Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hướng Đi Mới Trong Sản Xuất Lạc Ở Nghi Long (Nghệ An)

Hướng Đi Mới Trong Sản Xuất Lạc Ở Nghi Long (Nghệ An)
Ngày đăng: 30/11/2013

Nghi Long (Nghi Lộc - Nghệ An) là địa phương vốn có truyền thống trồng lạc thương phẩm, nhưng từ khi tham gia liên minh sản xuất và tiêu thụ lạc giống thuộc “dự án cạnh tranh nông nghiệp”, bà con ở đây không chỉ có thêm thu nhập mà mở ra hướng làm ăn mới.

Ông Lê Thanh Bình (chủ nhiệm HTX Dịch vụ NN và Điện năng xã Nghi Long) - một trong hai đối tác tham gia trong Liên minh sản xuất và tiêu thụ lạc giống xã Nghi Long cho biết: HTX được thành lập ngày 15/5/2010, với tổng số hộ tham gia HTX là 1.721 hộ, trong đó có 393 hộ tham gia liên minh. Diện tích tham gia là 30 ha, sản xuất giống lạc L26 trong hai vụ (vụ xuân 2012 và vụ xuân 2013).

Vụ sản xuất đầu tiên tham gia liên minh, bà con được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư sản xuất, đầu ra ổn định nên năng suất và sản lượng đạt khá. Bước sang năm 2013, do thời tiết diễn biến phức tạp, đầu vụ sản xuất mưa nhiều, rét đậm rét hại kéo dài, thời kỳ cây non bị chết nhiều, cuối vụ lại bị mưa tiểu mãn, nên năng suất giảm. Tuy nhiên, năng suất và sản lượng đều tăng khá so với kế hoạch (năng suất tăng 10 tạ/ha, sản lượng tăng 60 tấn), đầu ra thuận lợi, hiệu quả sản xuất kinh doanh của tổ chức nông dân tăng gấp 4 lần so với trước khi tham gia liên minh.

Liên minh sản xuất và tiêu thụ lạc giống xã Nghi Long được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 12/2011, giữa HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Điện năng xã Nghi Long và Tổng công ty CP VTNN Nghệ An. Sau khi tham gia Liên minh, doanh nghiệp đã trực tiếp mua bản quyền sản xuất và cung ứng giống lạc L26 từ Trung tâm Đậu đỗ thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam để sản xuất và cung cấp giống lạc cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Theo cam kết thì nông dân tham gia liên minh sản xuất và tự nguyện bán sản phẩm cho doanh nghiệp, còn doanh nghiệp đảm bảo thu mua cơ bản hết sản phẩm cho bà con với giá cao hơn thị trường 20%.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc chia sẻ: Nông dân Nghi Long đã có rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lạc thương phẩm nói chung, lạc giống nói riêng. Tuy nhiên, khi tham gia Liên minh, ngoài được dự án hỗ trợ một phần về vật tư sản xuất, máy móc thiết bị, bà con còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lạc giống L26 ngay từ đầu vụ do doanh nghiệp phối hợp tổ chức nên trình độ thâm canh được nâng lên và chủ động trong sản xuất. Điều đáng ghi nhận, hợp đồng mua bán sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân được ký sớm, nên bà con yên tâm đầu tư thâm canh, tổ chức sản xuất.

Và được huấn luyện về kỹ thuật chu đáo dẫn tới việc đầu tư thâm canh tốt hơn và chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao, đạt tiêu chuẩn làm giống để bán cho các địa phương trong tỉnh, thu nhập của các hộ dân cao hơn so với trước khi tham gia liên minh.

Với tổng số vốn hoạt động của toàn Liên minh là 4 tỷ 130 triệu 748 nghìn đồng, trong đó nguồn vốn tự có của tổ chức nông dân và doanh nghiệp là 2 tỷ 515 triệu 312 nghìn đồng và dự án hỗ trợ 1 tỷ 615 triệu 436 nghìn đồng. Qua 23 tháng hoạt động Liên minh đã tổ chức được 6 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lạc làm giống, kỹ năng quản lý tổ chức nông dân và doanh nghiệp, tổ chức 3 cuộc tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn về kỹ thuật gieo tồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản lạc làm giống. Nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp và kỹ năng sử dụng máy vi tính để tìm kiếm thông tin thị trường trên mạng...

Dự án cũng đã hỗ trợ cho tổ chức nông dân gần 1,2 tỷ đồng để mua sắm máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất như máy cày bừa, ô tô vận chuyển, máy bơm nước, giống, phân bón, nilon, thuốc BVTV... nhằm góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí hạ giá thành. Doanh nghiệp tham gia Liên minh cũng được hỗ trợ để nâng cao năng lực quản lý, tiếp nhận công nghệ cải thiện chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu bao bì đóng gói…

Sau 2 năm tham gia Liên minh, tổ chức sản xuất 60 ha lạc L26 làm giống, năng suất bình quân đạt 42 tạ/ha, sản lượng giống cả hai vụ đạt 252 tấn, tăng 60 tấn so với kế hoạch được phê duyệt. Doanh thu trên một đơn vị diện tích của tổ chức nông dân đã tăng 50,18% so với trước đó, lợi nhuận của doanh nghiệp tuy chưa đạt so với kế hoạch kinh doanh nhưng đã cao gấp 2 lần. Lợi nhuận của tổ chức nông dân và doanh nghiệp đã tăng từ 1 tỷ 365 triệu đồng lên 3 tỷ 681 triệu đồng, cao gấp gần 3 lần so với trước đây. Nông dân đã chuyển nhanh từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, có sự hỗ trợ của dự án, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, không phải bán qua trung gian, giá bán sản phẩm được nâng lên do chất lượng tốt hơn.

Như chia sẻ của ông Hoàng Công Hạnh (tổ sản xuất số 7): “Trước khi tham gia Liên minh, chúng tôi chủ yếu sản xuất lạc theo kinh nghiệm, bây giờ được tập huấn kỹ thuật, được đi tham quan, học tập, lại được Tổng công ty CP VTNN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên rất yên tâm để đầu tư”. Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, cũng đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm được thị trường tốt hơn, giảm được chi phí sản xuất.

Theo ông Lê Văn Lương - Phó BQL Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh, thì việc hình thành Liên minh sản xuất và tiêu thụ lạc giống xã Nghi Long đã tạo điều kiện nâng cao năng lực hợp tác liên kết giữa một tổ chức nông dân với một doanh nghiệp nông nghiệp cùng sản xuất, kinh doanh một loại nông sản hàng hóa, là cơ hội tiền đề cho việc hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở hướng đi mới cho sản xuất lạc ở nơi này.

Đây cũng là mô hình để các doanh nghiệp khác tham khảo, học tập, rút kinh nghiệm trong quá trình hình thành liên minh sản xuất mới hiệu quả, đồng thời giúp các cấp quản lý nhà nước có liên quan ban hành những chính sách phù hợp để thúc đẩy việc liên kết giữa doanh nghiệp và tổ chức nông dân, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi bò vỗ béo mô hình giảm nghèo hiệu quả Nuôi bò vỗ béo mô hình giảm nghèo hiệu quả

Những năm gần đây, mô hình nuôi bò vỗ béo ở huyện Vân Canh phát triển khá mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

27/10/2015
Xây dựng 60 cánh đồng có sự liên kết 4 nhà trong vụ Đông Xuân 2015-2016 Xây dựng 60 cánh đồng có sự liên kết 4 nhà trong vụ Đông Xuân 2015-2016

Ông Phạm Văn Chung, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: Vụ sản xuất Đông Xuân 2015-2016, Hoài Nhơn có kế hoạch xây dựng 60 cánh đồng lớn (CĐL).

27/10/2015
Mở hướng cho nghề muối Mở hướng cho nghề muối

Giảm công lao động, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập, tiêu thụ dễ dàng là những ưu điểm của phương thức sản xuất muối trải bạt được diêm dân trong tỉnh ứng dụng gần đây.

27/10/2015
Hàng ngoại đổ bộ vào thị trường Việt Hàng ngoại đổ bộ vào thị trường Việt

Không chỉ sản phẩm từ các thương hiệu lớn của Nhật và các nước châu Âu vốn đã khẳng định vị thế, mà các tên tuổi đến từ các nước ASEAN cũng đang “đổ bộ” mạnh mẽ vào thị trường Việt.

27/10/2015
VFA muốn thêm giống Japonica vào thương hiệu gạo Việt VFA muốn thêm giống Japonica vào thương hiệu gạo Việt

Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã ưu tiên chọn ba giống lúa gồm Jasmine, lúa thơm và nếp đặc sản để xây dựng thương hiệu.

27/10/2015