Hương Cà Phê Bay Xa
Tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với hướng phát triển đúng đắn, cây cà phê đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng giúp cuộc sống của người dân Mường Ảng ngày một khởi sắc.
Sau cơn mưa “vàng” trung tuần tháng 3, đứng trên đỉnh đèo Tằng Quái nhìn xuống thung lũng Mường Ảng là một màu xanh ngút ngàn. Cơn mưa như tiếp sức cho cây cà phê phát triển nhanh, lá xanh non mỡ màng sau bao ngày nắng hạn. Đó là niềm vui khôn tả của người trồng cà phê bởi đó cũng là tín hiệu một mùa cà phê nặng quả thơm hương.
Với người Điện Biên nói chung và Mường Ảng nói riêng, cà phê không phải là loài cây mới như cao su hay mắc ca, bởi sự hiện diện của loài cây này ở Mường Ảng đã khoảng sáu mươi năm có lẻ. Trải qua bao biến cố thăng trầm, chục năm trở lại đây, cà phê mới thực sự trở thành cây mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo, giúp nông dân Mường Ảng làm giàu trên chính đồng đất quê hương.
Xác định cà phê là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, huyện Mường Ảng đã khuyến khích người dân phát triển cây cà phê theo quy hoạch.
Là người tâm huyết và gắn bó với cây cà phê, trong câu chuyện với chúng tôi, ông Hà Văn Quân, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng liệt kê từng con số “biết nói” như để minh chứng cho sự đổi thay không chỉ đơn thuần về diện tích mà còn là sự hồi sinh, đổi đời của người nông dân một nắng hai sương đi lên, làm giàu từ cà phê: Khi huyện Mường Ảng được thành lập (tháng 4/2007), toàn huyện chỉ có 388ha cà phê, trong đó diện tích chủ yếu là do Công ty Cây công nghiệp Điện Biên quản lý, giao khoán cho công nhân.
Diện tích trồng mới hàng năm chẳng đáng là bao (chỉ đạt 20 – 40ha/năm). Xác định cà phê là cây “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế của huyện, Mường Ảng đã có nhiều giải pháp thúc đẩy mở rộng diện tích trồng mới cũng như khuyến khích người dân phát triển cà phê theo quy hoạch. Ngoài thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người nông dân từ cây giống, phân bón, bà con được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất, chế biến sản phẩm sau thu hoạch…
Đến nay, toàn huyện có trên 2.000 hộ tham gia trồng cà phê, với vùng cà phê sản xuất hàng hóa trên 3.300ha (trong đó, trên 1.600ha giai đoạn kinh doanh). Năng suất trung bình đạt 2,5 - 3 tấn cà phê trấu/ha, doanh thu hàng năm từ cà phê vài chục tỷ đồng.
Với sự năng động, nhạy bén, không ít gia đình ở Mường Ảng đã lai tạo, tuyển chọn giống cà phê mới cho năng suất, sản lượng cao vào trồng mới. Anh Nguyễn Ngọc Tứ, chủ vườn cà phê hơn 5ha ở bản Co Sáng, xã Ẳng Cang cho biết: Cuối năm 2007, tôi phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Nông - Lâm nghiệp Tây Bắc lai ghép gốc cà phê chè Catimor với chồi cà phê Tây Nguyên 1, Tây Nguyên 2 để tạo giống cà phê ghép TN1, TN2.
Đến nay, giống cà phê lai ghép này đem lại hiệu quả rõ rệt so với giống cà phê chưa được lai tạo, với những ưu điểm: sử dụng cây giống ít hơn, kháng sâu bệnh tốt, khỏe cành, tán rộng mà đặc biệt hơn là cà phê lai ghép cho quả to, vỏ mỏng, tỷ lệ hạt đều; năng suất cao hơn từ 3 - 5 tấn quả tươi/ha so với giống cà phê truyền thống; đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chí để xuất khẩu.
Là doanh nghiệp điển hình trong sản xuất và chế biến cà phê ở Mường Ảng, ông Phùng Bá Năm, Giám đốc Công ty TNHH Đại Bách cho biết: Ngoài tập trung chăm sóc hơn 40ha cà phê, phần lớn là giai đoạn kinh doanh, cuối năm 2013, tôi quyết tâm đầu tư thử nghiệm một máy sấy với công suất 4,5 - 5 tấn/ngày vừa chủ động chế biến cà phê vườn nhà và thu mua sản phẩm cho bà con.
Với mục tiêu hướng sản phẩm ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường châu Âu, thời gian tới doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp ở Tây Nguyên để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm; đồng thời thử nghiệm sản xuất loại cà phê mật ong – “đặc sản” mới, tạo điểm nhấn cho cà phê Mường Ảng.
Để cà phê thực sự trở thành cây mũi nhọn, cây chủ lực trong phát triển kinh tế, huyện Mường Ảng sẽ phát triển cà phê thuộc vùng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, với tổng diện tích trên 4.000ha (trong đó, trên 90% diện tích trồng ở cao độ 500 - 800m so với mực nước biển).
Tiếp tục tổ chức phát triển sản xuất theo 2 hình thức là cà phê đại điền và tiểu điền. Trong đó, chủ yếu là phát triển cà phê đại điền, chú trọng đến việc áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn (Cà Mau) đã hoàn thiện các thủ tục điều kiện đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể đối với thương hiệu cua Năm Căn.
Tại khuôn khổ Festival Thủy sản 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổng Cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên tổ chức Diễn đàn Khuyến nông-Nông nghiệp “Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh duyên hải miền Trung”.
Qua 4 vụ nuôi luân canh sò huyết thử nghiệm trong ao tôm sú 0,5 ha, anh Võ Văn Theo ở ấp Cồn Cù, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đạt lợi nhuận từ 80 đến 100 triệu đồng/vụ.
Đoàn công tác Trung ương do ông Trần Xuân Châu - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa đến khảo sát mô hình liên kết sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Sau những lo ngại về an toàn thực phẩm, nhu cầu rau sạch với người dân thành phố ngày càng cao. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều ý tưởng kinh doanh đã ra đời.