Khó Khăn Đầu Vụ Nuôi Tôm
Dù lịch thời vụ mới qua được gần 2 tháng nhưng 80% diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được người dân thả giống. Tuy nhiên, khan giống, dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp... là những khó khăn mà người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang gặp phải.
Theo phản ánh của người dân thì tình hình tôm giống năm nay khan hiếm hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, 2 công ty chuyên cung ứng giống cho người dân là Việt Úc và CP thì năm nay lại không đủ bán cho dân.
Các trại ương gièo của công ty đến nay đã không hoạt động và người dân muốn mua thì phải vào trong công ty để đặt hàng nhưng không phải lúc nào cũng có. Được biết, nguyên nhân là do các công ty này đang tăng tỷ lệ sản xuất tôm sú nên nguồn tôm thẻ chân trắng sụt giảm.
Trong khi, nhu cầu của người dân đang rất lớn, cùng thả vào một thời điểm nên tình trạng khan giống cục bộ là khó tránh khỏi. Như gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) đã sử dụng giống tôm của Công ty CP nhiều năm nay. Để có giống, ông Hùng phải vào tận trong Ninh Thuận để đặt hàng và hơn 1 tháng sau mới có giống chuyển về.
Ông Hùng cho biết: Tôi sử dụng tôm giống của CP quen rồi nên cố gắng bằng mọi cách phải mua cho được giống của công ty này. Nhưng giá tôm năm nay đắt hơn năm ngoái. Năm ngoái, giá tôm chỉ 85-90 đồng/con thì năm nay đã tăng lên 102 -105 đồng/con. Tôi vừa nhập hơn 40 vạn con, cộng với tiền vận chuyển hết gần 80 triệu đồng.
Do nguồn tôm giống không ổn định nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong kế hoạch sản xuất của mình. Bên cạnh đó, nguồn giống của những công ty lâu nay có uy tín như Việt Úc, CP khan hiếm nên người dân chuyển sang sử dụng giống của các công ty khác như UP, Thông Thụ, Nam Miền Trung, Hương Phú, Hậu Điện... Điều này khiến cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm dịch của ngành chức năng trở nên khó khăn hơn.
Ông Lê Xuân Thành, khối 6, phường Quỳnh Xuân (Thị xã Hoàng Mai) có 3 đầm tôm với diện tích 1,3 ha, trong đó có 1 ao lắng. Hơn 2 năm nay, ông sử dụng giống của Công ty Uni President (UP) nhưng chưa khi nào ông cảm thấy yên tâm. Như năm nay, ông mua gần 1 triệu post tôm giống với giá 90 đồng/con. Công ty UP đặt trại ương gièo trong Quảng Trị nên khi vận chuyển ra Nghệ An thì sức khỏe của tôm bị giảm sút nhiều.
“Bây giờ nhiều loại giống lắm, chỉ có Việt Úc và CP là hiếm. Riêng đối với vùng nuôi tại phường Quỳnh Xuân thì giống của UP chiếm đến 60-70%. Tuy nhiên, chất lượng tôm giống của Công ty UP chưa thực sự đảm bảo, do tôm bố mẹ yếu nên cứ 10 chuyến thì có 1 chuyến là chất lượng kém. Người dân chúng tôi biết điều đó nhưng vẫn phải chấp nhận thôi.
Năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, thay đổi thường xuyên và thỉnh thoảng xuất hiện những trận mưa rào đã gây khó khăn không nhỏ cho người dân. Tại phường Quỳnh Xuân (Thị xã Hoàng Mai), trận mưa vào ngày 3/5 đã khiến cho hơn 15 đầm tôm của người dân chết trắng, gây thiệt hại không nhỏ. Ông Vũ Văn Tưởng, phường Quỳnh Xuân ngồi bên đầm tôm mà không khỏi nghẹn ngào khi chỉ sau 1 đêm, 6 đầm tôm với diện tích khoảng 2ha không còn một con.
Không những vậy, 1 đầm tôm được ông ương giống với 1 triệu post cũng “ra đi”. Tổng thiệt hại của gia đình ông hàng trăm triệu đồng. Ông Tưởng buồn bã cho biết: Tôm tôi thả được 30 ngày đang sinh trưởng tốt, ăn khỏe nhưng không ngờ chỉ sau 1 ngày mà mất hết. Nguyên nhân có thể là do nước mưa chứa axit nên tôm chết nhanh hơn.
Tại Quỳnh Xuân còn có hộ của ông Lưu Văn Chung, Lưu Thị Kiên, tôm vừa nuôi được 30 ngày cũng bị chết sau trận mưa. May mắn, 2 hộ này là tôm chưa chết hết nên cố gắng kéo lên bán khi tôm đạt trọng lượng khoảng 300 con/kg nhằm vớt vát chút vốn liếng bỏ ra.
Không chỉ có Quỳnh Xuân mà dịch bệnh và nhiều nguyên khác đã khiến cho hơn 20 ha tôm của người dân trên địa bàn toàn tỉnh bị chết. Tại xã Hưng Hòa (TP Vinh), Nghi Thái (Nghi Lộc), dịch đốm trắng đã khiến cho hơn 12 ha tôm của người dân mất trắng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có quyết định công bố dịch và chỉ đạo các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn có biện pháp xử lý, dập dịch, khoanh vùng nhằm tránh lây lan ra diện rộng.
Ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng, Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Nguyên nhân khiến tôm chết là do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy và một số là do môi trường. Cộng với diễn biến thời tiết từ đầu vụ đến nay phức tạp, đến nay vẫn còn gió mùa, độ ẩm cao, nhiệt độ chênh lệch giữa các ngày rất cao và lên xuống quá đột ngột nên khiến cho công tác chăm sóc, theo dõi tôm khó khăn hơn.
Tuy nhiên, so với năm 2013 thì dịch bệnh trên tôm năm nay đã giảm rõ rệt. Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ chất lượng nguồn tôm giống thì công tác cải tạo ao đầm, xử lý nước trước vụ nuôi được người dân thực hiện kỹ càng hơn. Sau những mất mát của những năm trước, người dân đúc rút cho mình những kinh nghiệm quý báu nên phần nào đã hạn chế được dịch bệnh xảy ra.
Để khuyến khích người dân nuôi tôm theo hướng an toàn, năm nay, bằng nguồn hỗ trợ của dự án CRSD, Chi cục Nuôi trồng thủy sản xây dựng 8 mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGAP tại các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Xuân (Thị xã Hoàng Mai), Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). Tham gia mô hình, người dân sẽ được hỗ trợ về con giống, thức ăn và tập huấn, tư vấn kỹ thuật trong chăm sóc, xử lý dịch bệnh cũng như phòng tránh rủi ro.
Đặc biệt, Chi cục đã phối hợp với chính quyền cơ sở thành lập 5 tổ cộng đồng nuôi tôm tại các xã Quỳnh Lập, Quỳnh Xuân (Thị xã Hoàng Mai), Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) và Diễn Trung (Diễn Châu). Mục đích của việc thành lập tổ cộng đồng là giúp đỡ nhau trong sản xuất, trao đổi kỹ thuật và thống nhất trong các công đoạn lấy nước, xử lý dịch bệnh...
Theo kế hoạch, vụ 1 toàn tỉnh phấn đấu thả 1.350 ha thì đến thời điểm này đã thả được khoảng 1.000 ha. Mặc dù lịch thời vụ mà ngành Nông nghiệp xây dựng đến hết tháng 7 nhưng dự kiến, đến hết tháng 5, diện tích nuôi tôm sẽ được thả giống 100%.
Tuy gặp phải những khó khăn đầu vụ nhưng người nuôi tôm đang hào hứng và tin tưởng trước những kết quả cao cho sự khởi đầu của năm 2014. Với sự hỗ trợ, quan tâm tích cực của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn thì niềm tin càng được khẳng định vững chắc hơn.
Dịch bệnh đốm trắng ở tôm đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh sau mỗi đợt mưa trái mùa. Hiện toàn tỉnh đã có trên 15 ha ao nuôi có tôm bị nhiễm bệnh. Và mới đây UBND tỉnh cũng đã có quyết định công bố dịch đốm trắng ở tôm tại vùng nuôi Nghi Thái- Hưng Hòa.
Theo tổng hợp, tại xã Hưng Hòa (Tp Vinh) diện tích nhiễm bệnh đốm trắng là 4,97 ha/10 đầm; Thị xã Hoàng Mai bệnh xảy ra từ ngày 1/4/2014, đến nay đã xảy ra tại 14 đầm thuộc 4 xã với diện tích bệnh đốm trắng là 3,79 ha/7 đầm; diện tích bị bệnh đốm trắng huyện Quỳnh Lưu là 0,42 ha/1 đầm.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày cuối năm, trang trại rắn mối của chị Đinh Thị Kiều Hoa (thôn 3, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) càng ăn nên làm ra, mỗi ngày thu về hàng chục triệu đồng. Có được kết quả này là nhờ con trai chị, một kỹ sư công nghệ thông tin đã mạnh dạn làm thêm nghề “tay trái”: nuôi rắn mối.
Với nhiều người, chỉ cần nghe đến rắn đã rợn tóc gáy, vậy mà nghề “đùa với tử thần” lại trở thành “cây cầu” giúp không ít người gây dựng được cơ nghiệp.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL đang tăng cao. Từ đầu tháng đến nay, các thương lái đang thu mua tôm sú loại 20 con/kg với giá 250.000- 260.000 đồng/kg; loại 30 con/kg từ 160.000 - 170.000 đồng/kg; tăng bình quân 10.000- 30.000 đồng/kg so với tháng trước và là mức giá cao nhất trong khoảng một năm nay.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện giá tôm nguyên liệu trong nước đang tăng cao.
Từng là mặt hàng có lợi thế so sánh, ít đối thủ “đủ sức áp đảo” so với những mặt hàng khác, nhưng bây giờ các doanh nghiệp vẫn ê ẩm khi nói tới 7/10 thị trường truyền thống giảm nhập khẩu cá tra vì mức tiêu dùng thay đổi và những bất cập như: 15 lô hàng bị cảnh báo vi phạm hàng rào kỹ thuật tại thị trường EU, 11 lô bị cho là nhiễm vi sinh và bốn lô gián đoạn chuỗi lạnh…