Hốt Bạc Từ Hươu, Nai
Nghề nuôi hươu, nai ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã có từ hơn 20 năm nay. Nhiều người dân đã làm giàu từ nghề này.
“Có thời điểm gia đình tôi nuôi trên 30 con hươu nai. Mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục con giống mà vẫn không đủ, lại còn làm đại lý cung ứng nhung hươu, nai cho khách hàng đưa về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ”- ông Nguyễn Tiến Chương - chủ trang trại hươu, nai ở ấp 3, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cho biết.
Mỗi người một con, góp thành làng nghề
Ông Phạm Hồng Sơn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hiếu Liêm nhớ lại ngày mới vô vùng đất mới cặp con sông Đồng Nai: “Hồi ấy, Hiếu Liêm toàn rừng già và nham nhở hố bom đìa. Năm 1989, ông Nguyễn Danh An - Giám đốc Lâm trường ra tận huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh động viên được 7 hộ có nghề nuôi hươu, trong đó có tôi mang mỗi hộ một con hươu vô Hiếu Liêm lập nghiệp. Giá một con hươu giống lúc ấy tương đương 4 chỉ vàng, nhưng đó là cả tài sản của mỗi gia đình”.
Từ 7 chú hươu ban đầu, sau 23 năm, Hiếu Liêm hình thành làng nghề nuôi hươu, nai độc nhất vô nhị ở miền Nam. Theo số liệu của UBND xã Hiếu Liêm, đến cuối năm 2011, toàn xã đã có vài trăm hộ nuôi nai, hươu với số lượng 947 con.
Nhiều người đã làm giàu từ nghề này, điển hình là gia đình ông Nguyễn Đình Châu. Từ một con nai ban đầu được nuôi từ năm 1990 bằng số vốn vay, đến nay trại hươu, nai của ông đã có 50 con, trong đó có 13 con hươu và 37 con nai. Chỉ riêng đàn nai, mỗi năm cũng cho ông Châu thu nhập trên 400 triệu đồng.
Hay như gia đình ông Chương với đàn hươu, nai trên 30 con, hàng năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Theo ông Châu và ông Chương, việc nuôi hươu, nai từ 20 con trở lên mới phải cần đến một lao động chuyên để chăm sóc, còn khi nuôi dưới mức này đa số sử dụng thời gian nhàn rỗi. Đây cũng chính là đặc điểm để nhiều người dân ở Hiếu Liêm vượt qua được khó khăn nhờ vào tiền dành dụm từ việc nuôi hươu, nai.
Con giống và nhung lên cơn “sốt” giá
Do hươu, nai dễ làm giàu đã tạo ra phong trào chăn nuôi không chỉ ở xã Hiếu Liêm, mà còn lan tỏa ra các huyện và tỉnh khác như huyện Trảng Bom, Long Thành, tỉnh Đồng Nai và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu. Hầu hết các nơi này đều đến xã Hiếu Liêm tìm mua con giống, từ đó đã đẩy giá con giống tăng mạnh.
Ông Phan Đình Lâm - Đội phó Đội bảo vệ Nhà máy Thủy điện Trị An tọa lạc trên địa bàn xã Hiếu Liêm, cho biết: “Năm 2010, tôi mua 2 cặp nai giống hết có 26 triệu đồng, nay phải 44 triệu mới mua nổi”. Anh Nguyễn Đình Bình - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã cho hay, từ cuối năm 2010, giá nai đã bắt đầu lên cơn “sốt”, cho đến cuối năm 2011, giá đã tăng gấp đôi mà còn không có để mua.
Không chỉ con giống “sốt” giá, mà giá nhung hươu, nai cũng tăng mạnh. Ông Nguyễn Tiến Chương - người cắt nhung hươu, nai có tiếng của tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Nhung hươu khách mua tận mắt nhìn trên đầu con vật rồi mới cắt từ Tết đến nay có giá tới 20 triệu đồng/kg, với nai là 12 triệu đồng/kg, tăng từ 30 – 50% so với thời điểm bình thường. Còn mua trong tủ lạnh, con số này là 16 triệu đồng và 9,5 triệu đồng/kg”. Theo ông, sở dĩ giá nhung tăng cao do nhung hươu, nai là chất bổ dưỡng cao, có công dụng chống lão hóa cho người cao tuổi và đề kháng một số bệnh nan y, trong khi nghề chăn nuôi con vật hoang dã này vẫn chưa phổ biến rộng rãi.
“Điều quan trọng là làm sao ổn định bền vững giá con giống để người nghèo cũng có thể vay vốn ngân hàng chăn nuôi hươu, nai sớm xóa nghèo từ con vật rất dễ nuôi này” - ông Chương mong muốn.
Related news
Chính nhờ chịu khó biết ứng dụng khoa học kỹ thuật và năng động trong kinh doanh, ông Hồ Ngọc Vân trở nên khá giả khi lập nghiệp trên vùng đất mới. Với mô hình ương tôm giống, nhiều năm nay mỗi năm ông thu lãi gần 400 triệu đồng.
Nuôi cua thương phẩm đang được nhiều hộ dân trong tỉnh áp dụng nhờ lợi nhuận tương đối ổn định. Ưu điểm của mô hình này vốn đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi dễ áp dụng, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương.
Người nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang phải đối diện với tình trạng thua lỗ nặng vì tôm chết và rớt giá. Hiện nay, ở nhiều vùng tôm như: Ninh Hà, Ninh Lộc… diện tích đìa thả nuôi rất ít.
Đồng Tháp sẽ đưa ra khỏi quy hoạch gần 700 ha vùng nuôi do không đáp ứng tiêu chí. Trong 5 ngành hàng chủ lực mà tỉnh Đồng Tháp lựa chọn để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì ngành hàng cá tra đóng vai trò khá quan trọng.
Tiết kiệm nhiên liệu, tăng giá bán sản phẩm, làm cầu nối giữa đất liền và tàu khai thác thủy sản xa bờ là ưu thế của tàu dịch vụ hậu cần. Nhưng, hiện nay số lượng tàu dịch vụ hậu cần thủy sản của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chưa đáp ứng đủ năng lực đánh bắt.