Hướng Thoát Nghèo Bền Vững Ở Phú Yên
Không chỉ ở thành công ở vùng đồng bằng, mô hình chăn nuôi bò giảm nghèo được người dân ở các huyện miền núi Phú Yên áp dụng hiệu quả, mang lại thu nhập cao.
Do việc chăm sóc đơn giản, ít dịch bệnh, thu lãi cao, những năm gần đây nhiều hộ dân ở xã An Phú, TP Tuy Hòa (Phú Yên) mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò lai, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đổi hướng bước đầu
Bên cạnh cây lúa, đánh bắt thủy sản nhỏ lẻ, việc nuôi bò lai hiện đã trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã An Phú, và đang được khuyến khích phát triển.
Xã An Phú có tổng đàn bò khoảng 2.100 con, trong đó, bò lai chiếm hơn 85%, được nuôi tập trung tại các thôn Phú Lương, Phú Liên, Chính Nghĩa, Xuân Dục.
Bà Nguyễn Thị Kỷ (thôn Phú Lương) cho biết từ khi được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh tập huấn, hướng dẫn phương pháp nuôi các giống bò lai để cải tạo đàn bò tại địa phương, gia đình bà bán hết bò cỏ, chuyển sang nuôi bò lai. Ban đầu, chỉ đủ vốn mua 2 con bò lai Brahman về nuôi, sau một thời gian đàn bò tăng lên 7 con, tổng giá trị khoảng 200 triệu đồng.
Không riêng gia đình bà Kỷ, ở xã An Phú, hầu như nhà nào cũng đầu tư chuyển đổi con giống từ bò cỏ sang bò lai để nuôi. Theo ông Ngô Tấn Sỹ, ở thôn Phú Lương, với kiến thức tích góp từ các lớp tập huấn nuôi bò vỗ béo lấy thịt, ông đã mạnh dạn đầu tư mua giống bò lai Zebu về nuôi và hiện đã phát triển lên 11 con.
Ban đầu, ông Sỹ bỏ vốn mua bò giống 6 tháng tuổi, giá thành từ 17-20 triệu đồng/con về nuôi được 1 năm, xuất bán với giá từ 30-35 triệu đồng/con. Bình quân mỗi lứa bò, gia đình ông lãi gần 100 triệu đồng.
Cùng với nuôi bò thịt, người dân xã An Phú còn đầu tư nuôi bò cái sinh sản. Gia đình ông Đặng Văn Lưu, ở thôn Chính Nghĩa, đang nuôi 7 con bò cái, bình quân mỗi năm đẻ được 7 bê con. Nếu nuôi thêm 6 tháng nữa, mỗi con bê cũng có giá ít nhất từ 17-20 triệu đồng. Nhờ vậy, mà bình quân mỗi năm, gia đình ông Lưu thu nhập hơn 100 triệu đồng từ việc bán bê con.
“Với nhiều hộ dân ở xã An Phú, nghề nuôi bò lai đã mang lại nguồn thu nhập chính. Mọi chi tiêu lớn trong gia đình như xây nhà, mua xe mô tô, hay lo cho con cái ăn học đều trông vào đàn bò”, ông Dương Phước, thôn Phú Liên bộc bạch.
Theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân, để nuôi bò hiệu quả, phải tuân thủ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, hạn chế thấp nhất rủi ro dịch bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Nga, cán bộ thú y xã An Phú cho biết nhờ bà con có ý thức cao trong phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là tiêm vắc xin lở mồm long móng cho bò, nên tỉ lệ tiêm phòng trên đàn bò của xã luôn đạt trên 90% tổng đàn. Vì vậy, nhiều năm trở lại đây, đàn bò của địa phương ít xảy ra dịch bệnh.
Người miền núi cũng thoát nghèo
Xã Đa Lộc, huyện miền núi Đồng Xuân, Phú Yên, có gần 1.000 hộ với 4.185 nhân khẩu sống rải rác ở 6 thôn, trong đó có 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn hộ dân của xã thuộc diện hộ nghèo, đời sống khó khăn.
Giải quyết vấn đề này, từ năm 2010, BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Phú Yên đã chọn xã Đa Lộc để triển khai thí điểm chăn nuôi bò sinh sản.
Dự án có 15 hộ nghèo tham gia với tổng số vốn đầu tư gần 150 triệu đồng từ ngân sách, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng mua bò giống.
Qua một thời gian triển khai, các hộ dân đều tích cực tham gia với hy vọng thoát nghèo, điển hình như trường hợp anh Đỗ Tấn Giao, ở thôn 1, xã Đa Lộc. Trước kia gia đình anh Giao là hộ nghèo có sức lao động nhưng thiếu vốn sản xuất. Với 10 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và được sự hỗ trợ từ mô hình nuôi bò sinh sản của tỉnh, anh Giao quyết định đầu tư con bò giống về nuôi.
Sau 2 năm, con bò cho ra đời thêm một nghé con trị giá 20 triệu đồng. Không chỉ trả được nợ cho ngân hàng, gia đình anh Giao còn có thêm đồng vốn tái đầu tư mở rộng quy mô nuôi bò sinh sản đầy triển vọng.
Bà Phạm Thị Thùy Ngân, Phó chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: “Tất cả các hộ dân tham gia dự án nuôi bò sinh sản đều đăng ký thoát nghèo, nên chúng tôi rất yên tâm, phấn khởi. Qua thời gian triển khai, đến nay đàn bò đã sinh được 17 con bê, thu được 256 triệu đồng. Trong đó, một số bò cái được các hộ tiếp tục để lại nhân giống và phát triển thêm. Từ kết quả này, sắp tới mô hình sẽ được nhân rộng đến những hộ nghèo ở địa phương khác.
Theo đánh giá của ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên, qua dự án chăn nuôi bò tại xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, đã góp phần tích cực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Sau buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi ếch thương phẩm tại xã Kim Long, huyện Châu Đức vào ngày 23/6/2015 vừa qua, chúng tôi có dịp tham quan mô hình nuôi ếch trong bể của hộ anh Ngô Văn Bài ở tổ 14, ấp Hưng Long, xã Kim Long.
Ngay từ đầu năm 2015, Quảng Xương (Thanh Hóa) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy hiệu quả khai thác, đầu tư mạnh cho phát triển hậu cần nghề cá; chỉ đạo các chủ đồng cải tạo đồng nuôi, tăng cường quản lý con giống, chuyển hướng theo hình thức nuôi đa con, đa thời vụ và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng và chế biến thủy sản, triển khai các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản; khuyến khích nâng cấp, cải tạo, đóng mới tàu khai thác xa bờ...
Những năm gần đây cua đồng trở thành món ăn ưa chuộng của người dân thành phố. Nhiều người dân các vùng quê Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… (Nghệ An) đổ xô đi bắt cua đồng và có khá nhiều điểm thu gom cua để đưa ra Hà Nội tiêu thụ.
Thông tin từ Sở Công thương TPHCM, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy hải sản Việt Nam sang các thị trường truyền thống như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ đang giảm mạnh.
Theo số liệu của của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhu cầu gỗ cứng của Trung Quốc không ngừng tăng, đặc biệt là gỗ cứng từ Mỹ.