Khơi dậy tiềm năng kinh tế của đất giồng cát
Tiểu Cần (Trà Vinh) là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là cây lúa, với diện tích đất tự nhiên trên 22.000ha, trong đó đất nông nghiệp có hơn 19.000ha, riêng đất trồng lúa trên 13.400ha. Ngoài ra trên địa bàn còn có một số diện tích đất giồng cát tập trung ở các xã Hiếu Tử, Hiếu Trung, Phú Cần và Long Thới. Nhân dân sinh sống trên đất giồng cát theo tập quán lâu đời thường trồng tre gai và một số loại cây tạp khác, chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế trên vùng đất này.
Vụ hè thu năm 2015, từ nguồn vốn sự nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần đã đầu tư 100% giống và 30% phân, thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ nông dân thực hiện dự án trồng đậu phộng, có 11 hộ ở 2 xã Long Thới và Hiếu Tử tham gia trên diện tích hơn 01ha. Anh Thạch Bi ở ấp Cầu Tre xã Long Thới, là nông dân đã nhiều năm gắn bó với nghề trồng màu, vụ này được Nhà nước hỗ trợ giống và vật tư, anh tận dụng đất giồng cát chung quanh nhà trồng 3 công đậu phộng, hiện nay đậu bắt đầu cho củ.
Anh Thạch Bi cho biết, trước đây khu vực này toàn là cây tre gai với cây trâm bầu, gia đình tôi phá bỏ chúng rồi cải tạo đất, trồng màu được hai vụ. Năm nay được Nhà nước giúp vốn cho trồng đậu phộng, thấy có hiệu quả. Tôi hy vọng mình sẽ thoát được nghèo từ cây trồng này. Bà con Khmer ở đây cảm ơn Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho chúng tôi thoát nghèo.
Cũng trong vụ hè thu này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh còn triển khai dự án trồng đậu phộng và ớt chỉ thiên cho 24 hộ dân ở xã Hiếu Tử. Tuy đất ít nhưng khi được dự án hỗ trợ, ông Thạch Chanh ở ấp Kinh Xáng cũng tận dụng diện tích đất giồng cát xung quanh nhà trồng 01 công đậu phộng, thấy đậu trồng trên đất giồng cát có nhiều triển vọng, ông Chanh rất phấn khởi.
Còn ông Kiên Quang Hiệp ấp Chợ xã Hiếu Tử là một nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng màu, đã chọn cây ớt chỉ thiên trồng trên diện tích hơn 3.000 m2 đất cát pha. Ông cho biết, nhờ trồng màu như: ớt, bầu, bí liên tục nhiều năm nên cuộc sống hiện tại của gia đình tương đối ổn định và có bước phát triển. Năm 2014 cũng từ nguồn thu nhập này, ông đã nâng cấp căn nhà trị giá khoảng 180 triệu đồng. Theo ông Hiệp, nếu 01 công ớt chỉ thiên đạt năng suất 1,5 tấn với giá bán từ 20.000đ/kg trở lên thì người trồng thu lợi nhuận từ 15 triệu đồng/công trở lên.
Ông Hiệp cho biết thêm, có thời điểm giá ớt lên đến 50.000đ/kg nông dân lợi nhuận sẽ còn cao hơn. Ông Kiên Quang Hiệp tâm sự: Trồng màu cực hơn trồng lúa, nhưng nếu màu có giá thì trồng màu lợi nhuận cao hơn gấp đôi trồng lúa. Thấy tôi trồng có hiệu quả kinh tế, từ chỗ đó ở địa phương nhiều người đã học hỏi mở rộng thêm diện tích, mỗi người cũng trồng từ 1 - 2 công và cũng đạt hiệu quả cao.
Nhằm nhân rộng mô hình này, đồng thời để tiếp tục phát huy tiềm năng của đất giồng cát trong thời gian tới, anh Trịnh Chí Nhân, cán bộ nông nghiệp xã Hiếu Tử cho biết: địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trong những vụ tới và kiến nghị về trên để hỗ trợ tiếp cho bà con nông dân.
Ngoài dự án đầu tư của Nhà nước, thời gian gần đây người dân ở các xã có đất giồng cát đã phá bỏ những loại cây tạp để trồng đậu phộng và nhiều loại cây màu khác đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho gia đình. Riêng đối với Hiếu Tử là xã đang thực hiện 05 tiêu chí còn lại, trong đó có tiêu chí hộ nghèo để đến cuối năm 2015 phấn đấu đạt xã nông thôn mới, thì hiệu quả từ các mô hình trên mang lại sẽ rất có ý nghĩa.
Có thể bạn quan tâm
“Mô hình nuôi ghép cá chép V1 với 1ha mặt nước cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Nga Quán, huyện Trấn Yên là cơ sở để tỉnh Yên Bái phát huy lợi thế mặt nước, phát triển chăn nuôi thủy sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn” - bà Đỗ Thị Vân - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái cho biết.
UBND tỉnh Hưng Yên vừa phê duyệt Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa - cá và nuôi cá theo hướng VietGAP tỉnh Hưng Yên”. Tổng kinh phí thực hiện Dự án trên 30,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ trong hai năm 2014 và 2015 là 3 tỷ đồng, phần còn lại từ nguồn xã hội hóa, các hộ tham gia Dự án.
Giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL liên tục tăng cao. Chiều 7-11, thương lái thu mua tôm sú loại 20 con/kg với giá từ 270.000- 280.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 230.000- 240.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 190.000 đồng/kg…
Hôm nay (9/11/2013), Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1850/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động đối phó với siêu bão số 14 (HaiYan).
Ngao giá là loại ngao từ lâu đã được bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là vùng Vân Đồn - Cô Tô khai thác theo hình thức tự nhiên với khối lượng lớn và được đánh giá là loại ngao có chất lượng ngon, nhiều thịt, có giá trị kinh tế cao. Vừa qua, Công ty TNHH Đỗ Tờ đã đưa vào nuôi thử nghiệm và sản xuất thành công giống ngao này. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình nuôi giống ngao này cần được ngành chức năng xem xét, đánh giá hiệu quả.