Huyện Như Thanh Sử Dụng Hiệu Quả Các Nguồn Vốn Hỗ Trợ Nông Dân

Với chức năng đại diện, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên, góp phần ổn định đời sống người nông dân, những năm qua, Hội Nông dân huyện Như Thanh đã triển khai vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân, tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi từ các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH); phối hợp với các ban, ngành, các trung tâm dạy nghề tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp hội viên phát triển kinh tế.
Trước đây, cuộc sống của gia đình chị Dư Thị Liên, hội viên nông dân thôn Đồng Vinh, xã Mậu Lâm rất khó khăn, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào thu nhập từ mấy sào ruộng. Đầu năm 2012, với sự giúp đỡ của hội nông dân huyện, xã, gia đình chị được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện, qũy hỗ trợ nông dân để phát triển kinh tế.
Có vốn, lại được hội nông dân xã tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và tham gia các mô hình làm kinh tế giỏi, chị đầu tư nuôi lợn thịt và chăn nuôi gà. Từ cuối năm 2012 đến nay, mô hình gia trại của gia đình chị Liên cho thu nhập khá, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 50 đến 60 triệu đồng/năm.
Cũng như gia đình chị Liên, trước đây, đời sống kinh tế gia đình anh Nguyễn Ngọc Mai, ở thôn Hồng Sơn, xã Yên Thọ gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của các cấp hội nông dân, chính quyền địa phương, anh đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng CSXH đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt.
Đến nay, sau khi trừ chi phí gia đình anh Mai có lãi từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, gia đình anh Mai vinh dự được chọn là gương điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân huyện Như Thanh.
Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Như Thanh, cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn vay, hàng năm hội nông dân huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn vay; phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn tới 100% các cơ sở đang dư nợ; xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt hội nông dân cơ sở và tổ trưởng tổ tiết kiệm, tổ tín chấp vay vốn.
Với sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ, hội viên nông dân từ huyện đến cơ sở, công tác cho vay, quản lý và sử dụng các nguồn vốn vay của tổ chức hội nông dân trên địa bàn huyện Như Thanh ngày càng hiệu quả. Tổng dư nợ tăng liên tục qua các năm.
Đến nay, hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện vốn ủy thác cho 3.860 hộ nông dân vay với tổng dư nợ hơn 90 tỷ đồng và có 4.491 hộ thực hiện vốn tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ 134 tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn của ngân hàng, hội nông dân huyện và các tổ chức cơ sở hội còn vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân giúp hội viên có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế. Từ năm 2013 đến nay, các cấp hội nông dân trong huyện đã vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân được gần 400 triệu đồng.
Để giúp hội viên nông dân sử dụng vốn vay hiệu quả, an toàn, nhiều năm qua các cấp hội nông dân trong huyện đã tích cực phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, các doanh nghiệp, trung tâm dạy nghề của huyện... tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho hàng nghìn lượt hộ nông dân các phương pháp kỹ thuật về trồng lúa, ớt, bí xanh... nhằm giúp cho hội viên nông dân lựa chọn, ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả.
Để đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế trên địa bàn, hội nông dân huyện đã tích cực phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Những năm qua, trên địa bàn huyện đã có gần 1.000 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và cũng đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hộ thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng trở lên.
Từ các nguồn vốn vay trên đã giúp các gia đình hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương phát triển sản xuất, nuôi con ăn học..., từ đó góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm của huyện. Đồng thời, tạo điều kiện để nông dân phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có của từng vùng mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Áp lực hội nhập quốc tế đang đến rất gần, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết khiến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát rốt ráo chỉ đạo tìm giải pháp xốc lại ngành chăn nuôi - lĩnh vực được xem là có sức cạnh tranh kém nhất trong nông nghiệp.

Mặc dù chưa chính thức tham gia vào các hiệp định về tự do hóa thương mại để nông sản của các nước có thể trao đổi, xuất và nhập khẩu vào thị trường chung với thuế suất thấp nhưng thịt gia cầm châu Âu và Mỹ đã có mặt ở khắp thị trường Việt Nam với giá còn rẻ hơn cả ở nơi xuất đi…
Thiên tai, dịch bệnh, giá cả thấp... là những khó khăn phát triển ngành chăn nuôi. Vì vậy, đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Sở Nông nghiệp- PTNT sẽ tập trung tái thiết lại ngành này, hướng nông dân làm ăn bài bản, chú trọng chất lượng hơn là sản lượng.

Cách đây hơn 10 năm, nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và một số huyện, thành phía Nam nói riêng bị “tụt dốc”. Vài năm trở lại đây, với nhiều cách thức nuôi tằm mới cùng với nhiều giống dâu cho năng suất, chất lượng cao hơn đã giúp nghề trồng dâu, nuôi nằm dần được “hồi sinh”.

Theo số liệu của Chi cục Thú Y Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có hơn 2.800 con trâu, hơn 28.500 con bò (trong đó 21.000 còn bò thịt, 7.100 con bò sữa). Số lượng đàn bò tăng nhanh so với năm 2014, đặc biệt là bò sữa do mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao; Tuy trong vài năm trở lại đây, Sóc Trăng chưa ghi nhận trường hợp gia súc bị nhiễm bệnh lở mồm long móng (LMLM), nhưng nguy cơ bệnh xuất hiện và lây lan vẫn còn tiềm ẩn.