Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khi Con Đặc Sản Hết Sốt

Khi Con Đặc Sản Hết Sốt
Ngày đăng: 17/08/2013

Trong những năm qua, một số gia đình giàu lên nhờ nuôi con đặc sản đúng thời điểm. Thế nhưng, thời gian gần đây, khi con đặc sản được nuôi với số lượng nhiều, thị trường tiêu thụ giảm đã khiến cho không ít hộ gia đình phải chịu cảnh ế ẩm, thua lỗ nặng nề…

Thị trường bão hòa, rớt giá

Thấy giá nhím giống, nhím thịt lên cao, ông Nguyễn Quốc Khánh ở thôn Vinh Đức, xã Đức Minh (Đắk Mil, Đắk Nông) đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại và mua 100 cặp nhím giống để chăn nuôi. Thế nhưng, đến khi đàn nhím sinh sản đủ điều kiện xuất bán thì giá nhím rớt xuống rất thấp. Vì vậy, gia đình ông đã phải bán tống, bán tháo đàn nhím với giá rẻ mạt để mong gỡ gạc và thu hồi một phần chi phí đầu tư.

Ông Khánh cho biết: “Hiện nay, không riêng gì gia đình tôi, ở huyện Đắk Mil còn rất nhiều gia đình chăn nuôi nhím, khi nguồn cung nhiều thì giá sẽ bị kéo xuống rất thấp và khó tiêu thụ. Mặc dù gia đình đã chủ động liên hệ các nhà hàng, quán nhậu... để tìm “đầu ra”, nhưng đều bị lắc đầu bởi họ đã có mối quen làm ăn từ nhiều năm nay. Do đó, những người đi sau như chúng tôi rất khó chen chân vào thị trường đặc sản này. Trong khi nếu tiếp tục cầm cự nuôi thì vừa tốn công, tốn tiền mua thức ăn nên tôi phải bán đổ, bán tháo với giá rẻ mạt. Chỉ vì không tính toán “đầu ra” trước khi chăn nuôi nên gia đình đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.

Còn anh Hoàng Văn Vũ, ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp), chủ một đại lý chuyên thu mua các con đặc sản phân phối cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh cho biết: “Cách đây vài năm, khi phong trào nuôi nhím, heo rừng, gà rừng... chưa nhiều thì giá cả được đội lên ở mức cao, nhiều gia đình đã có nguồn thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm hộ gia đình thi nhau nuôi con đặc sản, trong khi chỉ có một bộ phận khách hàng sử dụng, nên một khi cung vượt quá cầu thì giá bán sẽ bị kéo xuống mức rất thấp là điều dễ hiểu. Vì vậy, những hộ không đủ vốn để nuôi lâu dài thì phải bán tháo, bán chạy với giá rẻ mạt. Thị trường các con đặc sản đã bão hòa nên việc tìm kiếm “đầu ra” sẽ rất khó khăn, nhiều trang trại buộc phải đóng cửa”.

Qua khảo sát thị trường, hiện nay giá con giống, giá bán thịt các con đặc sản như: nhím, ba ba, heo rừng, gà rừng... đang giảm từ 1 – 3 lần so với thời kỳ đỉnh điểm. Đơn cử như giá một cặp nhím giống thời kỳ đang “sốt” lên đến 15 triệu đồng/cặp, nhưng hiện chỉ còn 2 triệu đồng, còn giá bán thịt cũng rớt từ mức 500.000 đồng/kg xuống 250.000 đồng/kg.

Bên cạnh giá cả xuống thấp thì sức mua từ thị trường cũng không ổn định, chỉ phục vụ cho số ít các buổi tiệc tùng như đám cưới, đám hỏi, tân gia... nên “đầu ra” đang khá bế tắc. Chị Trịnh Thị Nguyệt, kinh doanh thịt heo rừng, nhím... nhiều năm nay ở chợ Gia Nghĩa cho biết: “Trước đây, khi heo rừng còn hiếm, hàng ngày tôi bán được từ 1 - 2 con, nhưng trong thời gian gần đây sức mua không tăng lên mà còn ế ẩm thường xuyên”.

Phải xác định “đầu ra” trước khi nuôi

Theo ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đắk Mil, hiện nay, giá một số con đặc sản xuống thấp và khó tiêu thụ là do người chăn nuôi tự phát theo phong trào, không tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường “đầu ra”.. Nuôi con đặc sản là để cạnh tranh bởi số ít và quý hiếm, nhưng khi con đặc sản trở nên phổ biến, nguồn cung vượt quá cầu thì “đầu ra” của sản phẩm sẽ gặp nhiều bế tắc, rủi ro, nhất là đối với hộ mới nuôi, chưa thu hồi vốn. Vì vậy, thời gian qua, huyện không khuyến khích phát triển mở rộng các trang trại chăn nuôi con đặc sản. Các gia đình nếu tính chuyện nuôi con đặc sản thì cần đầu tư có chiều sâu, gắn chặt với khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm, xác định được “đầu ra”.

Ông Lê Văn Tịnh, Trưởng Phòng huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cũng cho rằng: “Thực tế, việc nuôi con gì, trồng cây gì cũng có thời kỳ sôi động, trong khi phần lớn nông dân nhận thức về con đặc sản rất hạn chế, khi thấy con vật nào đang “sốt”, có giá bán cao là vội vàng đầu tư chăn nuôi mà không tính đến “đầu ra” cho sản phẩm. Thông qua các lớp tập huấn về chăn nuôi, Trung tâm cũng đã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc một số con đặc sản, đồng thời dự báo về thị trường “đầu ra”cho các loại vật nuôi.

Thế nhưng, các dự báo này mới dừng lại ở mức định tính nên độ chính xác chưa cao, chưa tạo được sự tin tưởng của người dân. Trung tâm cũng đã đánh giá hiệu quả kinh tế của một số con đặc sản trên địa bàn và khuyến cáo người dân lựa chọn các con đặc sản phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Hiện nay, tỉnh chưa quy hoạch phát triển chăn nuôi các loại con đặc sản. Vì vậy, để hạn chế tối đa mức thiệt hại, người chăn nuôi nên tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, tìm hiểu kỹ thị trường, nắm chắc kỹ thuật để lựa chọn thời điểm đầu tư hợp lý, không để cơn “sốt” con đặc sản trở thành con đường làm giàu ảo”.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Thâm Canh Cá Rô Phi NOGIP IV Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Thâm Canh Cá Rô Phi NOGIP IV

Năm 2013, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã xây dựng đề án mô hình thâm canh cá rô phi NOGIP IV tại các vùng chuyển đổi của xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy), xã Phú Xuân (thành Phố Thái Bình), xã Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ) và xã Tây Tiến (huyện Tiền Hải).

23/11/2013
Làm Giàu Từ Nuôi Dê Làm Giàu Từ Nuôi Dê

Các hộ nuôi dê ở làng Tao Chor A (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho biết, so với các vật nuôi khác như heo, bò, gà,… thì nuôi dê đem lại nguồn lợi lớn hơn mặc dù vốn đầu tư cho con giống và chuồng trại khá cao, từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/cặp giống bố mẹ.

23/11/2013
Phát Triển Đàn Lợn Nái Móng Cái Thuần Phát Triển Đàn Lợn Nái Móng Cái Thuần

Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án phát triển đàn lợn nái móng cái thuần trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2012 - 2015, huyện Bạch Thông đang nỗ lực triển khai nhằm chủ động về con giống phục vụ chăn nuôi, phát triển nhanh số lượng và chất lượng đàn lợn thịt. Sau hai năm thực hiện đề án bước đầu đã mang lại hiệu quả.

23/11/2013
Năng Suất Vùng Mía Thâm Canh Đạt Gần 80 Tấn/ha Năng Suất Vùng Mía Thâm Canh Đạt Gần 80 Tấn/ha

Những năm gần đây ở Thanh Hóa, cùng với việc thực hiện đưa cơ giới hóa, mở rộng diện tích mía, cơ cấu giống được bố trí hợp lý, nhiều giống mới năng suất, trữ lượng đường cao được đưa vào sản xuất, nên năng suất tại các vùng mía thâm canh ngày càng tăng.

23/11/2013
Giá Hồ Tiêu Tăng Cao Giá Hồ Tiêu Tăng Cao

Hiện nay ở Đồng Nai mặc dù chưa bước vào mùa thu hoạch hồ tiêu, nhưng một số hộ thu hoạch sớm tỏ ra rất phấn khởi vì giá hồ tiêu ở thời điểm này tăng khá cao.

23/11/2013