Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh tôm cá từ lá cây trâm bầu

Khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh tôm cá từ lá cây trâm bầu
Tác giả: Triệu Thị Thanh Hằng, Nguyễn Công Tráng, Cao Tuấn Đức
Ngày đăng: 21/11/2019

Cây trâm bầu từ lâu được xem là loại thảo dược quý, chữa nhiều bệnh trên người và động vật thủy sản. Nghiên cứu của Triệu Thị Thanh Hằng và cộng sự 2018 đã đánh giá khả năng kháng một số loài vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản của các chất chiết xuất từ hạt và lá của cây trâm bầu.

Lá cây trâm bầu khô. Ảnh: trungtamduoclieu

Việc sử dụng thuốc kháng sinh và các loại hóa chất để phòng trị bệnh cho động vật thủy sản hiện nay đang gặp phải một số thách thức lớn như hiện tượng đa kháng thuốc của các loài vi khuẩn gây bệnh, ô nhiễm môi trường và chứa đựng những yếu tố gây mất an toàn thực phẩm cho người tiêu thụ sản phẩm thủy sản (Kha, 2012). Nhằm góp phần giảm thiểu những thách thức và rủi ro đã nêu, dược liệu từ các loại từ cây cỏ thảo mộc như cây diệp hạ châu (Phyllanthus niruri), cây trâm bầu (Combretum quadragulare), cây sài đất (Wedelia calendulacea), cây cỏ mực (Elipta alba) và cây giác (Cayratia trifolia) là một trong những giải pháp đang được khuyến khích ứng dụng trong nuôi động vật thủy sản vì nó an  toàn hơn nhiều so với các loại kháng sinh, hóa chất (Hoàng Ngân, 2016).

Tuy nhiên, hiện nay có rất ít công trình nghiên cứu sử dụng cây trâm bầu kháng vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản, mà chỉ dừng lại ở việc sử dụng dịch trích hạt cây trâm bầu để diệt các loài ký sinh trùng trên động vật thủy sản (Bùi Quang Tề, 2016). Vì vậy, nghiên cứu khả năng kháng khuẩn của cây trâm bầu đối với các loài vi khuẩn A. hydrophila, E. ictaluri và V. parahaemolyticus gây bệnh trên động vật thủy sản. 

Sử dụng chiết xuất cây trâm bầu trong nuôi trồng thủy sản

Khả năng kháng khuẩn của hạt và lá trâm bầu

Lá và hạt cây trâm bầu được thu hái vào tháng 04/2017, tại xã Thân Cửu Nghĩa và xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Lá trâm bầu được thu hái là các lá xanh, già, không sâu bệnh, nấm mốc hay vàng úa. Trái trâm bầu được thu hái là những trái già, nguyên vẹn, sau khi thu hái trái được tách lấy hạt để sử dụng.

Lá trâm bầu sau khi hái rửa sạch, sấy ở 60oC trong vòng 30 phút; trái thì tách lấy hạt. Phân loại và dùng cối xay hạt/lá của cây trâm bầu thành dạng bột thô.

Nghiên cứu trích dịch lá và hạt trâm bầu bằng 2 phương pháp: trích bằng nước có gia nhiệt và trích bằng cồn Ethanol.

Trích bằng nước

Phương pháp này được thực hiện theo Dodia et al. (1995). Lá trâm bầu sau khi hái rửa sạch, sấy ở 60oC trong vòng 30 phút; trái thì tách lấy hạt. Phân loại và dùng cối xay hạt/lá của cây trâm bầu thành dạng bột thô. Trộn nguyên liệu trong nước cất vô trùng theo tỷ lệ khối lượng giữa bột nguyên liệu/nước cất là 1/5 g/mL (100g/500mL). Sau đó hấp cách thủy ở 98oC trong 3 giờ. Sau khi hấp, để nguội, tiến hành lọc thô qua vải và sau đó lọc bằng giấy lọc để trích dịch và bảo quản dịch trích trong tủ lạnh ở 4oC để sử dụng.

Hoạt tính kháng khuẩn của các chiết xuất từ lá và hạt trâm bầu được thực hiện bằng phương pháp khuếch tán qua giếng thạch trên môi trường Mueller-Hinton Agar (MHA).

Kết quả:

(A): vi khuẩn E. ictaluri; (B): vi khuẩn V. parahaemolyticus; (C): vi khuẩn A. hydrophila; (ĐC): Đối chứng cồn 20o; (ĐC1): Đối chứng nước muôi sinh lý; (N): Dịch trích từ nước; (C50): dịch trích từ cồn 50o; (C70): dịch trích từ cồn 70o; C90: dịch trích từ cồn 90o.

Xét riêng từng bộ phận (lá hoặc hạt), phương pháp trích nước và cồn cho kết quả kháng khuẩn là khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) trong đó dịch trích trâm bầu từ dung môi nước kháng khuẩn mạnh hơn dịch trích từ dung môi cồn 50o, cồn 70o và cồn 90o.

Tính kháng khuẩn của dịch trích từ hạt trâm bầu (7,8 mm) mạnh hơn so với tính kháng khuẩn của dịch trích từ lá (6,0 mm).

Minimum inhibitory concentration (MIC) của dịch trích lá và hạt trâm bầu đối với E. ictaluri là như nhau (16 µL/mL). Với vi khuẩn A. hydrophila, MIC của dịch trích hạt (12 µL/mL) thấp hơn so với MIC của dịch trích lá (28,8 µL/mL). Với V. parahaemolyticus, MIC dịch trích hạt (14,4 µL/mL) cũng thấp hơn MIC dịch trích lá (21,6 µL/mL).

Nghiên cứu này góp phần bổ sung thêm dữ liệu về loại cây thảo dược có khả năng kháng các loài vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản. Đồng thời tạo cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm tìm ra các giải pháp ứng dụng cây trâm bầu trong điều trị bệnh cho tôm, cá nuôi.

Nhóm tác giả đề xuất cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định tính an toàn của dịch trích cây trâm bầu đối với các loài thủy sản khác nhau đang được nuôi phổ biến hiện nay như cá tra, cá lóc, cá rô phi, tôm sú, tôm thẻ, v.v.

Trích dẫn: Triệu Thị Thanh Hằng, Nguyễn Công Tráng, Cao Tuấn Đức và Lê Thị Thúy Vy, 2018. Khả năng kháng một số loài vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản của dịch trích từ lá và hạt cây trâm bầu (Combretum quadrangulare) trong điều kiện in vitro.

Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)


Có thể bạn quan tâm

Những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá tôm nuôi Những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá tôm nuôi

Nuôi tôm không chỉ đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản mà còn tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

20/11/2019
Các biện pháp xử lý ao nuôi tôm có kết quả dương tính với bệnh Các biện pháp xử lý ao nuôi tôm có kết quả dương tính với bệnh

Trong quá trình nuôi, bà con phải thường xuyên kiểm tra pH trước và sau khi mưa để điều chỉnh kịp thời. Duy trì pH ở mức thích hợp từ 7,5 - 8,5

21/11/2019
Xử lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh thủy sản trong mùa đông Xử lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh thủy sản trong mùa đông

Mùa đông, bệnh xuất hiện nhiều trên những loài cá như: diêu hồng, rô đầu vuông, rôphi, trê, lóc bông, cá chim trắng… Đây là những loài cá có nguồn gốc nhiệt đới

21/11/2019