Khí thế ngành điều
Trong bối cảnh thương mại ngành điều hết sức sáng sủa, chương trình thâm canh, ghép cải tạo vườn điều do Hiệp hội Điều VN (Vinacas) khởi xướng và Bộ NN-PTNT quyết liệt chỉ đạo thực hiện rộng khắp, đã và đang tạo bước tiến dài trong việc nâng cao năng suất, chất lượng hạt điều…
Thị trường rộng mở
Tại Hội nghị sơ kết sản xuất, thâm canh và ghép cải tạo giống điều diễn ra hôm qua 8/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Hội nghị diễn ra trong bối cảnh XK điều đang rất khả quan, đến nay đã XK được 215.000 tấn nhân điều các loại, kim ngạch 1,56 tỷ USD (tăng 9% về lượng và 22% về kim ngạch so với cùng kỳ).
Cùng với XK, công tác thâm canh, ghép cải tạo vườn điều cũng đang đạt kết quả tốt khi 2 năm qua năng suất, sản lượng điều liên tục tăng lên, giúp nông dân tăng thu nhập.
Như vậy, nhân điều là mặt hàng nông sản XK lớn thứ 3 của VN, sau cà phê và gạo; chiếm 8% tổng kim ngạch XK của toàn ngành nông nghiệp VN từ đầu năm 2015 đến nay.
Đặc biệt, dự báo năm 2015 ngành điều VN sẽ đánh dấu mốc chiếm 50% tổng giá trị nhân điều XK của toàn cầu.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Vinacas thông tin, giá trị thương mại ngành điều thế giới khoảng 8 tỷ USD, bao gồm 5 tỷ USD thương mại nhân điều và 3 tỷ USD thương mại điều thô. Nếu tính lượng nhân điều giao dịch, kim ngạch XK của VN dự kiến năm nay đạt 2,5 tỷ USD, tức chiếm một nửa giá trị thương mại nhân điều toàn cầu.
Ông Thanh cũng khẳng định, thương hiệu điều VN đang rất mạnh, mặc dù chúng ta không có giấy tờ nào công nhận điều này, nhưng hãy hỏi người mua là trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (trong đó lớn nhất là Mỹ 30%, châu Âu 25% và Trung Quốc 15% thị phần XK điều VN) thì họ đánh giá rất cao điều của chúng ta và luôn mua với giá tốt.
Năng suất liên tục đi lên
Kể từ khi có chương trình thâm canh, ghép cải tạo vườn điều do Vinacas khởi xướng, sau đó được Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao, chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhân rộng, đã giúp năng suất, chất lượng hạt điều VN đi lên trông thấy.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh:
Cách đây 3 – 4 năm, lãnh đạo Bộ và các địa phương đều lo lắng diện tích và năng suất điều giảm mạnh, nhưng đến giờ đã có thay đổi rõ rệt.
Hoan nghênh các địa phương đã nghiêm túc thực hiện kết luận của Bộ trưởng đưa ra từ năm 2014, đến nay nhiều địa phương đã xây dựng chính sách, góp phần tăng trưởng cho ngành điều.
Thời gian tới, Bộ chủ trương coi cây điều là đối tượng tập trung đầu tư, đẩy mạnh chỉ đạo và phối hợp với các địa phương thực hiện thâm canh, cải tạo vườn điều, siết chặt công tác quản lý giống để tiếp tục đưa năng suất, chất lượng điều đi lên.
Cụ thể, sau khi Vinacas triển khai 200 điểm thâm canh, ghép cải tạo vườn chứng minh được hiệu quả, các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tích cực vào cuộc.
Tỉnh Bình Phước đã công nhận 3 vườn giống PN1, MH4/5, MH5/4 đầu dòng và xác định được một số cây điều có năng suất, chất lượng hạt tốt. Tỉnh Đồng Nai đã xác định được 2 cây điều có năng suất, chất lượng hạt tốt ở Trảng Bom.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định được 3 cây điều đầu dòng, năng suất hạt đạt trên 100 kg/cây/năm. Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định công nhận 19 cây đầu dòng làm cơ sở phục vụ ghép cải tạo.
Theo ông Trần Công Khanh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây điều (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam), sau khi thực hiện thâm canh, tỉa cành, tạo tán, phun thuốc BVTV và ghép cải tạo, nhiều vườn điều đã đạt năng suất từ 2 – 3 tấn/ha.
Đặc biệt, một số mô hình ứng dụng giống mới và biện pháp kỹ thuật tổng hợp tại Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đạt năng suất 4 – 5 tấn/ha.
Về công tác giống, Bộ NN-PTNT cũng đã công nhận một số giống điều mới như 3 giống khu vực hóa PN1, CH1, LG1; 7 giống sản xuất tạm thời MH5/4, MH4/5, MH2/7, MH2/6 và MH3/5, D9DH66-14, D9DH67-15; 4 giống sản xuất thử TL11/2, TL2/11, TL6/3, DH102-293; 5 cá thể cây đầu dòng ES-04, EK-24, BD901, KP11, KP12.
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Hòa – Cục phó Cục Trồng trọt, trong 2 năm qua năng suất điều đã có chuyển biến rõ rệt.
Cụ thể, năm 2014 năng suất điều bình quân đạt 12 tạ/ha (tăng 2,5 tạ/ha so với 2013), tổng sản lượng 345.000 tấn. Sang năm 2015 năng suất điều ước đạt 13,2 tạ/ha (tiếp tục tăng thêm 1,2 tạ/ha), sản lượng đạt 400.000 tấn.
Như vậy, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN-PTNT, sự vào cuộc của Vinacas và các ban ngành, địa phương, nông dân, đã giúp năng suất điều từ năm 2013 đến 2015 tăng thêm 3,7 tạ/ha.
Không những thế, chất lượng hạt điều sản xuất trong nước được cải thiện, khách hàng đánh giá cao hơn hẳn so với nguyên liệu điều nhập khẩu.
Thành lập quỹ hỗ trợ ngành điều
Trước đề xuất của Vinacas về việc sớm thành lập Quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và XK điều, cả Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đều chung quan điểm tán thành.
Ông Nguyễn Phú Hòa, đại diện Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương, cho rằng: “Ăn cây nào rào cây nấy”, Bộ Công thương ủng hộ việc thành lập quỹ để quay trở lại hỗ trợ nông dân trồng điều phát triển sản xuất.
Tương tự, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: “Tôi thấy quỹ này là cần thiết để phục vụ phát triển chung cho ngành điều VN”.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Vinacas, khi hình thành, mỗi năm quỹ sẽ thu về khoảng 600.000 USD, trong đó nguồn thu gồm 4 nguồn: hỗ trợ của Nhà nước, phần thu trên đầu tấn XK của tất cả DN chế biến XK điều (1 USD/tấn điều XK), nguồn tài trợ và nguồn thu khác.
Về nhiệm vụ chi: 70% kinh phí của quỹ dùng hỗ trợ chương trình thâm canh cải tạo vườn điều và nghiên cứu giống, hỗ trợ nông dân trồng điều; 30% còn lại chi cho việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ, chế tạo thiết bị chế biến điều, nâng cao chất lượng sản phẩm và ATVSTP trong khâu chế biến; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trong nước.
Quỹ sẽ có ban điều hành và quy chế quản lý riêng theo đúng quy định pháp luật.
+ GS.Bùi Chí Bửu – nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam:
Cây điều sau một thời gian bị lãng quên, giờ được đặc biệt chú ý, công lớn chính là của các DN kinh doanh, chế biến, XK điều. Tuy nhiên, mức thu nhập trung bình của cây điều chưa cao, chủ trương của Bộ NN-PTNT là đẩy mạnh thâm canh, ghép cải tạo rất đúng đắn, nhưng cần chú ý đến xen canh trong vườn điều, tạo thêm thu nhập cho nông dân.
Đặc biệt, hiện các cây sắn, điều, tiêu đang tạo giá trị kim ngạch XK rất lớn nhưng chưa có mạng lưới khảo nghiệm và kiểm nghiệm giống cấp quốc gia (chỉ có ở lúa, cà chua, đậu đũa…), vì thế cần chú ý đến vấn đề này.
+ Ông Trịnh Khắc Quang – Quyền GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp VN:
Thành công về tăng năng suất, sản lượng điều thời gian qua là do sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN-PTNT, sự hỗ trợ của Vinacas và các ban, ngành, địa phương, nông dân…
Hiện bà con nhiều nơi đã bắt tay vào thâm canh, tăng năng suất điều và nếu cứ duy trì đà này thì chúng ta hoàn toàn tin tưởng đạt được mục tiêu đề ra năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi lươn của ông Nguyễn Thành Trung, thường gọi là ông Chín Trung ở phường 6, thành phố Tân An đã được Trạm Khuyến nông thành phố Tân An chọn làm địa điểm để bà con nông dân đến tham quan và học tập kinh nghiệmm
Bao lần thất bại tới “liêu xiêu” nhưng tỷ phú nông dân Trương Văn Trị ( xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) vẫn luôn tin vào một điều duy nhất: Mình có thể!
Một trong những vấn đề mà người nuôi tôm nước lợ quan tâm hàng đầu là chất lượng nước cấp vào ao nuôi vì đây là yếu tố môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của tôm.
Năm 2015, Khánh Hòa tiếp tục khảo nghiệm các giống lúa chịu hạn cho kết quả rất khả quan. Đây là cơ sở để các địa phương phát triển các giống lúa thích nghi với điều kiện sản xuất khi hạn hán xảy ra.
Thay vì sản xuất kiểu “mùa nào thứ ấy”, hiện nay nông dân nhiều nơi đã áp dụng thành công kỹ thuật tạo ra sản phẩm rau quả trái vụ, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.