Khi Cán Bộ Đi Trước… Phá Rừng!
Không thể nào tin được, dù đó là sự thực đang được rất nhiều cơ quan thông tin đại chúng quan tâm.
Đó là việc hàng trăm hộ dân của xã An Lạc thuộc huyện Sơn Động (Bắc Giang) đồng loạt tàn phá những cánh rừng ở sườn Tây của dãy Yên Tử, là khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó huyện Sơn Động có hơn 10.000 ha rừng thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt, 7.000 ha rừng đặc dụng cực kỳ quan trọng. Mà mục đích của việc phá rừng này là để… trồng keo.
Dân phá đã đành. Nhưng điều đau đớn hơn là việc phá rừng ở đây lại do cán bộ làm trước. Chủ tịch UBND xã An Lạc cho báo chí biết, gia đình ông có phá khoảng… vài ha. Rồi các gia đình phó chủ tịch, cán bộ mặt trận tổ quốc, tư pháp, trưởng phó thôn, cựu lãnh đạo xã, đảng viên… cũng phá.
Con trai và em trai chủ tịch xã Trần Dìn là những người phá rừng đầu tiên, phá cả rừng gỗ lim. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động phải dùng cụm từ “toàn dân phá rừng” để chỉ hiện tượng này. Chưa bao giờ câu nói “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, đúng theo nghĩa đen của nó, lại được thể hiện một cách sinh động đến thế qua vụ “phá rừng tập thể”, phá rừng có “đầu tàu gương mẫu” ở Sơn Động này.
Vì sao lại có hiện tượng đó?
Theo phản ánh của dân, phần lớn là những người được giao giữ rừng hàng chục năm nay, và họ đã giữ rất tốt, dù chẳng được một xu nào, cứ thấy cán bộ phá rừng trong khu bảo tồn đi để trồng keo, thì mình cũng phá, vì tưởng chính sách đã thay đổi. Trước đây phải giữ rừng nay được phá để trồng cây khác. Và “Chúng tôi không tin cán bộ địa phương thì tin ai?”.
Cán bộ xã, thôn là cấp cuối cùng trong hệ thống tổ chức chính quyền, là những người đưa đường lối, chính sách cũng như pháp luật của đảng và nhà nước đến trực tiếp với từng người dân.
Lời nói của họ được dân tin. Việc làm của họ hiện hữu rành rành trước dân, nên có tác dụng rất lớn trong việc lôi kéo, thúc đẩy dân làm theo.
Nhất là ở những địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí còn thấp, thì người dân thường gửi lòng tin vào nhà nước, vào chế độ một cách rất chất phác qua những cán bộ, những đảng viên mà họ thường tiếp xúc hằng ngày, bằng cách “cứ theo cán bộ, đảng viên mà làm”.
Chính vì thế mà một khi đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương trở nên tha hóa, biến chất, có những việc làm trái pháp luật, thì chúng gây tác hại cực kỳ khủng khiếp, mà vụ “toàn dân phá rừng” nói trên là một dẫn chứng. Hiện tượng đó phản ánh điều gì, nếu không phải là việc lâu nay, những tiêu chuẩn và trình độ bắt buộc phải có của cán bộ xã còn bị xem nhẹ?
Vi phạm pháp luật đương nhiên phải bị xử lý, bất kể người đó là ai. Hàng chục người phá rừng ở Sơn Động đã bị các cơ quan chức năng xử lý bằng các hình thức từ xử phạt đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng, cũng theo phản ánh của dân, thì việc xử lý ở đây rất không công bằng.
Những người dân phá rừng ít lại phải chịu mức phạt rất cao. Trong khi cán bộ phá nhiều hơn lại “được” hưởng mức phạt rất nhẹ. Cán bộ kiểm lâm hay đưa quyết định phạt cho dân vào… ban đêm. Có người còn gạ gẫm dân đưa tiền cho họ để được hưởng mức phạt nhẹ…
Những khu rừng bị phá đã mất rồi. Vấn đề là hãy vào cuộc quyết liệt hơn, công bằng hơn, để giữ lại những cánh rừng còn lại.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/134396/van-de-du-luan/khi-can-bo-di-truoc-pha-rung.html
Có thể bạn quan tâm
“Từ gần 10 năm nay, bên cạnh nghề trồng rau, hoa, nuôi cá ở xã San Thàng (thành phố Lai Châu) đã trở thành một nghề. Với diện tích 65,27ha mặt nước, nhiều gia đình đã trở thành hộ khá, giàu từ phát triển kinh tế thủy sản” - chị Lò Thị Thìn, cán bộ Trạm Khuyến nông xã San Thàng cho biết.
Ông Trương Hữu Thông – Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cho biết: “Hiện nay, do giải quyết “bài toán” quy hoạch vùng nuôi tôm giống còn dang dở khiến cho các doanh nghiệp vùng tôm danh tiếng ở Tuy Phong đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc”.
Nghề nuôi và khai thác nghêu ở các bãi bồi ven biển là nguồn sinh kế quan trọng đối với cộng đồng dân cư ven biển. Đó là thông tin tại hội thảo “Mối liên hệ giữa rừng ngập mặn và nguồn lợi nghêu”, do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thông qua Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) phối hợp cùng Viện Sinh học nhiệt đới (ITB) vừa tổ chức tại TP HCM.
Là loài cá nước mặn, sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, nhưng cá bống bớp đã “bén duyên” và gắn bó trong “ao nhà” ở vùng đất Nghĩa Hưng (Nam Định) từ hơn 20 năm trước, khi những ngư dân bắt được cá bé sau mỗi chuyến ra khơi đã gom góp lại nuôi trong ao.
Sản lượng tôm của Trung Quốc và Thái Lan giảm mạnh do ảnh hưởng của Hội chứng tôm chết sớm (EMS) là nguyên nhân chính dẫn tới NK tôm từ 2 nước này giảm sút. Theo đó, các nguồn cung khác như Việt Nam, Ấn Độ hay Indonesia tận dụng cơ hội này mở rộng thị trường. NK tôm Indonesia vào Hàn Quốc trong 9 tháng đầu năm nay tăng tới 311,7%.