Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Khắc phục khó khăn của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh

Khắc phục khó khăn của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh
Tác giả: Nguyễn Công Thành
Ngày đăng: 16/09/2021

Bên cạnh những mặt tích cực đạt được về năng suất, sản lượng, an toàn thực phẩm,... thì mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cũng có nhiều vấn đề khó khăn.

Một số khó khăn hiện nay của mô hình siêu thâm canh:

- Chi phí đầu tư hệ thống công trình.

- Quản lý môi trường nước ao nuôi.

- Tác động của diễn thế thay đổi thời tiết, khí hậu.

- Vật tư/Sản phẩm đầu vào.

- Diện tích đất xây dựng hệ thống nuôi.

- Điều phối thời gian vận hành quạt nước, thổi oxy đáy, vận hành cho ăn (bằng máy hoặc bằng tay), gôm chất thải, xi phông chất thải.

- Kiến thức nền và kinh nghiệm thực tế sản xuất.

Vì vậy, trong thời gian tới mô hình nuôi tôm siêu thâm canh chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa nếu chúng ta không tìm ra hướng khắc phục, giải pháp phát triển phù hợp.

1. Chi phí đầu tư hệ thống công trình

Chi phí đầu tư hệ thống công trình là một trong những vấn đề trở ngại lớn trong phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay. Để mô hình thành công bền vững thì yếu tố đầu tiên là phải có hạ tầng cơ sở phù hợp, trang thiết bị đáp ứng phục vụ sản xuất tốt nhất.

Nếu hệ thống công trình nuôi không đảm bảo chất lượng thì cơ hội mầm bệnh xâm nhập và tồn lưu trong ao rất cao gây nhiễm bệnh cho đàn tôm nuôi, từ đó sẽ dẫn đến mô hình không hiệu quả.

Thường, trong trường hợp vụ nuôi “chưa” thành công thì người nuôi thường bứt rứt khó chịu, muốn nhanh chống thực hiện vụ mới để sớm hoàn vốn, họ ít chịu tìm hiểu nguyên nhân không thành công? Thường “đổ thừa” cho con giống, thời tiết khí hậu,... không nghĩ là lỗi do hệ thống công trình nuôi.

Trường hợp vụ nuôi thành công lớn thì người nuôi lại muốn “thừa thắng xong lên” tiếp tục thực hiện vụ nuôi mới liền, đến một thời điểm nào đó gặp sự cố thì đã muộn, mầm bệnh đã tồn lưu trong hệ thống nuôi và gây hậu quả nghiêm trọng hơn cho các vụ tiếp theo.

Do đó, sau mỗi vụ nuôi tốt nhất nên cho hệ thống ao nuôi có thời gian “nghỉ ngơi”, ở thời gian này kết hợp kiểm tra, gia cố, tu sửa, tái đầu tư lại hay đầu tư mới một số hạn mục công trình chưa thực sự phù hợp để hạn chế rủi ro các vụ nuôi tiếp theo.

2. Quản lý môi trường nước ao nuôi

Sự thành bại trong nuôi tôm phụ thuộc rất lớn vào giám sát và quản lý môi trường nước ao nuôi. Câu nói “Nuôi tôm là nuôi nước” thể hiện mức quan trọng của quản lý chất lượng nước trong nuôi tôm.

Quản lý môi trường nước là quản lý tổng hợp tất cả các tố lý – hóa – sinh, bao gồm: Nhiệt độ, ánh sáng, pH, oxy hòa tan, độ kiềm, NH3, NO2, NO3, H2S, Mg/Ca/K (3/1/0,8), màu nước, hạt floc, vi khuẩn, tảo,...

Tuy nhiên, hiện nay người nuôi thường căn cứ vào “Quy trình kỹ thuật ứng dụng” khác nhau từ đó chỉ quan tâm nhiều đến các yếu tố môi trường liên quan đến quy trình. Ví dụ: Quy trình nuôi ứng dụng Biofloc thường trú trọng nhiều đến yếu tố hóa – sinh học, quy trình nuôi ứng dụng nước xanh tuần hoàn thường trú trọng mạnh đến lý – sinh học, quy trình nước trong thường chú ý đến các yếu tố lý – hóa học;...

Vấn đề khác nữa là đa phần người nuôi “thụ động chờ đợi” sự thay đổi của một vài yếu tố môi trường ở mức độ lớn, nghiêm trọng rồi mới quan tâm điều chỉnh, xử lý, họ không chú trọng phòng ngừa trước khi xảy ra.

Tôm nuôi và các yếu tố môi trường sống luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong điều kiện môi trường ao nuôi không phù hợp, có sự dao động lớn của một số yếu tố sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến sức khỏe tôm.

Do đó, khi thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cần phải quan tâm tổng thể tất cả các yếu tố lý – hóa – sinh học mới đảm bảo sự thành công bền vững, nâng cao được nâng suất sản lượng. Bởi, trong cùng một hệ sinh thái ao nuôi luôn tồn tại cả 3 yếu tố lý – hóa – sinh học song song.

3. Tác động thay đổi thời tiết, khí hậu

Thực tế cho thấy kết quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh (nuôi mật độ cao) ít nhiều vẫn chịu tác động lớn từ thay đổi thời tiết, khí hậu, mặc dù có đầu tư hệ thống công trình đúng yêu cầu kỹ thuật.

Nếu mùa vụ thuận lợi thời tiết, khí hậu thì tỷ lệ mô hình thành công sẽ cao hơn. Nếu mùa vụ không thuận lợi thì mức độ thành công chắc chắn sẽ thấp. Bởi phần lớn các yếu tố môi trường quan trọng trong ao nuôi như: pH, nhiệt độ, khí độc NH3, H2S, độ ẩm, ánh sáng, tảo, vi khuẩn, oxy hòa tan.

Thâm chí sức khỏe, chu kỳ lột xác, sức bắt mồi tôm nuôi cũng luôn luôn có quan hệ mật thiết với thay đổi thời tiết, khí hậu. Người nuôi cần theo dõi diễn thế thời tiết khí hậu thường xuyên hơn, tích lũy kinh nghiệm qua các vụ nuôi, chuẩn bị các hóa chất quản lý môi trường sẵn sàng trong kho để kịp thời ứng phó, xử lý.

4. Vật tư/Sản phẩm đầu vào

Người nuôi tôm luôn gặp khó khăn về giá, chất lượng vật tư/sản phẩm đầu vào, đầu ra. Phần lớn người dân luôn chịu phần thiệt nhiều hơn các nhà đầu cơ, buôn bán, chế biến,...

Giá và chất lượng sản phẩm đầu vào có liên quan tỷ lệ thuận với giá thành sản xuất và lợi nhuận kinh tế của mô hình. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các công ty sản xuất, phân phối đều cho rằng sản phẩm của họ rẻ, giá cạnh tranh và là sản phẩm tốt, phù hợp, có thể quản lý tốt, điều chỉnh và điều trị hiệu quả ở nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến môi trường và sức khỏe tôm. Mặc dù rất nhiều sản phẩm chưa được thử nghiệm, khảo nghiệm.

Một vấn đề khác nữa liên quan đến chất lượng sản phẩm đầu vào là chất lượng không ổn định theo thời gian phân phối trên thị trường. Thông thường sản phẩm thử nghiệm, khảo nghiệm hay đưa ra thị trường ở thời gian đầu tốt, hiệu quả, nhưng những năm về sau chất lượng giảm dần và đến một lúc nào đó sẽ “thay tên đổi họ” biến thành sản phẩm mới để kích cầu phát triển và rồi lại tiếp tục “vòng luẩn quẩn” như trước.

Mặt khác, liên quan đến giá các vật tư/sản phẩm đầu vào đến tay người nuôi đó là giá cao. Phần lớn người nuôi tôm siêu thâm canh không chủ động vốn để mua vật tư/sản phẩm bằng tiền mặt, nên ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất và lợi nhuận. Thực tế cho thấy, nếu người nuôi có đủ điều kiện mua tiền mặt 100% thì sẽ giảm được tới 10-12% chi phi liên quan đến thức ăn và giảm 20-40% chi phí thuốc, hóa chất quản lý, phòng trị. Nếu có điều kiện 50% mua tiền mặt thì giảm chi phí từ 5-6% tiền thức ăn và 15-30% tiền thuốc, hóa chất quản lý, phòng trị.

Do đó, người nuôi tôm siêu thâm canh cần cân nhắc điều kiện kinh tế để quyết định mua sản phẩm đầu vào (đặc biệt thức ăn) bằng tiền mặt 100% hay 50% hay mua chịu để có được giá thành sản xuất và lợi nhuận phù hợp. Cần chọn lựa nhà sản xuất, phân phối uy tính để có được sản phẩm đầu vào ổn định về giá và chất lượng.

5. Diện tích đất xây dựng hệ thống nuôi

Bên cạnh diện tích ao nuôi, diện tích khu/ao chứa chất thải (rắn và lỏng) thì mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cần phải có diện tích đất nhất định cho thiết kế hệ thống chứa lắng nước sẵn sàng.

Như đã nói ở trên mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là mô hình nuôi mật độ dày nên chất thải trong ao tích tụ rất lớn, các yếu tố môi trường ao nuôi siêu thâm canh luôn rất nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết khí hậu. Trong một vụ nuôi ít nhiều cũng có thời điểm các yếu tố môi trường thay đổi, dao động lớn và sức khỏe tôm không tốt nên giải pháp tốt nhất và cần thiết là thay/cấp nước mới (nước đã sẵn sàng) thì mới đảm bảo thành công và bền vững mặc dù ứng dụng bất kỳ “quy trình kỹ thuật” nào.

Hiện nay, do chạy theo phong trào phát triển nuôi tôm siêu thâm canh nên nhiều hộ nuôi tận dụng hết khả năng diện tích đất có thể để xây dựng ao nuôi siêu thâm canh. Nên một số trường hợp không chú trọng đến diện tích ao chứa lắng hoặc không có diện tích đất đủ rộng để thiết kế hệ thống ao chứa lắng nước sẵn sàng nên dẫn đến không đáp ứng kịp thời điều kiện thay/cấp nước mới cho ao nuôi dẫn đến mô hình thành công không bền vững.

Do đó, để phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh thành công và bền vững người nuôi cần quan tâm dành một diện tích nhất định để thiết kế ao chứa lắng sẵn sàng phải đủ lớn, đảm bảo thể tích nước chứa lắng thay/cấp cho ao nuôi.

6. Điều phối thời gian vận hành quạt nước, thổi oxy đáy, vận hành cho ăn (bằng máy hoặc bằng tay), gom chất thải, xi phong chất thải

Quản lý thức ăn tôm là khâu rất quan trọng đối với nuôi tôm siêu thâm canh. Trong mô hình nuôi siêu thâm canh canh hiện nay chi phí thức ăn luôn chiếm một tỷ lệ cao và dao động rất lớn, từ 48 ± 7% tổng chi phí. Do đó nếu thiết kế hệ thống ao nuôi không phù hợp và quản lý thức ăn không tốt sẽ thất thoát thức ăn, ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi, sức khỏe tôm, bùn thải ở đáy ao và đặc biệt chi phí giá thành sẽ tăng cao.

Hiện nay mô hình nuôi tôm siêu thâm canh thường có diện tích nhỏ (từ 200-500 m2/ao) nhưng nuôi mật độ cao, nên phải lắp đặt nhiều oxy đáy, ventury, giảm số lượng cánh quạt hoặc một số ao thậm chí không lắp quạt nước. Thực tiễn cho thấy thường ao nhỏ sẽ thuận lợi cho việc chăm sóc quản lý, mức đầu tư ban đầu vừa phải và linh động trong việc điều tiết vốn lưu động sản xuất. Tuy nhiên, ao nhỏ lại gặp một số trở ngại nhất định như môi trường dễ thay đổi theo sự thay đổi của thời tiết khí hậu. Mặt khác, việc lắp nhiều oxy đáy và giảm số lượng quạt hay không lắp quạt gây khó khăn cho việc điều phối quạt nước, thổi oxy đáy, vận hành cho ăn (bằng máy hoặc bằng tay), gôm chất thải, xi phong chất thải ra khỏi ao.

- Nếu chỉ sử dụng oxy đáy không sử dụng quạt nước thì sẽ khó khăn cho việc gom chất thải trong ao về hố xi phông.

- Nếu sử dụng kết hợp oxy đáy, quạt và cho ăn tay (lượng thức ăn 1 lần nhiều) sẽ thường FCR cao, do tôm chưa kịp gắp hết thức ăn thì thức ăn đã bị dòng chảy cuốn trôi xuống hố xi phong.

- Nếu sử dụng kết hợp oxy đáy, quạt và sử dụng máy phun cho ao diện tích nhỏ thì cần chú ý thức ăn bị phun lên bờ hoặc phun xuống hố xi phong.

Vậy để điều phối oxy đáy, quạt nước, cho ăn tay, hay cho ăn máy ở ao có diện tích nhỏ, nhưng đảm bảo gôm chất thải về hố xi phong, có thời gian cho xi phông đưa chất thải ra khỏi ao và không thất thoát thức ăn, cần lưu ý một số công việc phối hợp như sau:

+ Chỉ chạy oxy đáy, ngưng chạy quạt trong khung giờ cho tôm ăn tay (đối với cho ăn tay);

+ Đặt nhiều sàng ăn trong ao và tập trung phần lớn cho tôm ăn trong sàng ăn, một lượng nhỏ rải ngoài sàng và chỉ sát bờ (đối với cho ăn tay). Nên có thể chạy oxy và quạt lúc cho ăn.

+ Điều chỉnh lượng thức ăn phun ra ở mỗi lần phun ít lại nhưng khoảng cách thời gian giữa 2 lần phun gần nhau (đối với máy). Nên có thể chạy oxy và quạt lúc cho ăn;

+ Chắn lưới mành ở gần bờ và gần hố xi phong để cản thức ăn không bị phun gần (đối với máy). Nên có thể chạy oxy và quạt lúc cho ăn;

+ Xi phong chất thải ra khỏi ao sau khi cho tôm ăn 10-15 phút (Đối với cho ăn bằng tay). Việc này sẽ hạn chế được thất thoát tôm bị cuốn hút theo ống xi phong.

+ Đối với cho ăn bằng máy, nên bố trí ngừng hoạt động ít nhất 3-4 lần/ngày và chỉ chạy quạt để gôm chất thải. Việc điều phối này giúp người nuôi có thời gian phù hợp để xi phong chất thải ra khỏi ao mà không thất thoát thức ăn.

7. Kiến thức nền và kinh nghiệm thực tế sản xuất

Kiến thức nền ở đây được hiểu là kiến thức chuyên môn, chuyên ngành liên quan. Kinh nghiệm thực tế sản xuất ở đây là kinh nghiệm rút ra từ thực hành sản xuất ngay trên vùng đất của mình hay rút ra từ nhiều vùng đất khác nhau mà người quản lý hay người kỹ thuật trực tiếp thực hiện mô hình đúc kết được,...

Nếu người quản lý, người kỹ thuật trực tiếp nuôi có được một nền tảng kiến thức chuyên môn tốt kết hợp với rút kinh nghiệm thực tế sản xuất sẽ nhanh chóng nắm bắt, phân tích và xử lý những “tình huống, động thái” xảy ra trong hệ sinh thái ao nuôi tốt hơn, nhanh hơn và thuận lợi hơn.

Kiến thức nền và kinh nghiệm thực tiễn sản xuất đều cần ở người quản lý và người kỹ thuật trực tiếp nuôi, cả 2 yếu tố này điều phải luôn được liên tục cập nhật vì rất quan trong trong một mô hình nuôi siêu thâm canh.

Mỗi vùng đất hay mỗi ao thường có thành phần dinh dưỡng, trầm tích, kết cấu đất khác nhau nên ít nhiều có ảnh hưởng khác nhau đến môi trường, vi sinh vật và sự tác động khác nhau của thời tiết khí hậu. Nên mặc dù những giải pháp kỹ thuật áp dụng đều giống nhưng kết quả nuôi chưa chắc đã giống nhau.

Tuy nhiên, hiện nay một số người quản lý, người nuôi thường thờ ơ, ỷ lại có tiền sẽ mua được thuốc, hóa chất tốt nên thường “phó thác” mọi việc theo dõi, giám sát, phân tích, đánh giá và xử lý cho công nhân. Kết quả thường chỉ đạt ở một vài vụ nuôi đầu sau đó mức độ thành công giảm dần.

Mặc khác có một số người thành công lớn ở 1 hay 2 vụ đầu thì bắt đầu nghĩ đã có kinh nghiệm, hiểu hết động thái và xử lý được mọi vấn đề liên quan của ao nuôi hay hệ thống nuôi nên càng ỷ lại, lơ là xem thường, không quan tâm nhưng lại mở rộng ồ ạt thêm diện tích nuôi, vùng nuôi, nên kết quả vượt tầm quản lý, hiểu biết và thất bại lớn là không thể tránh khỏi.

Do đó, bài học kinh nghiệm liên quan trong nuôi tôm siêu thâm canh là không nên ỷ lại “có tiền là có thể làm được tất cả”; thành công vài vụ là chưa thật sự đủ kinh nghiệm mà cần liên tục, thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn và thực tiễn sản xuất; Hạn chế “quá đà” trong mở rộng diện tích sản xuất mà nên “từng bước” phát triển nhân rộng nếu đã có đầy đủ mọi điều kiện lên quan.

8. Một số hạn chế khác liên quan trong nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay

- Chất lượng con giống.

- Thiếu lao động kỹ thuật, lao động phổ thông.

- Điện và giá điện.

- Mức độ ô nhiễm kênh rạch công cộng có dấu hiệu gia tăng khó kiểm soát.

- Vi khuẩn “lờn thuốc”, biến đổi gen và bệnh mới xuất hiện.

- Đầu tư hệ thống ao nuôi “bài bản” mang tính lâu dài, đầu tư một lần sử dụng được nhiều năm liền? Hay đầu tư tạm thời sử dụng 1-2 vụ rồi tạm ngưng để đầu tư lại.

- Thị trường giá tôm thương phẩm thiếu ổn định, người nuôi dễ bị ép giá.

Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao Công nghệ nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Có thể bạn quan tâm

Thuốc diệt cỏ giết chết ấu trùng tôm Thuốc diệt cỏ giết chết ấu trùng tôm

Hơn 95 phần trăm ngành nuôi tôm Úc đang ở Queensland vì tôm thích nhiệt độ nước trên 25 độ.

16/09/2021
Cách thức ngăn chặn đại dịch do Aeromonas gây ra trên cá nuôi Cách thức ngăn chặn đại dịch do Aeromonas gây ra trên cá nuôi

Một nhóm các nhà nghiên cứu tin rằng sử dụng 2 phương pháp men vi sinh và vaccine có thể ngăn ngừa dịch bệnh do chủng Aeromonas hydrophila ra trên cá.

16/09/2021
Để sử dụng men vi sinh hiệu quả tiết kiệm Để sử dụng men vi sinh hiệu quả tiết kiệm

Tép bạc xin giới thiệu những biện 6 pháp kỹ thuật giúp người nuôi tôm cá sử dụng men vi sinh hiệu quả và tiết kiệm.

16/09/2021
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.