Chàng trai Hòa Bình làm giàu từ chăn nuôi dê sạch
Nhờ tính quyết đoán, dám nghĩ dám làm, Nguyễn Mạnh Linh đã thành công với mô hình chăn nuôi dê sạch và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Mô hình nuôi dê sạch của anh Nguyễn Mạnh Linh.
Lương Sơn những ngày Hè nóng như chảo lửa, dưới cái nắng gắt, nhiều nông dân vẫn tất bật phơi thu phân dê khô trước khi thương lái ùn ùn kéo đến mua. Từ nhiều năm nay, mô hình nuôi dê sạch đã giúp các hộ dân nơi đây thoát nghèo, thay đổi tập quán chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang hợp tác xã tập trung, cùng làm giàu trên vùng đất núi.
Đứng đầu hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Bình, là giám đốc trẻ Nguyễn Mạnh Linh (Sinh năm 1989, xóm Yên Lịch, xã Long Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Mới xây dựng từ năm 2017, hợp tác xã đã nhanh chóng mở rộng với 9 hộ thành viên, doanh thu năm 2018 đạt hơn hai tỷ đồng, đưa nhiều bà con vươn lên khấm khá.
Bà Đinh Thị Hoàn (mẹ anh Linh) cho biết: "Giờ hợp tác xã không chỉ bán thịt dê tươi nữa mà có cả sản phẩm đóng gói như trong siêu thị".
Theo bà Hoàn, không chỉ gia đình bà mà người dân xã Long Sơn từ xưa đã có truyền thống nuôi dê, nhưng chỉ chăn thả du mục, số lượng ít chứ không "nuôi lớn" như bây giờ. "Ngày đó bán con nào biết con đấy chứ không dám tính xa, cũng thiếu kiến thức nên không biết mà tiêm phòng định kỳ cho dê, nhiều con bị ốm chết. Chỗ thằng Linh đang nuôi dê ngày xưa nhà tôi trồng ngô đấy chứ. Nhưng không hiệu quả nên bỏ, giờ vừa nuôi dê vừa trồng bưởi đỏ, phân dê đem bón cho bưởi tiện cả đôi đường", bà Hoàn kể.
Ngoài bán tươi, thịt dê còn được đóng đông lạnh để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trước khi về quê chăn nuôi dê, anh Linh là cử nhân trường Đại học Nông nghiệp 1, từng có thời gian công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Quyết định táo bạo khi rời bàn giấy về nuôi dê không chỉ làm thay đổi hướng đi của anh Linh, mà còn kéo theo gia đình lao vào cuộc đổi mới, "phiêu lưu" hơn hai năm trời trước khi gặt hái kết quả như hiện tại.
"Hòa Bình đồi núi trải dài, cây cỏ phong phú, xanh tốt nên rất thích hợp để phát triển nuôi dê. Bà con ở đây cũng có truyền thống nuôi dê nhưng nhỏ lẻ và không mấy hiệu quả, càng không thể đáp ứng nhu cầu của những nhà hàng, siêu thị lớn. Tiềm năng và thách thức đó khiến tôi quyết định rẽ hướng, nghỉ việc bàn giấy về phát triển mô hình nuôi dê, xây dựng hợp tác xã để bà con cùng làm, cùng có lãi", anh Linh chia sẻ.
Mất khoảng một năm để các hộ nuôi dê từ khi mới sinh sản đến khi xuất bán (khoảng 25kg/con), với mức giá ở thời điểm hiện tại là 550.000 đồng/kg dê tơ và 400.000 đồng/kg dê già, riêng nội tạng dê được thương lái mua 150.000 đồng/bộ. Năm 2018, HTX Nông nghiệp Hòa Bình xuất bán 70 con giống và hàng tấn thịt dê hơi, doanh thu ước tính tới hơn 2 tỷ đồng.
Thức ăn của dê là lá cây tự nhiên trên rừng.
Để có thành công này là cả một quá trình chăn nuôi chuẩn sạch và xây dựng thương hiệu của các hộ thành viên. Nhờ đó thịt dê bán ra với giá đắt hơn ngoài thị trường nhưng vẫn đông khách mua, đầu ra không những ổn định mà đang ngày càng rộng mở.
"Thịt dê tươi đóng gói ở nhiều nơi đang bán với giá 450.000 đồng/kg, trong khi thịt dê đông lạnh của HTX Nông nghiệp Hòa Bình sẽ bán ra 660.000 đồng/kg. Dù đắt hơn nhưng vẫn không thiếu đầu ra, bởi dê được chăn nuôi sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh. Sản phẩm còn được dán tem truy xuất nguồn gốc nên khách hàng có thể yên tâm chuẩn sạch và chất lượng", anh Linh cho hay.
Theo đó, chuồng trại của các hộ thành viên phải đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên. Trong quá trình nuôi không sử dụng chất kháng sinh, thức ăn là lá cây tự nhiên trên rừng. 10h sáng hàng ngày, đàn dê sẽ được thả lên rừng ăn cỏ. Dê rất thông minh nên đến tối chúng sẽ tự kéo nhau về chuồng. Định kỳ 6 tháng, HTX sẽ tiêm phòng cho dê một lần. Ngoài ra, vì chưa có lò mổ nên hợp tác xã đã ký kết hợp tác với một lò mổ ở thành phố Hòa Bình, không giết mổ thủ công tại nhà, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Các thành viên của HTX đang rất mong đến ngày xuất bán lô hàng thịt dê đông lạnh đầu tiên, dự tính khoảng 50kg. Dê được chăn nuôi sạch, ăn thức ăn tự nhiên nên thịt sẽ có vị ngon, ngọt đặc trưng, đặc biệt rất săn chắc vì hàng ngày, mỗi con dê đều leo bộ từ 9 - 10 cây số để lên núi ăn cỏ", anh Linh nói.
Mô hình chăn nuôi dê sạch của anh Linh không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống cho hơn 25 lao động trong hợp tác xã. Anh Linh cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng phát triển quy mô HTX đồng thời tập trung và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu thịt dê sạch của HTX Nông nghiệp Hòa Bình.
Có thể bạn quan tâm
Chị Nguyễn Thị Nga, chủ vườn kiểng Lâm Nga là người phụ nữ duy nhất trong số 7 người được tôn vinh “Nông dân Bến Tre xuất sắc lần thứ I, 2017”
Ông Lê Minh Tuấn, Tổ dân phố 13, phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) đã có trong tay đàn bò gần 150 con và mang lại nguồn lợi nhuận từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm.
Mạnh dạn đầu tư trồng mãng cầu xiêm với diện tích 4,5 ha, chỉ sau 2 năm, ông Nguyễn Văn Hận (ngụ TP.Cần Thơ) thu lãi hơn 1 tỉ đồng.