Hôm nay, chấm chung khảo Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam lần thứ 3
Mặc cho tham nhũng gay gắt trắng trợn, nông dân vẫn tự mình vươn lên; vẫn có thể làm giàu bằng ý chí và tài lực của mình, bất chấp thị trường chao đảo và sự ngặt nghèo của cơ chế xin - cho.
Xuất hiện chủ đề về làm nông sản sạch
Tôi đã tự mắt nhìn thấy cảnh thương lái bóc thùng các tông rặt chữ Trung Quốc đựng lê, táo, đào rồi nhét chúng vào các rọ đan kiểu của bà con dân tộc bày bán ở thành phố hay ven tỉnh lộ giáp biên giới. Cũng xem nhiều chương trình nói về thực phẩm bẩn và thấy có một số nông dân vẫn dùng thuốc kích thích tăng trọng, tăng nạc.
Phải vậy chăng mà các tác giả đã chú tâm phản ánh những nông dân vẫn lặng lẽ sản xuất gạo sạch, dưa sạch, gà, lợn sạch…? Lượng bài chủ đề này nhiều hơn và cũng khá hơn về chất lượng: “Chàng trai bỏ phố về quê trồng lúa sạch”; “Người giữ hồn trà “trăm năm tuổi”; “Ông trùm” bơ sáp Mã Dưỡng”; “Cầm cố sổ đỏ lập vườn dưa lưới VietGAP”…
Anh Tạ Đình Huy (Chương Mỹ, Hà Nội)- một trong những gương nông dân xuất sắc được tác giả Trần Dũng viết bài dự thi ( bài ““Máy nông nghiệp 12 trong 1 made in Tạ Đình Huy”). Ảnh: T.D
Từ câu chuyện của Võ Văn Tiếng, của bà Trần Băng Tâm, ông Nguyễn Văn Trãi- chúng ta có thể tự trả lời được vì sao chúng ta có nhiều thực phẩm bẩn mà báo đài “nói không với thực phẩm bẩn” mãi không hết? Là vì sản xuất manh mún, làm ăn theo kiểu du kích; phun thuốc kích thích cho rau non, chè trổ nhiều búp.
Có vài ba cân, không lừa bán cho người này thì cũng bán được cho kẻ khác; cùng lắm thì vứt đi cũng chả mất mấy. Còn những ông bà chủ sản xuất lớn, chỉ cần sơ sểnh là sạt nghiệp, nên họ chủ tâm làm sạch, để có thương hiệu như một lẽ “giàu có hay là chết”. Vâng, tích tụ ruộng đất còn như là một điều kiện để có thực phẩm sạch và ngon.
Tôi đọc xong bài “Người “lái” con thuyền hợp tác xã kiểu mới”, lòng khâm phục ông Nguyễn Văn Trãi (Giám đốc HTX Tân Cường, Tam Nông, Đồng Tháp) vô cùng. Lâu nay, mỗi khi dội hàng, chúng ta vẫn thấy chỉ đạo quốc doanh mua lúa giá sàn, chỉ đạo ngân hàng cho vay lãi suất ưu đãi để mua lúa tạm trữ nhưng rút cuộc, nông dân vẫn bị ép giá.
Nhưng ông Trãi đã thuyết phục nông hộ tin mình bằng luận chứng rõ ràng: Cải tạo cánh đồng từng mảnh manh mún thành thửa ruộng lớn thuận cho canh tác, cho một loại lúa chất lượng cao và có một sản lượng lớn đủ để có quyền mặc cả với doanh nghiệp chứ không chịu ép cấp ép giá.
Chỉ ba cụm lúa tím than khác thường vào tay ông, ông đã nảy ra ý định nhân giống, nhờ các nhà khoa học phân tích hàm lượng, rồi nhân đại trà thành ra một loại gạo hoàn toàn mới ở Việt Nam: “Gạo Tím Than”, bán còn cao hơn gạo Thái, gạo nếp cái hoa vàng, Tám Điện Biên. Ông Trãi chính là tinh thần hội đoàn của nông dân, một mẫu người cần nhân rộng, cũng như mô hình HTX Tân Cường (Đồng Tháp) của ông; nhưng xin nhớ kỹ, làng, xã, tỉnh bạn có ông Trãi không đã!
Tích tụ ruộng đất đang là xu thế phổ biến
Vâng, tích tụ ruộng đất là nền tảng của công nghiệp hóa nền nông nghiệp. Bài “Khát vọng bưởi Ái Nhân” cho chúng ta một tiếc nuối đến xót xa. Ông Ái có giống bưởi da hồng vỏ đẹp như da con gái, múi mọng mà ráo, ngọt lừ; ông đã chiết cành ươm trồng trên đất ruộng bỏ hoang, nhưng xã cấm ông không được tự tiện trồng bưởi trên đất lúa, bắt ông bán bỏ cả ruộng bưởi con – một giống bưởi chỉ đọc qua bài viết đã thèm ăn, thèm mua, thèm trồng.
Đọc bài “Người giữ hồn trà trăm năm tuổi” chợt giật mình nghĩ, cái “nước Mạch Bà, trà Phú Hội” (Đồng Nai) rồi sẽ ra sao nếu Phú Hội cứ tiếp tục đô thị hóa? Tôi đặc biệt lo cho vùng bưởi Diễn-cam Canh (Hà Nội), vì có kinh nghiệm: Cùng giống chè trung du lá nhỏ, nhưng chỉ trồng ở Tân Cương mới ra thành danh trà nổi tiếng, chứ trồng mênh mông ở Phú Thọ-Tuyên Quang thì vẫn chỉ thành loại chè bán cho dân nghèo giá rẻ mà thôi. Xin hãy giữ lấy các vùng đặc sản, hãy giữ nguồn nước đặc biệt là nguồn nước mạch. Đó là nguyên khí quốc gia!
Sau khi đã tích tụ đủ ruộng đất cho sản lượng lương thực với chất lượng cao, giá bán cao; giữ bằng được các vùng đất có cây đặc sản rồi mới đến lượt quy hoạch đất dành cho công nghiệp; Nhà nước cần có cơ chế đặc thù cho chiến lược thực phẩm sạch. Trong cơ chế ấy, các nhân tố như bà “nông dân đi ủng cao cổ, đeo kính gọng lớn” – bà Trần Băng Tâm, người đã thành công với trang trại trồng dưa lưới theo mô hình VietGAP. Chính bà Tâm nói: “Nếu muốn hỗ trợ nông dân làm giàu với việc trồng dưa lưới, Nhà nước nên xây dựng cơ sở hạ tầng sẵn với những nhà lưới được trang bị công nghệ cao. Ai có nhu cầu sản xuất dưa lưới thì vào thuê lại.” Đây chính là một kiểu nhà nước kiến tạo, không mất tiền “cho”, không bắt ai “xin”.
Những người như Dương Mã Dương - người trồng “bơ sáp Mã Dương” đã thành hẳn một thương hiệu ở Bù Gia Mập, Bình Phước; như Võ Văn Tiếng ở Hồng Ngự, Đồng Tháp; như Nguyễn Duy Tuấn ở Hòa Vang, Đà Nẵng đã bỏ qua giống lợn CP nổi tiếng Thái Lan mà nhập hẳn lợn Mỹ về lập trang trại… thật đáng khâm phục. Và rất cần hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và nhất là cơ chế khuyến khích, bảo trợ. Như mọi thanh niên ngoài đôi mươi, Tiếng muốn thoát ly khỏi đồng ruộng vốn làm ăn nhiều thua thiệt. Nhưng rồi, với ý chí: “Việt Nam là nước trồng lúa nước lâu năm, nhưng hiện tại chất lượng hạt gạo còn thua cả Campuchia…” thì không thể chịu được. Lòng yêu nước, tự ái dân tộc đã cao hơn ham muốn nhàn thân, anh đã bỏ tỉnh về quê mà trồng lúa sạch. Ban đầu, chỉ với 10.000 đồng trong túi, Tiếng đi từ Nam ra Bắc để tìm kiếm giống và học hỏi; để giờ đây anh đã làm chủ trên 20ha ruộng cấy giống lúa Nàng Hoa 9, với quy trình bón phân vi sinh 50% (còn lại là hóa học, tiến tới sẽ bỏ hẳn hóa chất) và dùng thiên địch diệt trừ sâu bệnh, năng suất giảm 1/3 nhưng giá gạo bán gấp 4 lần gạo thường (28.000đồng/kg) – sự nghiệp của anh đẹp như một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm!
Ý chí “thép” của những người nông dân
Trí lự, linh hoạt ứng biến với thời vụ thời tiết của nông dân là câu chuyện có nói đến mấy vẫn không chán và không thể hết. Không hẳn là ngẫu nhiên, ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có vua địa lan rừng Phan Bá Hồng, ở Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh) lại có ông lão Nguyễn Văn Ba có vườn lan đẹp như mơ mỗi mùa lại thêm giống lan lạ. Cả hai ông nông dân ở hai đầu đất nước đều là bồ kinh nghiệm kết tinh trí khôn của nhà nông nhiều đời, kinh nghiệm lách thời tiết và cùng có chí có gan làm giàu. Cái bãi nổi giữa sông vốn chỉ là thế giới của chồn cáo, ông Ngô Xuân Cường (Phúc Thọ, Hà Nội)- trong bài “Độc đáo trại lợn rừng ven bãi sông Hồng” đã biến nó thành trang trại nuôi 1.500 con lợn rừng Thái, thu tiền tỷ, ấy là “kinh tế tri thức” vậy. Lớp trẻ cũng nhanh chóng có kinh nghiệm của mình, để biến tri thức thành tiền do “chiều” được tính khí thất thường và bí ẩn của những con tắc kè, như Ngọc Văn Viên- “Vua tắc kè tuổi 20”… Hay câu chuyện về ông Ái ở Thuận Thành, Bắc Ninh ở trên, ông có nghề hoạn lợn, hẳn phải được cụ già quý mến, mới chiết cho mấy cành bưởi quý – ấy chính là cơ sở của “quý vật tìm quý nhân”.
Trong các cuộc thi trước, năm nào cũng có bài về những nông dân khuyết tật, năm nay cũng có 2 bài vào chung khảo: “Anh Kế “gà” làm giàu bằng cánh tay teo quắp”. “Từ bán hàng rong đến đưa mỹ nghệ Việt ra thế giới”. Viết đến đây, tôi nghĩ đến các tấm huy chương vàng và bạc của Việt Nam tại Paralympic Rio như một so sánh đẹp của ý chí Việt Nam. Bằng nội lực và ý chí, Kế đã tạo nên các giá trị và trở nên “dẫu không cao nhưng mọi người vẫn phải ngước nhìn”. Bài viết “Máy nông nghiệp 12 trong 1- made in Tạ Đình Huy” cũng có “truyền thống” từ các cuộc thi trước, loại bài viết về Hai Lúa sáng chế ra cái máy nông nghiệp có tới 12 công năng. Tôi nghĩ, nếu Tạ Đình Huy có riêng một nhà máy cơ khí hiện đại, anh nông dân này đủ sức làm thay đổi hẳn diện mạo những cánh đồng và hình ảnh người nông dân trên những cánh đồng ấy.
Những bài “Đệ nhất trang trại cây ăn quả miền Đông”; “Thành tỷ phú sau 2 năm nuôi gà Phùng Dầu Sơn”; “Ông trùm gà Đông Tảo” ở đất Đồng Nai… phản ánh những mặt khác nhau của sản xuất quả và thực phẩm đặc sản. Những ông bà chủ này lại tiêu biểu cho một nét mới của nông dân, họ là những người có học và học vấn có được từ trường PTTH đã giúp họ tự học để tiếp thu tiến bộ canh tác trong chăn nuôi và trồng cây ăn quả; giúp họ thành công chắc chắn.
Tôi đặc biệt thích bài “Người từ chối bán 50.000 cá sấu cho Trung Quốc”, không phải đấy là bài viết hay, mà là ý chí không bán nguyên liệu để nhận về món lãi nhỏ nhoi, dành hết lợi nhuận (gấp 10 lần) cho thương lái nước ngoài. Ý chí không bán 50.000 con cá sấu cho thương lái Trung Quốc của ông Trần Ngọc Hiếu không chỉ là ý chí cần cho nông dân Việt, mà còn cần cho các công ty quốc doanh, các nhà hoạch định chính sách. Hình ảnh những cái ví da, túi xách của ông Hiếu hẳn là chưa thể đẹp và giá trị chưa cao, chưa xứng với nguyên liệu da cá sấu khiến bất cứ ai cũng phải tiếc rẻ.
Những ông Hiếu cần biết mấy những ưu đãi đầu tư: Đất, vốn, tiếp xúc thị trường, mua công nghệ cao cấp chế tạo da cá sấu rồi giúp quảng bá thương hiệu để có các mặt hàng ví đầm, túi xách bằng da cá sấu óng nuột giá mỗi món chừng vài ba trăm triệu đồng, hoặc ít nhất cũng vài ba chục triệu. Chỉ khi nào chú trọng công nghiệp hóa nền sản xuất nông nghiệp, thì lợi nhuận lớn từ ngành này mới ở lại Việt Nam và đất nước môi trường mới trong lành, mới tương tác đắc lực với ngành công nghiệp không khói là du lịch tạo nên một hình ảnh Việt Nam thân thiện, sang trọng và giàu có bền vững.
Vâng, tôi cũng giống như bạn, như hết thảy chúng ta, ai cũng muốn được ăn của ngon vật lạ, được hít thở không khí trong lành. Để ngày càng có nhiều của ngon vật lạ và lành, chúng ta cần những nhà báo chân chính như các tác giả có bài dự thi lần này; cần đọc và loan báo rộng rãi để cổ vũ cho một làn sóng mới, tốt đẹp và rất đáng tự hào là những nông dân đáng khâm phục của chúng ta, đã không mệt mỏi sản xuất ra lương thực ngon, bổ, sạch đủ nhiều để chống lại thứ lương thực bẩn đang đe dọa mạng sống của hết thảy mọi người mọi vật.
Tôi thấy họ rất đáng “Tự hào”, còn hơn thế, họ buộc chúng ta phải có tư duy khác trong sự nghiệp công nghiệp hóa nền sản xuất nông nghiệp. Đó cũng là cách chống lại sự phát triển nóng của công nghiệp hủy hoại môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Giá măng khô hiện tại chỉ còn từ 160.000 – 170.000 đồng/kg, giảm hơn 50.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Không ít con phố ở Hà Nội, chỉ cách nhau một đoạn đã có nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch của nhiều đơn vị khác nhau. Trong cơn khát thực phẩm sạch của người dân, các cửa hàng thực phẩm sạch cũng được mở ra nhiều không kém. Tuy nhiên, trong số các cửa hàng này, có bao nhiêu phần trăm là thực phẩm sạch, có nguồn gốc - người tiêu dùng khó có thể nhận biết được.
“Chương trình xây dựng NTM đã tạo động lực để Hòa Bình đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng được đầu tư tạo thuận lợi cho phát triển những vùng chuyên canh, đem lại thu nhập cao cho nông dân”