia BVMT nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020”, “Xây dựng chi hội xanh-sạch-đẹp”.