Ðiêu Đứng Vì Tiêu
Câu chuyện cây hồ tiêu chết hàng loạt không còn mới ở huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng). Song, theo như ông Phạm Văn Tuấn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Pal, cho biết: “Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, riêng thôn Xuân Thượng đã có khoảng 20 ha tiêu bị nhiễm bệnh rồi chết, ước thiệt hại trên 33 tỷ đồng”, thì con số thiệt hại đó không phải là không đáng quan tâm.
Ðứng trước vườn tiêu trơ trụi của gia đình, ông Phạm Văn Luyến (thôn Xuân Thượng, xã Ðạ Pal) đau xót: “Nhà tôi có 1.800 trụ tiêu, thì nay đã chết 1.200 trụ. Những trụ còn lại đang có hiện tượng lá chuyển vàng và chết dần từng nhánh”.
Mặc dù được coi là “chuyên gia trồng hồ tiêu” ở thôn Xuân Thượng, nhưng khi tiêu bị nhiễm bệnh, ông Luyến cũng không có cách nào chống lại bệnh này. Ông Phạm Văn Luyến rầu rĩ: “Khi thấy tiêu có hiện tượng nhiễm bệnh, tôi đã phòng đủ mọi cách, như đào rãnh thoát nước, rải vôi bột quanh những gốc cây bị bệnh và cả vườn tiêu, rồi chi hơn 30 triệu đồng mua thuốc về xử lý, nhưng vẫn không cứu được vườn tiêu!”.
Ðầu niên vụ 2013 - 2014, thấy vườn tiêu của gia đình xanh tốt, trĩu hạt, ông Luyến nhẩm tính: Với 1 ha hồ tiêu có mật độ trồng 1.800 trụ, tới vụ sẽ thu hoạch được hơn 4 tấn. Ở thời giá hiện tại 165.000 đồng/ 1 kg, 1 ha tiêu sẽ cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng, nhưng giờ thì mất trắng và có nguy cơ phải “xóa sổ” cả vườn tiêu. Ðó là chưa kể số tiền hơn 100 triệu đồng mà ông Phạm Văn Luyến đã bỏ ra để làm hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động cho vườn tiêu.
Vườn tiêu 7 sào của ông Ðinh Xuân Kiên ở thôn Xuân Thượng, xã Ðạ Pal cũng đang bị chết hàng loạt. Bắt đầu trồng từ năm 2010, gia đình ông Kiên có hơn 1.200 trụ tiêu, nhưng hiện chỉ còn lác đác vài trụ. Ông Ðinh Xuân Kiên chia sẻ: “Năm nay, tiêu được mùa và được giá, nhưng bà con nông dân chưa kịp mừng thì đã xảy ra tình trạng này. Oái oăm ở chỗ, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi là tiêu vào vụ thu hoạch rồi mà còn bị mất ăn. Xót lắm!”.
Cách vườn hồ tiêu nhà ông Ðinh Xuân Kiên không xa, vườn tiêu với 1.400 trụ của gia đình anh Phạm Văn Tuấn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. “Bao nhiêu tiền của tích góp được tôi đều đổ hết vào vườn, nay tiêu chết sạch!” - Anh Tuấn xót xa. Cùng cảnh ngộ với ông Luyến, ông Kiên và ông Tuấn, 40 hộ trồng tiêu ở thôn Xuân Thượng đều có tiêu bị chết. Hộ tiêu chết nhiều thì 1 ha, hộ tiêu chết ít cũng mất 1 sào.
Qua tìm hiểu, hầu hết những hộ trồng tiêu đều khó khăn, phải vay vốn ngân hàng để mua giống, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh và bao nhiêu khoản khác. Hộ vay ít tầm 10 triệu đồng, hộ vay nhiều thì 20 triệu đồng để đầu tư trồng tiêu. Nay tiêu chết, các hộ trồng tiêu không biết phải xoay xở thế nào với số tiền lãi của ngân hàng. Nhiều nông dân lo lắng: “Mong sao Nhà nước hỗ trợ được một ít giống, vốn ban đầu để bà con sớm khắc phục hậu quả và tái sản xuất”.
Nhưng xem ra mong muốn của bà con thôn Xuân Thượng khó được chấp thuận, khi mà ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Ðạ Tẻh, cho biết: “Ðạ Tẻh không có chủ trương mở rộng diện tích cây hồ tiêu, mà do người dân tự phát trồng, nên đã xảy ra tình trạng trên”.
Theo bà Ngô Thị Hương, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành bảo vệ thực vật của Trung tâm Nông nghiệp huyện Ðạ Tẻh: Sở dĩ cây hồ tiêu bị chết hàng loạt là do nấm Furanium và Phytophthora gây nên. Ðể phòng trừ bệnh này, bà con nông dân cần phải sử dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp, từ khâu chọn giống cho đến khâu xử lý đất trước khi trồng. Nếu cây đã bị nhiễm bệnh thì dùng 2 loại thuốc Mocap và Aliette 500 WP.
Mocap dùng để xử lý tuyến trùng, còn Aliette phun định kỳ quanh gốc (15 ngày/ 1 lần). Mùa mưa, bà con không được để vườn tiêu úng ngập; mùa khô thì cần tủ gốc, tưới nước đủ ẩm và sau mỗi trận mưa, nên dùng thuốc Risopla V tưới quanh gốc để phục hồi bộ rễ.
Vậy là bà con nông dân thôn Xuân Thượng (xã Ðạ Pal) phải gánh chịu một vụ mùa tiêu thất bát. Cây tiêu trồng tự phát rồi đây khả năng đành phải chặt bỏ để thay thế bằng một loại cây trồng khác (nghe đâu là cây dâu lai), nhưng bà con nông dân vẫn trong tình trạng thấp thỏm, không biết rồi loại cây trồng mới này tồn tại được bao lâu. Cái khó, cái nghèo đang là nỗi lo của người nông dân, dẫu cái Tết Giáp Ngọ (2014) đang đến gần.
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, trên địa bàn, huyện Ứng Hòa thành phố Hà Nội đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi
Mặc dù nuôi lươn không bùn không phải là mô hình mới với người dân Hà Tĩnh, nhiều người đã thử nghiệm nhưng không duy trì được lâu dài và phải bỏ cuộc.
Theo lời hẹn vào một ngày tháng 3 nắng đẹp, chúng tôi ghé thăm vườn ổi của gia đình anh Nguyễn Hữu Trường – thành viên Hợp tác xã (HTX) trái cây Mỹ Đức.
Dám nghĩ dám làm, mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Vũ Thị Dân, xã Thăng Long (Đông Hưng)
Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ vừa phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Nghệ An, HTX Nam Thịnh tổ chức hội thảo đánh giá giống lạc đen.