Hợp tác xã lúa gạo chuyên biệt
Hàng chục nghìn tấn lúa/vụ bà con nông dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) sản xuất ra nếu không phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi thì cũng bán với giá bèo bọt, thậm chí có những năm lúa bị sâu mọt ăn hết vì không có thương lái thu mua.
Bài toán giúp dân được mùa, được giá nay đã có lời giải giải với sự ra đời của HTX thương mại, dịch vụ chế biến nông sản Đức Lâm.
Cuối vụ sản xuất ĐX 2015, mảnh đất quê hương cố Tổng Bí thư Trần Phú nhộn nhịp hẳn lên. Hàng chục đầu mối của HTX thương mại, dịch vụ chế biến nông sản Đức Lâm (HTX Đức Lâm) tỏa ra các xã, phường, thị trấn, thậm chí đến các huyện trong tỉnh như Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà…thu mua lúa cho bà con nông dân.
Còn chủ nhiệm HTX Nguyễn Thị Châu mồ hôi nhễ nhại cho biết, HTX Đức Lâm tiền thân là một cơ sở thu mua nông sản nhỏ do chị lập nên. Thời kỳ ấy, năng suất lúa ở Đức Thọ bình quân chỉ đạt 1,5 – 2 tạ/sào, giá lúa 350đ/kg nên hiệu quả kinh tế rất thấp.
Chị Châu cũng xuất thân từ gia đình nông dân, gắn bó nhiều năm với đồng ruộng nên yêu hạt lúa, củ khoai lúc nào không hay. Với mong muốn “cắt” cái nghèo đeo bám từ đời ông bà, cha mẹ, năm 1998 chị bắt đầu kinh doanh lúa gạo.
“Bước đầu tôi vay mượn ngân hàng, anh em bạn bè 50 triệu đồng đầu tư một máy xay xát công nghiệp nhỏ. Sử dụng xe đạp, xe máy thu gom lúa từ các hộ dân trong huyện về xay xát rồi nhập cho các đại lý trong tỉnh.
Được 5 năm, nhận thấy thị trường lúa gạo có tiềm năng tôi đầu tư thêm hệ thống máy liên hoàn, xây dựng kho bãi, nâng công suất tiêu thụ lên 300 – 400 tấn lúa/năm”, chị Châu nói.
Dù đã nâng công suất lên nhưng lượng lúa bà con sản xuất ra còn tồn đọng quá lớn nên tháng 2/2012 chị kêu gọi một số hộ xay xát nhỏ trong thôn thành lập nên HTX Đức Lâm với số vốn điều lệ 2 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, tổng mức đầu tư của HTX đã lên con số 7 tỷ đồng với 3 xe ô tô tải; nhà xưởng, nhà kho; 2 dàn máy liên hoàn công suất 30 tấn/ngày đêm. “Tôi dồn hết tâm huyết vào HTX là vì tôi yêu nghề này, muốn giúp nông dân tăng thêm thu nhập từ hạt lúa. Và hơn hết tôi thấy nghề này bền vững”, chị Châu nhấn mạnh.
Được biết, HTX Đức Lâm là HTX đầu tiên ở Đức Thọ tiêu thụ nông sản cho bà con. Hiện công suất tiêu thụ bình quân mỗi năm đạt từ 7 – 8 nghìn tấn. Riêng huyện Đức Thọ chiếm 50%, còn lại thu mua từ các huyện khác trong tỉnh và tỉnh Quảng Bình.
Hình thức hoạt động của HTX là ký hợp đồng với HTX nông nghiệp của các xã và thu mua tự do. Sau khi ký hợp đồng, nông dân có thể toàn tâm toàn ý sản xuất mà không lo đầu ra của sản phẩm.
HTX Đức Lâm cam kết thu mua giá lúa cao hơn thị trường 5-7%. Ví dụ, vụ ĐX 2015 lúa Bắc Thơm số 7 thương lái thu mua 6.700đ/kg, trong khi đó HTX mua 7.200đ/kg; giống Xi 23, giá trị trường 5.600đ/kg, HTX mua 6.000đ/kg; giống P6, giá thị trường 6.200đ/kg, HTX thu mua 6.500đ/kg…
Chị Nguyễn Thị Huyền, xã Đức Long, huyện Đức Thọ phấn khởi cho biết, hơn 3 năm trước 5 sào lúa của gia đình sản xuất ra chủ yếu phục vụ chăn nuôi vì bán giá quá thấp. Nhưng từ khi HTX Đức Lâm ký hợp đồng thu mua lúa cho bà con thì vụ nào cũng ổn định thu nhập trên dưới 10 triệu đồng.
“Số tiền đó trừ chi phí cũng lãi được gần một nửa. Với nông dân chúng tôi như vậy là tốt lắm rồi. Hi vọng HTX Đức Lâm sẽ tiếp tục đồng hành với bà con trong nhiều năm tới”, chị Huyền nói.
Theo chị Nguyễn Thị Châu, những năm gần đây việc chính quyền địa phương tập trung dồn điển đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn 50 ha trở lên cùng làm một giống lúa ở một số xã như Đức Lâm, Đức Dũng, Trung Lễ… không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn tạo điều kiện thu mua dễ dàng hơn cho HTX.
Sau 4 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Đức Thọ có 3/27 xã về đích NTM; 10 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 14 xã đạt 7 - 9 tiêu chí; trung bình mỗi xã đạt 10,5 tiêu chí. Toàn huyện xây dựng được 435 mô hình sản xuất, kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm; thành lập mới 75 doanh nghiệp; 43 HTX và 107 THT. Tổng nguồn vốn huy động từ khi bắt tay thực hiện Chương trình đến nay đạt trên 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn tín dụng 49,68 tỷ, doanh nghiệp hơn 69 tỷ đồng; con em xa quê đóng góp 128 tỷ đồng; nhân dân góp và nguồn khác hơn 237 tỷ đồng... |
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng kinh doanh mặt hàng lúa gạo đang đứng trước rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi rất muốn giúp đỡ bà con nhưng lúa gạo không giống xăng dầu, mua vào rồi bán ra luôn được. Vì vậy nguồn vốn để tạm trữ lúa gạo đang là vấn đề nan giải nhất của HTX Đức Lâm”, chị Châu tâm sự.
Chị Châu cho hay, nguồn vốn lưu động của HTX thường xuyên dao động từ 9 – 10 tỷ đồng, trong khi đó giá gạo phụ thuộc cả yếu tố khách quan và chủ quan nên cũng có những năm thua lỗ, chị nghĩ đến bỏ cuộc.
Cụ thể, năm 2014, giá lúa đầu vào bình quân 8.500đ/kg, bà con bán nhiều, HTX buộc phải huy động hết công suất thu mua, dự trữ 2.000 tấn. Tuy nhiên, đến khoảng giữa năm gạo từ miền Nam tuồn ra Bắc lớn, giá rẻ hơn gạo miền Bắc nên hàng của HTX không bán được, thậm chí đến tháng 10/2014, HTX còn tồn hơn 1.000 tấn lúa, trong khi giá gạo đã giảm tới 15%.
“Chúng tôi phải bán tống bán tháo để gỡ vốn nhưng cuối cùng vẫn bị lỗ. Anh em ai cũng chán nản nhưng nghĩ lại, thua keo này ta bày keo khác. Năm nay chúng tôi vẫn không bỏ rơi bà con, tiếp tục thu mua lúa theo đúng kế hoạch”, chị Châu cho hay.
Đánh giá về mô hình HTX Đức Lâm, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ khẳng định: “Đây là mô hình HTX đứng top đầu ở Đức Thọ. Họ chính là cầu nối liên kết tiêu thụ 20 – 25 nghìn tấn lúa hàng hóa/năm của bà con nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo ra thương hiệu gạo chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Chúng tôi rất khuyến khích và sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ như HTX Đức Lâm mở rộng quy mô hoạt động cũng như diện tích sản xuất lúa chất lượng cao”.
Được biết, doanh thu bình quân mỗi năm của HTX Đức Lâm đạt trên dưới 50 tỷ đồng, lợi nhuận từ 500 – 600 triệu đồng. Sắp tới HTX phấn đấu thu mua hết lúa cho dân, đồng thời kiến nghị tỉnh, huyện hỗ trợ HTX đầu tư hệ thống máy xử lý trấu sau sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Chăn nuôi trên đệm lót bằng trấu, mùn cưa, men sinh học không chỉ an toàn, thân thiện môi trường, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vườn cà phê moka rộng 2,4ha ở Trại Hầm, Đà Lạt được chủ nhân giữ lại chỉ để thu hoạch mỗi năm vài, ba trăm ký hạt nhân. Sau năm đầu đưa chồn về ăn trái tươi và đưa ngỗng về ăn cỏ, cho phân, vườn moka đã tăng giá trị lên hàng trăm lần.
Không làm rau giá bằng đậu xanh, bà Nguyễn Thị Thành ở xã An Vĩnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm rau giá bằng đậu ngự. Những cọng giá đậu ngự gieo nổi trên cát “phổng phao” gấp nhiều lần so với cọng giá làm theo cách thông thường khiến du khách đặc biệt ấn tượng khi được thưởng thức. Không những thế, loại rau này còn là thực phẩm thiết yếu vào mỗi mùa mưa bão, khi rau xanh đất liền không thể theo tàu ra đảo.
Nhằm tăng sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, việc sản xuất thâm canh đã được nông dân áp dụng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến thực trạng có người lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong khi nhu cầu thị trường hiện nay là sử dụng sản phẩm sạch.
Nhờ khoai có giá nên sau khi thu hoạch xong vụ thứ 1, bà con nông dân huyện Bình Tân (Vĩnh Long) khẩn trương làm đất xuống giống tiếp vụ 2/2014.