Hướng dẫn biện pháp quản lý bệnh lùn sọc đen hại lúa Mùa
Bệnh lùn sọc đen gây thiệt hại nặng cho sản xuất lúa vụ Mùa 2009 và vụ Mùa 2017. Nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng được tích lũy trong vụ Xuân 2018 chuyển sang vụ Mùa kết hợp với thời tiết nắng - mưa xen kẽ tạo nguy cơ cao tái bùng phát dịch bệnh trong vụ Mùa 2018.
Để hạn chế tác hại do bệnh lùn sọc đen gây ra trong vụ Mùa 2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn biện pháp quản lý bệnh lùn sọc đen như sau:
I. NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI
1. Nguyên nhân
Bệnh lùn sọc đen do virus Southern Rice Black-Streaked Dwarf Virus (SRBSDV), thuộc phân nhóm 2, nhóm Fijivirus, họ Reoviridae gây ra; môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng (Sogatella furcifera), truyền bệnh theo kiểu bền vững tích lũy.
2. Triệu chứng
- Giai đoạn mạ: Triệu chứng rất khó phát hiện, thường chỉ xuất hiện triệu chứng thấp lùn, còi cọc và xanh đậm.
- Giai đoạn lúa đẻ nhánh: Cây lúa xanh đậm và thấp lùn; một số lá xoắn đầu lá hoặc xoắn lá, rách mép lá. Mặt dưới lá có thể xuất hiện các u sáp nổi gồ chạy dọc đứt đoạn theo gân lá. Các u sáp trắng thường được quan sát thấy rõ hơn ở dọc gân lá chính và bẹ lá. Một số dảnh lúa xuất hiện các nhánh phụ mọc lên từ đốt thân và có nhiều rễ bất định tại gốc nhánh phụ.
- Giai đoạn phân hóa đòng: Các triệu chứng như mô tả ở giai đoạn đẻ nhánh nhưng biểu hiện điển hình hơn, cây thấp lùn khác biệt rõ ràng với cây lúa khỏe. Gân bẹ lá nổi rõ, phiến lá bắt đầu chuyển vàng, khô đầu lá sau đó các vết gỉ sắt, đốm nâu xuất hiện trên lá. Khi cây lúa vươn lóng, một số lóng sát gốc có thể xuất hiện triệu chứng u sáp trắng nổi gồ và chạy dọc lóng thân phía sát gốc, ra nhiều rễ mọc ngược ở đốt thân. Rễ bắt đầu bị hủy hoại, thối đen, có thể nhổ cả khóm lúa lên rất dễ dàng; nhìn mặt ruộng thấy nhấp nhô, lồi lõm.
- Giai đoạn lúa trỗ bông: Những khóm lúa bị nhiễm bệnh sớm sẽ thối rễ từ giai đoạn phân hóa đòng và bị lùn, lụi; những khóm lúa bị nhiễm bệnh muộn hơn có hiện tượng trỗ nghẹn đòng (lá đòng bị gập, xoắn, ngắn) hoặc không trỗ thoát; những bông trỗ thoát nhiều hạt bị lép đen. Các u sáp trên lóng thân chuyển từ màu trắng sang màu nâu, đen; mặt dưới lá, bẹ lá nổi rõ các nốt sần. Những dảnh nhiễm bệnh muộn sẽ biểu hiện các triệu chứng giống như giai đoạn đẻ nhánh ở trên các lá phía trên, nhất là lá đòng.
3. Đặc điểm phát sinh gây hại và phương thức lan truyền
3.1. Đặc điểm phát sinh gây hại
- Rầy lưng trắng mang virus trong cơ thể di trú đến truyền virus cho mạ, lúa ngay từ đầu vụ. Sau một thời gian ủ bệnh trong cây lúa mới biểu hiện triệu chứng bệnh (từ 10-30 ngày tùy tuổi cây lúa lúc bị nhiễm virus). Trong vụ Xuân nhiệt độ thấp nên cây lúa biểu hiện triệu chứng bệnh ít hơn; thời gian ủ bệnh trong cây lúa cũng dài hơn (khoảng 30 ngày) so với vụ Mùa (khoảng 12 ngày).
- Trên đồng ruộng, biểu hiện triệu chứng bệnh rõ nhất khi lúa ở giai đoạn phân hóa đòng - trỗ. Diện tích nhiễm bệnh sẽ tăng rất nhanh ở giai đoạn này. Lúa bị nhiễm bệnh càng sớm (mạ, lúa hồi xanh - bắt đầu đẻ nhánh) sẽ biểu hiện triệu chứng sớm hơn và càng bị hại nặng; tỷ lệ bệnh càng cao nguy cơ mất năng suất càng lớn.
3.2. Phương thức lan truyền
Sơ đồ truyền bệnh lùn sọc đen của rầy lưng trắng
- Đầu vụ, rầy lưng trắng nhiễm virus do chích hút nhựa từ cây lúa, cỏ bị bệnh rồi di trú đến ruộng mạ, ruộng lúa mới gieo cấy sinh sống. Rầy tiếp tục chích hút nhựa cây và truyền virus cho cây mạ, cây lúa.
- Ký chủ phụ: Lúa chét, ngô, cỏ lồng vực nước (Echinochloa crusgalli), cỏ đuôi phượng (Leptochloa chinensis), cỏ đuôi voi (Pennisetum flaccidum), lác muộn (Juncellus serotinus), cỏ lục lông (Chloris barbata), cỏ mần trầu (Eleusine indica) cũng có thể là nguồn bệnh từ đó lan truyền virus.
- Một số đặc điểm lan truyền bệnh:
+ Cả rầy non và trưởng thành đều truyền được virus gây bệnh lùn sọc đen.
+ Rầy lưng trắng chỉ cần chích hút cây lúa bị bệnh một lần là có thể mang nguồn bệnh, sau thời gian ủ bệnh trong cơ thể (khoảng 10 ngày) thì rầy truyền bệnh cho đến khi chết.
+ Rầy lưng trắng cánh dài nguy hại hơn rầy lưng trắng cánh ngắn vì chúng có khả năng phát tán, di chuyển xa làm lan truyền bệnh trên diện rộng.
+ Rầy lưng trắng có khả năng truyền virus lùn sọc đen từ lúa (kể cả lúa chét) sang lúa; từ cây cỏ ký chủ phụ sang lúa và ngược lại; từ lúa sang ngô nhưng chưa có ghi nhận rầy lưng trắng truyền bệnh từ ngô sang lúa.
+ Virus gây bệnh lùn sọc đen không lây truyền được qua trứng rầy lưng trắng, hạt giống, đất, nước, không khí, vết thương cơ giới và cũng không truyền được từ cây bệnh sang cây khỏe nếu không có rầy lưng trắng làm môi giới truyền bệnh.
+ Các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa đều có thể bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên mẫn cảm nhất là từ giai đoạn mạ đến giai đoạn đẻ nhánh rộ, cây lúa bị nhiễm bệnh ở giai đoạn này sẽ bị giảm năng suất nghiêm trọng hoặc mất trắng nhưng nhiễm bệnh ở giai đoạn đứng cái trở đi thiệt hại nhẹ hơn.
II. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ BỆNH LÙN SỌC ĐEN
1. Vệ sinh đồng ruộng: Làm đất khẩn trương ngay sau khi thu hoạch lúa Xuân; hạn chế việc gặt lửng và cày vặn rạ. Thực hiện cày bừa kỹ, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt lúa chét, cỏ dại…để hạn chế nguồn bệnh lùn sọc đen.
2. Bố trí thời vụ, cơ cấu
- Thực hiện phương châm gieo cấy càng sớm - càng tốt, phấn đấu gieo cấy xong trước ngày 20/7. Không gieo sạ (kể cả sạ hàng, sạ vãi). Những chân ruộng thấp, trũng phải gieo mạ dược để giảm thiểu tình trạng ngập úng sau cấy.
- Không sử dụng giống lúa nhiễm nặng rầy lưng trắng, nhất là giống Bắc thơm số 7. Sử dụng giống thuần chất lượng cao (như: BC 15, Nếp 97, Kim Cương 111, Thiên ưu 8...) để thay thế cho giống Bắc thơm 7. Không sử dụng giống có phẩm cấp chất lượng thấp. Tuyệt đối không sử dụng thóc thịt để làm giống.
3. Bảo vệ mạ, lúa mới cấy
- Thường xuyên thu thập, giám định mẫu rầy lưng trắng, mẫu lúa.
- Tăng cường điều tra định kỳ và bổ sung, rà soát diễn biến mật độ rầy để chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
- Xử lý toàn bộ hạt giống lúa bằng thuốc BVTV khi hạt ủ đã nứt nanh để chống rầy xâm nhập, lây truyền bệnh lùn sọc đen cho cây mạ. Sử dụng các thuốc: Kola 600FS; Cruiser plus 312,5FS; Gaucho 600FS; Sakura 40WP...để xử lý hạt giống
Cách xử lý hạt giống:
+ Hạt giống được ngâm, ủ bình thường cho đến khi hạt nứt nanh; trước khi gieo 12-24 giờ thì xả chua, để ráo nước rồi tiến hành xử lý hạt giống;
+ Đổ hạt giống lên tấm nilon đã phủ trên nền phẳng;
+ Tưới hoặc phun đều lượng nước thuốc đã pha theo hướng dẫn lên hạt giống;
+ Trộn đều nước thuốc với hạt giống, sau đó đem ủ cho đến khi mộng có thể gieo được.
- Không gieo mạ ven đường giao thông, nơi có nguồn sáng mạnh sẽ thu hút rầy lưng trắng đến truyền bệnh.
- Phun thuốc trừ rầy nội hấp trước khi đưa mạ ra ruộng cấy từ 2-3 ngày.
- Khi phát hiện bệnh lùn sọc đen trên ruộng mạ thì tiến hành tiêu hủy toàn bộ, gieo mạ khác thay thế.
4. Biện pháp canh tác
- Thâm canh cân đối, hợp lý, không lạm dụng phân đạm, không bón phân lai nhai, không bón phân đạm muộn; tăng cường sử dụng phân hỗn hợp NPK. Tận dụng tối đa các nguồn phân hữu cơ để bón lót thay thế một phần lượng phân vô cơ, nhất là ở những chân đất nhiễm chua, phèn, mặn.
- Áp dụng biện pháp kỹ thuật “Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI)”, “3 giảm 3 tăng”; không phun thuốc kích thích sinh trưởng khi lúa đã bị bệnh.
5. Trừ rầy lưng trắng và tiêu hủy nguồn bệnh
- Ngay từ khi gieo mạ hoặc cấy lúa: Nếu phát hiện rầy lưng trắng lưu trú mang virus gây bệnh lùn sọc đen cần phải phun thuốc trừ rầy ngay để hạn chế lây truyền bệnh.
- Giai đoạn lúa đẻ nhánh: Tiếp tục kiểm tra, nếu phát hiện rầy lưng trắng non (rầy cám) thì phun thuốc khi rầy lưng trắng đa số ở tuổi 1-3 để hạn chế số lượng môi giới lan truyền bệnh. Tổ chức phun trừ triệt để rầy lứa 4 từ cuối tháng 7 - đầu tháng 8 (lứa quan trọng nhất).
* Tiêu hủy cây lúa bị bệnh: Thăm ruộng thường xuyên để phát hiện và nhổ tỉa tiêu hủy ngay các khóm, dảnh lúa bị bệnh (vùi xuống bùn). Ruộng lúa giai đoạn trước đứng cái có trên 30% số dảnh lúa bị bệnh thì tiến hành tiêu hủy ngay cả ruộng bằng cách cày vùi diệt mầm bệnh; trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy lưng trắng (nếu có) để ngăn chặn nguồn bệnh phát tán sang ruộng khác. Chỉ cấy lại nếu còn kịp lịch thời vụ do cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương quy định.
- Giai đoạn lúa đứng cái trở đi: Những ruộng, khu vực đã phát hiện rầy lưng trắng mang virus cần phun trừ thì phải phun thuốc khi rầy cám lứa kế tiếp nở rộ. Những ruộng, khu vực còn lại thường xuyên tổ chức điều tra, khoanh vùng, chỉ đạo phun thuốc trừ rầy lưng trắng những nơi có mật độ từ 1.000 con/m2 trở lên (đối với lúa trước trỗ) hoặc có mật độ từ 2.000 con/m2 trở lên (đối với lúa sau trỗ) khi rầy đa số tuổi 1-3 (rầy lứa 5 nở rộ cuối tháng 8 - đầu tháng 9). Lựa chọn bộ thuốc có hiệu lực trừ rầy cao và ít ô nhiễm môi trường. Thường xuyên kiểm tra, nhổ vùi dảnh, khóm lúa bị bệnh.
* Tiêu hủy cây lúa bị bệnh: Trường hợp ruộng lúa bị bệnh ở mức độ nhẹ và rải rác thì tiến hành nhổ và tiêu hủy cây lúa, khóm lúa bị bệnh; phun thuốc trừ rầy lưng trắng (nếu có) để hạn chế lây lan nguồn bệnh sang ruộng khác. Trường hợp ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất thì phải tiêu hủy bằng cách cày vùi cả ruộng, trước khi cày phải phun thuốc trừ rầy lưng trắng (nếu có) để hạn chế lây lan nguồn bệnh sang ruộng khác.
Có thể bạn quan tâm
Đây là nguyên nhân làm cho ruộng lúa không bằng phẳng, có nhiều tầng và năng suất giảm đáng kể so với ruộng không bị nhiễm.
Giống Đài Thơm 8 của SSC đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận từ 1- 5 vụ. Qua theo dõi cho thấy, giống này có những đặt tính rất tốt.
Khi bệnh mới phát sinh, ngọn lá lúa biến thành vàng đỏ, khô từ chóp lá lan dần xuống dưới, thân yếu, lá có khuynh hướng dựng đứng