Kết Nối Cung Ứng Giống Hướng Đi Bền Vững Cho Nghề Nuôi Tôm Ở Hà Tĩnh
Ngày trước, người nuôi tôm trong tỉnh Hà Tĩnh phải “khăn gói” vượt hàng trăm cây số đi mua con giống về thả. Giờ chỉ cần đặt hàng, đúng hẹn là các doanh nghiệp (DN) sản xuất có uy tín sẵn sàng chở con giống đến tận ao nuôi... Sự kết nối của DN với người dân không chỉ giải bài toán thiếu hụt về nguồn giống tại chỗ mà còn là hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm.
Đặt hàng, giống về tận ao!
Ông Trần Bách Quyền (Xuân Phổ - Nghi Xuân) vừa cho tôm ăn vừa kể: “Ngày trước, nuôi tôm vất vả lắm, khổ nhất là đi tìm mua con giống. Trong tỉnh chưa sản xuất được tôm giống nên cứ đến vụ nuôi là mấy anh em nuôi tôm trong xã rủ nhau “khăn gói” đi mua. Mỗi lần đi cũng mất dăm bảy ngày. Thế mà nhiều khi còn mua phải tôm giống giá cao, chất lượng kém... Bây giờ, giống tôm được các DN từ Nam chí Bắc cung ứng vào địa bàn tỉnh khá dồi dào. “Công ty Sản xuất giống tôm UP vừa vận chuyển 70 vạn con giống đến tận ao nuôi để tui kịp xuống giống 3 ao vào lúc 5h sáng. Trước khi thả giống khoảng 1 tháng, người nuôi tôm chỉ cần gọi điện đặt hàng cho đại lý cung ứng với số lượng giống cần mua. Đến ngày thả giống, Công ty vận chuyển con giống về tận ao nuôi đảm bảo cả số lượng và chất lượng theo yêu cầu”.
Ông Thanh - một chủ hộ nuôi “thâm niên” ở Xuân Phổ, cho biết thêm: “Trước đây, tôi mua giống trôi nổi trên thị trường. Đường xa, để vận chuyển được con giống về cũng rất kỳ công. Bởi vậy, chất lượng tôm giống không đảm bảo. Vài năm gần đây, qua nhiều nguồn kênh, tôi chọn mua tôm giống của Công ty TNHH Việt - Úc bằng hình thức đăng ký với nhân viên thị trường tại Hà Tĩnh. Qua nhiều vụ nuôi, giống tôm này đạt chất lượng, cho năng suất, sản lượng khá cao. Người nuôi tôm bây giờ cứ đặt hàng là giống về tận nơi, đỡ mất công, đi lại tốn kém.
Dịch vụ cung ứng con giống của các DN sản xuất giống đã phần nào bù đắp được tình trạng thiếu hụt về nguồn giống tại chỗ trên địa bàn tỉnh và tạo thuận lợi hơn cho người dân khi bước vào vụ nuôi. Ông Nguyễn Hữu Minh - cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: 2 năm trở lại đây, người dân nuôi tôm ở Cẩm Xuyên chủ yếu mua tôm giống của các “thương hiệu” như: Việt - Úc, CP, UP... Đây là những cơ sở cung ứng giống có uy tín trên thị trường trong cả nước. Mới đây, giống tôm của Công ty Thông Thuận trong tỉnh cũng được người dân nuôi tôm quan tâm, đặt hàng. Trên địa bàn Cẩm Xuyên, vụ tôm đầu năm nay, người dân đăng ký mua các loại con giống tại các cơ sở trên chiếm khoảng 80% diện tích nuôi của toàn huyện.
Lợi ích từ sự liên kết
Nhằm khẳng định thương hiệu, các DN sản xuất giống đều có chiến lược khẳng định uy tín trên thị trường; đặc biệt là tạo sự liên kết với người nuôi tôm để có cùng một lợi ích hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bước vào vụ nuôi, nhân viên thị trường của các công ty cung ứng giống trực tiếp đến tận các ao nuôi quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm tôm giống cho người nuôi tôm trên địa bàn khắp cả tỉnh. Cùng đó, thắt chặt mối liên kết bằng việc tổ chức những đợt tập huấn, hội thảo về kỹ thuật; đưa người dân đi tham quan các mô hình nuôi tôm bền vững. Đặc biệt, thường xuyên tư vấn cho các hộ nuôi tôm về những tiến bộ KHKT được áp dụng mang lại hiệu quả cao cho tôm nuôi...
Anh Nguyễn Văn Hùng - nhân viên thị trường tôm giống Việt - Úc cho biết: Công ty Sản xuất giống Việt - Úc có 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên cung ứng các loại tôm giống trên địa bàn cả nước. Công ty thường xuyên khuyến mãi cho khách hàng mua tôm giống; hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng tôm giống cho đến khi bắt đầu thả nuôi. Khi đặt hàng mua giống, người dân cần cung cấp thông tin về diện tích ao nuôi, màu nước cũng như độ pH để công ty tư vấn kỹ thuật nhằm thả giống an toàn, đảm bảo năng suất, sản lượng cho vụ nuôi. Với cách thức dịch vụ trên, Công ty Giống tôm Việt - Úc tuy mới “nhảy” vào thị trường Hà Tĩnh nhưng đến nay đã chiếm khoảng 50% thị phần nhu cầu tôm giống cả tỉnh.
Còn với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, DN chỉ cung ứng tôm giống với điều kiện ao đầm của người dân phải đảm bảo về quy trình cải tạo, môi trường ao nuôi. Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu, Công ty mới cung ứng con giống đến tận nơi, đồng thời trừ chiết khấu hao hụt cho người mua trong quá trình vận chuyển.
Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho rằng: Không chỉ đáp ứng được nhu cầu con giống trên địa bàn tỉnh, sự liên kết này góp phần quan trọng nâng cao năng suất, sản lượng những vụ nuôi. Sự kết nối ngày càng bền chặt giữa các DN cung ứng tôm giống với người dân đang tạo động lực mới để nghề nuôi tôm phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Hiện tại anh Tuyên đang nuôi hơn một vạn con cá, gần 300 con ngan lấy thịt, hơn 400 con vịt đẻ trứng... thu lãi trên 200 triệu đồng.
Hàng trăm ha bắp vụ Hè Thu thuộc các xã Bình Trung, Bình Giã, Xuân Sơn (huyện Châu Đức - Bà Rịa - Vũng Tàu) có nguy cơ mất trắng do cây phát triển không đồng đều và không ra trái. Được biết đây là giống bắp NK67 - lai đơn F1có xuất xứ từ Inđonesia do Công ty TNHH Syngenta Việt Nam (trụ sở đóng tại khu công nghiệp Biên Hòa - Đồng Nai) nhập khẩu và phân phối.
Bởi tính cần cù, biết tính toán và ham học hỏi, áp dụng kỹ thuật trong sản xuất nên mô hình kinh tế đa canh của ông Lý Văn Mến, ấp Bà Hính, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi cho thu nhập hơn 350 triệu đồng mỗi năm.
Ở ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, nhắc đến ông Nguyễn Văn Hoà hầu như bà con đều biết. Vì ngoài công việc của một cán bộ bảo hiểm xã hội, ông còn tranh thủ thời gian thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt, trồng bồn bồn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm qua, ngành nông nghiệp có nhiều chính sách hỗ trợ cho công tác sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng và cấp xác nhận. Song, không ít hộ dân sản xuất ra không sử dụng được để làm giống mà chỉ bán lúa thương phẩm, do ruộng sản xuất giống xen kẽ với ruộng lúa thương phẩm nên bị tạp giao.