Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khát Vọng Làm Giàu Của Một Nông Dân

Khát Vọng Làm Giàu Của Một Nông Dân
Ngày đăng: 23/01/2015

Theo chân của cán bộ xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng chúng tôi tìm về thôn Đồng Màu, đến thăm hộ anh Trần Đức Thắng - một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của xã.

Những năm qua, phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tích cực tham gia quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gia đình anh nông dân Trần Đức Thắng từ nghèo đã vươn lên trở thành hộ có đời sống kinh tế khá giả và anh được vinh dự thay mặt cho hàng trăm hộ nông dân ở địa phương về dự hội nghị biểu dương hộ nông dân tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi, hộ nghèo vượt khó giai đoạn 2011-2014 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.
Trong ngôi nhà mới xây, anh Thắng không giấu nổi niềm vui xen lẫn niềm tự hào bộc bạch: “Thực tế cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng mình bàn nhau nhận thầu toàn bộ đập Đồng Màu gần 30ha để nuôi thả cá kiếm thêm thu nhập. Ban đầu đồng nước hoang vu toàn lau sậy, nhiều người cũng nói vào nói ra nhưng được chính quyền địa phương, khu dân cư ủng hộ mình quyết tâm làm đến cùng”.
Sinh ra và lớn lên ở xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, bản thân anh Thắng cũng không ngờ rằng có ngày mình lại lập nghiệp trên quê bưởi Đoan Hùng. Tốt nghiệp  THPT anh xung phong đi bộ đội, năm 1987 nhập ngũ, đến năm 1990 xuất ngũ về địa phương rồi lập gia đình. Do không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống khá chật vật nên đã quyết định về quê vợ ở xã Chí Đám lập nghiệp với suy nghĩ thật giản dị: Có sức khỏe ắt có ngày làm nên cơ nghiệp.
Những ngày đầu lập nghiệp khá gian nan, không có vốn, không kinh nghiệm, 2 vợ chồng anh vừa cấy lúa, vừa chăn nuôi lợn, gà, khéo léo cũng tạm đủ ăn. Năm 1996, khi xã Chí Đám có chủ trương giao khoán cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên các diện tích mặt nước thuộc các cánh đồng do xã quản lý, anh Thắng nhận thấy đây là một cơ hội tốt để phát triển kinh tế nên quyết định nhận thầu toàn bộ đập Đồng Màu.
Sau đó vay vốn từ anh em, bạn bè, vay ngân hàng, thuê nhân công, máy móc tiến hành đào đắp củng cố bờ bao, đắp nền, quy vùng thả cá, chủ yếu nuôi thả các giống cá truyền thống như: Chép, trôi, trắm, mè... Để tăng thu nhập, dưới đồng anh trồng thêm sen, trên bờ xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, trồng cây ăn quả.
Ban đầu vốn ít, anh thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mặc dù có những thời điểm tưởng chừng thua lỗ do ảnh hưởng của thời tiết, giá cả thị trường bấp bênh, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên đàn vật nuôi... song anh Trần Đức Thắng vẫn kiên trì với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của mình. Ẩn sau khuôn mặt rắn rỏi, có phần lam lũ là quyết tâm vượt khó vươn lên.
Anh kể: “Nuôi cá cũng lắm rủi ro, vào mùa mưa có những lúc nước ngập trắng đồng cả hai vợ chồng như ngồi trên đống lửa vì đầu tư bao công sức cộng với hàng chục triệu đồng tiền cá giống, chỉ cần vỡ một đoạn bờ bao là cá ra hết, do vậy không kể thời gian, mưa gió lúc nào chúng tôi cũng phải túc trực để sẵn sàng phương án bảo vệ đồng cá”.
Trong nhiều năm trở lại đây gia đình anh Thắng đã có thu nhập ổn định từ 2 nguồn thu chính là cá và sen, với sản lượng đạt 30- 40 tấn/năm, trừ chi phí thu nhập đạt từ 300-400 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 5-6 lao động.
Không chỉ lao động sản xuất giỏi, thực hiện tốt nghĩa vụ đóng nộp sản lượng hàng năm, anh Thắng còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, nhất là từ khi xã Chí Đám đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới như: Hiến đất làm đường, đóng góp xây dựng nhà văn hóa khu dân cư, xóa nhà tạm, ủng hộ người nghèo... Ngoài ra anh còn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn các hộ dân trong thôn kinh nghiệm sản xuất.
Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, từ năm 2013 anh Thắng tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu đồng quy hoạch, xây dựng vùng trồng bưởi đặc sản với giống bưởi Sửu gốc Chí Đám nhằm góp phần làm phong phú sản vật quê hương.


Có thể bạn quan tâm

Thê Thảm Thủ Phủ Cà Phê Miền Trung Thê Thảm Thủ Phủ Cà Phê Miền Trung

Nhiều người trồng cà phê ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không mặn mà với việc thu hoạch hoặc phải chuyển đổi cây trồng vì giá rớt thảm hại

24/08/2013
Trồng Sơ Ri Cho Thu Nhập Ổn Định Trồng Sơ Ri Cho Thu Nhập Ổn Định

Bà Nguyễn Thị Nhị (ngụ xã Định Thành, Thoại Sơn, An Giang) cho biết, nhờ trồng sơ-ri mà cuộc sống gia đình bà khá ổn định. Hiện, bà trồng 60 gốc sơ ri, thu hoạch quanh năm, mỗi ngày bà bán được khoảng 50kg, giá từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lợi nhuận gần 3 triệu đồng/tháng.

24/08/2013
Duy Xuyên Khống Chế Dịch Bệnh Lở Mồm Long Móng Duy Xuyên Khống Chế Dịch Bệnh Lở Mồm Long Móng

Chiều qua 21.8, ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng trạm Thú y huyện Duy Xuyên cho biết, sau hơn 10 ngày tích cực hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp điều trị và triển khai vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng trên diện rộng, đến nay 22 con trâu, bò bị nhiễm bệnh lở mồm long móng ở thôn Vân Quật (xã Duy Thành) đã khỏi bệnh hoàn toàn.

24/08/2013
Sâu Cuốn Lá Nhỏ Hại Lúa Hè Thu Sâu Cuốn Lá Nhỏ Hại Lúa Hè Thu

Vụ hè thu này huyện Thăng Bình gieo sạ được 7.250ha lúa. tuy nhiên 2 tuần gần đây trên cây lúa bắt đầu xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ gây hại ở nhiều địa phương.

24/08/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình “1 Phải, 5 Giảm” Trên Cây Lúa Hiệu Quả Từ Mô Hình “1 Phải, 5 Giảm” Trên Cây Lúa

Ngày 22-8, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật tổng kết mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa vụ hè- thu 2013.

24/08/2013