Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hướng Đến Chất Lượng

Hướng Đến Chất Lượng
Ngày đăng: 08/10/2014

Nâng tỷ lệ HTX khá, giỏi trong toàn tỉnh lên 70%; hạ tỷ lệ yếu kém xuống dưới 10% là mục tiêu cụ thể mà các địa phương, ngành chức năng muốn hướng đến từ nay đến năm 2016. Tuy nhiên, để HTX tồn tại và phát triển với chất lượng bền vững thì rất cần một “luồng gió mới” tiếp sức cho HTX.

HTX là cầu nối để bà con nông dân tiếp cận với chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; đồng thời là nơi tổ chức, giúp đỡ, tư vấn, hướng dẫn và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất cho xã viên, hộ nông dân. Trên thực tế, có nhiều HTX rất linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, biết dự đoán được tình thế, kịp thích ứng với thị trường,…

Tự chuyển đổi để thích ứng

Cũng để duy trì tổ chức, nhiều HTX nông nghiệp đã kiêm cả khâu “đầu ra - đầu vào”, ứng biến trước tình hình mới. HTX Thạnh Thắng, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh đã làm được điều này. Để tồn tại được gần 10 năm nay, HTX đã trải qua biết bao thăng trầm, chuyển đổi theo nhu cầu thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ HTX sản xuất khóm thông thường, nay các xã viên đã sản xuất được khóm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Vu Suổi, Giám đốc HTX đã mua xe tải để chở khóm của thành viên đi tiêu thụ. Hơn nữa, là “người lãnh đạo”, ông đã tìm mối tiêu thụ và đứng ra bao tiêu khóm với giá cố định và tạo được lòng tin với xã viên.

Tương tự, HTX Nông nghiệp - Nhân giống ấp 4, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ từ sản xuất lúa giống đã biết liên kết mở rộng thêm các loại hình dịch vụ, nâng cao thu nhập cho xã viên. Ông Phạm Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX cho biết: Để tăng thu nhập cho xã viên, HTX đã tính đến chuyện khép kín toàn bộ diện tích sản xuất lúa, bao gồm: bơm tưới, phân bón, cắt lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Ngoài ra, HTX còn làm dịch vụ thêm cho các hộ ngoài HTX để thu lời. Tính trung bình hàng năm, tổng thu của HTX luôn vượt 1 tỉ đồng, thu lãi từ 25-30%. Nếu chia đều cho 12 xã viên, khi đã trừ khấu hao, chi phí, ước tính mỗi người được từ 10-20 triệu đồng/năm.

Thực tế cho thấy, dù ở quy mô nhỏ hay lớn, nhưng khi HTX có năng lực điều hành, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (SXKDDV) phù hợp thực hiện chế độ kế toán, công khai, minh bạch, huy động được vốn nội tại thì hoạt động đạt hiệu quả. Như HTX Thủy sản Đại Thắng, ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, nhờ tổ chức hoạt động “bài bản”, cán bộ quản lý có năng lực nên đạt hiệu quả cao.

Hơn nữa, HTX tạo được lòng tin từ xã viên nên nuôi cá đạt chất lượng, gắn bó với tập thể. Nhờ lòng tin vững chắc, HTX huy động được nguồn vốn lưu động nội bộ với số tiền 800 triệu đồng, để phát triển các dịch vụ như mua máy hút bùn, trả lương cho 30 lao động của nghiệp đoàn thu hoạch cá...

Ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Đại Thắng, bộc bạch: “Nuôi cá cần nhiều thức ăn mà mua từ công ty cấp 2 phải mất thêm một khoản chi phí. Nghĩ đến đó, tôi đi thẳng đến công ty phân phối ký hợp đồng trực tiếp để mua thức ăn, thuốc thủy sản, phần lợi nhuận dư ra, cuối năm chia lại cho thành viên có góp cổ phần”. Hơn 2 năm qua, số tiền lãi xã viên được chia cổ phần từ cung ứng thức ăn ít nhất là 10 triệu đồng/người/năm.

Thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Văn Biên cho hay: Lâu nay, mặc dù có các chính sách hỗ trợ cho HTX, nhưng do điều kiện địa phương còn khó khăn nên việc thực hiện còn hạn chế. Tuy nhiên, cũng có nhiều HTX hoạt động có hiệu quả nhờ biết tự thân vận động, thích ứng với thị trường để tồn tại và phát triển.

Còn đối với các HTX yếu kém nhưng còn khả năng phục hồi thì Liên minh HTX tỉnh sẽ làm việc với chính quyền địa phương để thống nhất chủ trương củng cố. HTX nào yếu kém, xã viên không còn mặn mà, sẽ hướng dẫn giải thể. Mới đây, chúng tôi đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016”, định hướng đến năm 2020 để góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng HTX, làm cơ sở để tổ chức lại, liên kết các thành viên, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho thành viên.

Theo đề án này, HTX sẽ được hỗ trợ nhiều mặt để củng cố tổ chức và hoạt động theo hướng SXKDDV tổng hợp. Liên minh HTX tỉnh có cơ chế thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi thiết thực cho HTX, như: đào tạo, bồi dưỡng, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học và công nghệ mới.

Đặc biệt, thông qua đề án, các HTX có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao đất để xây dựng trụ sở HTX.

Mới đây, Liên minh HTX tỉnh cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra đến 10 HTX tiêu biểu trong toàn tỉnh để nắm bắt tâm tư cũng như khó khăn để hỗ trợ, tiếp sức cho HTX phát triển lên loại hình mới: HTX điển hình tiên tiến. Các HTX được chọn là những tập thể sản xuất sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao của tỉnh như lúa, mía, khóm, thủy sản,…

“Kỳ vọng lớn nhất của Ban chủ nhiệm đề án nói riêng, UBND tỉnh nói chung là sẽ tạo được mô hình KTTT thực sự chất lượng, giảm tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương”, ông Biên chia sẻ.

Còn ông Huỳnh Thành Hữu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Ở cấp độ ngành nông nghiệp, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho HTX nông nghiệp về kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi và nâng cao chuyên môn về quản lý điều hành, phương án kinh doanh để tăng chất lượng các mặt hàng nông sản có thế mạnh cạnh tranh của tỉnh.

Ngoài ra, đề xuất với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ các HTX vay vốn để kích thích họ kinh doanh, phát triển quy mô sản xuất. Đặc biệt, sẽ không ngừng quan hệ các tỉnh bạn để tăng cường xúc tiến thương mại, tìm đầu ra các sản phẩm của HTX tại các hội chợ, hội thảo,…


Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu tôm năm 2015 dự kiến giảm hơn 1 tỉ đô la Mỹ Xuất khẩu tôm năm 2015 dự kiến giảm hơn 1 tỉ đô la Mỹ

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam vừa điều chỉnh giảm mức dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2015 xuống còn khoảng 2,9 tỉ đô la Mỹ, tức là giảm đến hơn 1 tỉ đô la Mỹ so với năm 2014 và giảm 300 triệu đô la Mỹ so với mức dự báo mà VASEP đưa ra vào đầu tháng 7-2015.

30/10/2015
Hướng đi của nghề nuôi vịt ở ĐBSCL an toàn sinh học Hướng đi của nghề nuôi vịt ở ĐBSCL an toàn sinh học

Vịt là đối tượng nuôi truyền thống ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gắn liền với hệ thống canh tác lúa nước. Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ nên nghề này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

30/10/2015
Giá giống ngô chuyển gen đắt hơn ngô thường Giá giống ngô chuyển gen đắt hơn ngô thường

Đại diện công ty Dekalb Việt Nam cho biết, nông dân Việt Nam sẽ chính thức tiếp cận giống ngô chuyển gen mang tên Dekalb® Genuity®.

30/10/2015
Người bị nho ám ảnh Người bị nho ám ảnh

Dân trồng nho ở Ninh Thuận hay nhắc đến cái tên “Sáu Lang nho giống”. Lão nông này tên thật là Nguyễn Thường Lang (ngụ khu phố 2, phường Mỹ Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận), được xem là người đầu tiên đưa giống nho ghép về địa phương hơn 15 năm trước.

30/10/2015
Không loại bỏ chất cấm người chăn nuôi sẽ tự giết mình Không loại bỏ chất cấm người chăn nuôi sẽ tự giết mình

Năm 2015, nuôi heo ở các tỉnh phía Nam diễn ra tình trạng sử dụng chất tạo nạc gọi chung là chất cấm trong chăn nuôi heo. Điều này khiến người tiêu dùng mất lòng tin đối với sản phẩm thịt heo trong nước.

30/10/2015