Khi Chủ Nhiệm Thành Giám Đốc...
Cùng với sự vận động của nền kinh tế, mô hình hợp tác xã (HTX) ngày nay có những bước thay đổi đáng kể. Đó không chỉ là sự thay thế dần dần của danh xưng "chủ nhiệm HTX" thành "giám đốc HTX", mà còn là áp lực đổi mới trong tư duy, nhận thức của những người được coi là "đầu tàu" của đoàn tàu kinh tế tập thể.
Tăng tính liên kết, hợp tác
Là người đứng đầu một HTX gồm 1.650 xã viên, ông Trần Thanh Tú lúc nào cũng tất bật với công việc đồng ruộng, quản lý. HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), nơi ông đang làm Chủ nhiệm, đã có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, kể từ ngày thành lập năm 1972. Nhưng bước ngoặt thay đổi đáng chú ý là năm 2011, khi HTX chuyển đổi hoạt động theo mô hình mới. Tổng tài sản sau kiểm kê của HTX vào thời điểm bấy giờ là 3,8 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2013, tổng tài sản đó đã tăng lên hơn 10,7 tỷ đồng. "Để có được kết quả này là cả một quá trình vận động, thuyết phục bà con xã viên hiểu, nghe và làm theo", ông Tú chia sẻ. 1.650 xã viên của HTX đều là những người có chung mục đích hợp tác, tự nguyện tham gia HTX và tham gia góp vốn 200 nghìn đồng/xã viên (năm 2011).
Ông Tú cho biết thêm, nếu trước đây hoạt động của HTX khá đơn giản, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ điều tiết thủy lợi, thời gian xuống giống,... thì nay, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, hoạt động của HTX ngày càng đa dạng.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các dịch vụ của HTX với các thành phần kinh tế khác vô cùng quyết liệt, làm thế nào để xã viên thấy được lợi ích khi họ sử dụng các dịch vụ do HTX cung cấp? "Chính vì vậy, HTX đã mạnh dạn đứng ra ký hợp đồng đảm nhận cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu dịch vụ đầu ra cho bà con xã viên", ông Tú nhớ lại.
Và để làm được điều này, HTX xây dựng hai kho tập kết vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống các loại,... Nhờ liên hệ với các đại lý phân phối để mua với số lượng lớn nên giá thành giảm, cho nên giá bán cho xã viên cũng rẻ hơn so với tư thương ngoài thị trường.
Còn về đầu ra, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Viện Khoa học nông nghiệp,... để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của xã viên. Đến nay, bà con xã viên rất yên tâm khi sử dụng các dịch vụ do HTX cung cấp. Bản thân HTX cũng có hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển. Năm 2013, sau khi trừ chi phí, HTX còn lãi 740 triệu đồng.
Nhanh, nhạy với mô hình mới
Cùng với sự phát triển kinh tế, các mô hình HTX kiểu mới đang dần hình thành với những lĩnh vực mới mẻ, phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Những người chủ nhiệm HTX cũng phải đối mặt với không ít áp lực của sự đổi mới để điều hành HTX thích ứng với nền kinh tế mới, khác hẳn với thời kỳ tập trung bao cấp.
Anh Nguyễn Minh Mạch, Chủ nhiệm HTX sản xuất và kinh doanh bưởi (xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, nắm bắt được xu thế địa phương đang đưa giống cây bưởi Đoan Hùng trở thành một loại hàng hóa đặc sản để tập trung phát triển, anh cùng bảy hộ gia đình có diện tích trồng bưởi khá lớn khác đã quyết định góp vốn để thành lập HTX. HTX do anh làm Chủ nhiệm được thành lập vào tháng 10-2012, với tám thành viên, mỗi thành viên góp vốn 10 triệu đồng/người.
Từ kinh nghiệm của bản thân kết hợp với việc tham gia tập huấn tại những khóa học khuyến nông của địa phương, anh Mạch đã áp dụng vào hoạt động HTX của mình là cử ra một tổ chuyên trách để theo dõi diễn biến phát triển của sâu bệnh hằng năm, từ đó cảnh báo các xã viên để họ chủ động tập trung phòng trị bệnh.
Ngoài ra, với những diện tích bưởi đã cho thu hoạch quả thì HTX cũng đã thống nhất với các xã viên trong quá trình tiêu thụ sản phẩm như cùng đề ra những quy định chung về mẫu mã, phân loại chất lượng bưởi để từ đó có những mức giá chung. Điều này tránh được việc mạnh ai nấy bán.
Tuy nhiên, anh Mạch thẳng thắn thừa nhận, hoạt động chủ yếu của HTX đến nay vẫn dừng lại ở mục đích động viên nhau sản xuất, cùng nhau chăm sóc, theo dõi bệnh tật trên cây bưởi để tập trung phun thuốc và điều trị kịp thời.
Và điều này chỉ phù hợp trong giai đoạn hiện nay khi số lượng bưởi bán chưa nhiều. Một vài năm tới, khi một lượng lớn cây bưởi đồng loạt cho thu hoạch, lượng cung sẽ vượt cầu, vai trò của HTX sẽ thật sự phát huy tác dụng khi họ đứng ra làm cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con xã viên.
Đây sẽ là khó khăn vì hiện nay HTX vẫn còn rất ít thành viên, ít vốn. "Công việc phía trước của tôi vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.
Làm thế nào để vận động kết nạp thêm thành viên, để họ chung tay góp vốn là những việc không chỉ riêng tôi mà cả HTX đang phấn đấu", anh Mạch hy vọng.
Cũng giống HTX của anh Mạch, HTX vệ sinh môi trường Tân Sơn (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) do chị Đặng Thị Thủy làm Chủ nhiệm được thành lập năm 2006. HTX có 30 xã viên với 15 xe đẩy tay gom rác, được giao nhiệm vụ chủ yếu quét, thu gom rác trên địa bàn phường Tân Sơn.
Năm 2007, chị Thủy chính thức tiếp nhận HTX với vai trò là Chủ nhiệm. Nhận thấy, nếu HTX chỉ quét và thu rác thì công việc sẽ khó bảo đảm được bởi sẽ bị phụ thuộc vào đơn vị khác. Do đó, chị mạnh dạn xin cho HTX được phép làm thêm nhiệm vụ ép vận chuyển.
Được lãnh đạo thành phố đồng ý, chị mạnh dạn mở rộng hoạt động của HTX. Sau một thời gian đảm nhận tốt nhiệm vụ giữ vệ sinh môi trường cho phường Tân Sơn, HTX của chị đã được tin tưởng và mở rộng địa bàn hoạt động sang 20 phường, xã khác của thành phố. Lượng công việc thu gom rác thải nhiều lên, chị Thủy vận động kết nạp thêm xã viên và tuyển thêm lao động.
Đến nay, HTX đã có 140 lao động, trong đó có 90 xã viên, mỗi xã viên góp vốn 5 triệu đồng/người. Số lượng xe gom rác ban đầu không đủ đáp ứng khối lượng rác thải cần vận chuyển, chị lại thế chấp tài sản của gia đình để vay vốn ngân hàng đầu tư mua thêm ba xe ô-tô chở rác và hơn 500 xe đẩy tay.
Bên cạnh đó, chị cũng đề nghị và được thành phố cho phép thực hiện thu phí vệ sinh môi trường với phí thu gom rác tận từng hộ dân là 15 nghìn đồng/hộ. Nhưng chị Thủy cho biết, HTX chỉ thu được khoảng 85% số hộ mà các chị đang phục vụ, còn 15% rơi vào các hộ người già neo đơn, gia đình chính sách,... thì được miễn.
Có thể nói, dịch vụ vệ sinh môi trường là một lĩnh vực khá mới mẻ và gần như không mang lại lợi nhuận đáng kể, nếu không muốn nói là lỗ. "Để HTX hoạt động ổn định và phát triển, chúng tôi phải mở rộng thêm nhiều loại hình dịch vụ khác, lấy cái nọ bù cái kia.
Mặt khác, chúng tôi vẫn cần hơn nữa sự quan tâm của Nhà nước trong vấn đề tạo lực đẩy chính sách để tiếp sức, hỗ trợ chúng tôi về vốn, đất đai,...", chị Thủy chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Hiện Việt Nam không nhập thanh long của Trung Quốc như một số thông tin xuất hiện gần đây, nên người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng loại trái cây này.
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt hộ nuôi heo rừng lai tại nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định đang gặp lao đao do giá heo rừng giảm mạnh, đầu ra gặp khó khăn.
Hội thảo khoa học về dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Trà My cho sản phẩm quế” vừa được Sở KH-CN Quảng Nam phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa Việt Nam tổ chức đã mở ra hướng phục hồi thương hiệu cho sản phẩm từng được mệnh danh là “cao sơn ngọc quế” một thời.
Nhà máy chế biến sơ ri Nichirei Suco Acerola (của Công ty TNHH MTV Nichirei Suco Việt Nam) khởi công xây dựng ngày 17-7 tại xã Bình Nghị (Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đánh dấu sự khởi đầu mới cho vùng nguyên liệu sơ ri Gò Công.
Tại các vùng trồng nhiều như Chí Linh, Thanh Hà, Tứ Kỳ (Hải Dương)... các tiểu thương mua nhãn quả với giá 15-20 nghìn đồng/kg (tùy loại), cao gấp đôi so với năm ngoái.