Hội Nông Dân Thị Xã Phú Thọ Có Nhiều Mô Hình Phát Triển Kinh Tế Hiệu Quả
Trong nhiều năm qua, cùng với sự đầu tư của các chương trình, dự án; sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, đoàn thể, MTTQ, Hội Nông dân thị xã Phú Thọ đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, cổ vũ hội viên phát triển kinh tế, điển hình là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Từ phong trào, đã phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, khai thác tiềm năng đất đai, lao động và nguồn vốn của các hộ nông dân, phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng thâm canh tăng vụ, xây dựng trang trại tổng hợp theo hướng bền vững, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần ổn định chính trị xã hội ở địa phương.
Hội nông dân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình với nhiều hình thức như: Mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, các xưởng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm kinh tế vườn rừng, trang trại tổng hợp, chăn nuôi tập trung, tận dụng và khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để tham gia phát triển kinh tế có hiệu quả.
Hội viên tích cực tham gia học hỏi, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất thâm canh; nuôi, trồng các cây, con giống phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, đưa các giống cây trồng có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất; hình thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, các cánh đồng có giá trị kinh tế cao tại địa phương.
Các cấp hội đã phối hợp với khuyến nông, bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật, tham quan, hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất. Hội còn thành lập các câu lạc bộ, nhóm lồng ghép dân số, tín dụng, tiết kiệm, khuyến nông giúp nông dân làm giàu và tạo điều kiện để các hộ nghèo có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất và thu hút tập hợp hội viên.
Hội nông dân đã nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội trên 50 tỷ đồng cho hàng ngàn hộ vay để phát triển sản xuất... Trên địa bàn đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế mới. Điển hình như mô hình trồng lúa chất lượng cao; trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi, trồng trọt cho thu lãi từ 180 - 600 triệu đồng/năm. Gia đình bà Lê Thị Tài, khu 2, xã Thanh Minh, có 5 khẩu, cấy 5 sào lúa chất lượng cao J02 thu hoạch 1,4 tấn thóc kết hợp trồng ngô, nuôi cá, trồng lúa, trồng cây cảnh, thu nhập sau khi trừ chi phí còn lãi trên 180 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng hoa cây cảnh như: Thanh long ruột đỏ, bưởi diễn, ngô nếp chất lượng cao, trồng hoa ly, hoa đào thế, nhiều loại cây cảnh, cây sơn, cây chè của anh Mai Văn Chiến phố Tân Bình, phường Âu Cơ ... cho thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 12 lao động; mô hình chăn nuôi, trồng trọt của ông Lê Văn Chân, khu 5, xã Thanh Minh đầu tư nuôi lợn rừng sinh sản, lợn thương phẩm, gà, vịt, trâu, bò, cấy lúa, trồng cây ăn quả, trồng cây lâm nghiệp, hàng năm đem lại thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 - 8 lao động địa phương.
Mô hình tổng hợp của ông Nguyễn Thanh Hải, khu 8 xã Văn Lung, kinh doanh dịch vụ ấp trứng gia cầm, cung cấp gia cầm giống, chăn nuôi lợn, gà, tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 5 lao động, lợi nhuận hàng năm gia đình thu được trừ chi phí còn lãi ròng trên 250 triệu đồng. Hộ gia đình anh Hoàng Văn Hường - chi hội 3, xã Văn Lung kinh doanh dịch vụ thương mại, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, vận tải, máy ủi, máy xúc, xe lu, xe tải, xe con, tư vấn xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải...
Hàng năm, công ty tạo công ăn việc làm ổn định cho 25 - 30 người, với mức lương ổn định từ 6 triệu đến 6,5 triệu đồng/người/tháng, hàng năm thu lãi 1,8 - 2 tỷ đồng... Ngoài ra, còn rất nhiều gương điển hình trên các lĩnh vực, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và đảm bảo yêu cầu làm giàu chính đáng của từng gia đình.
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, đại bộ phận nông dân thị xã có cuộc sống khá.
Có điều kiện kinh tế, nông dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng: Giao thông, thuỷ lợi, đê điều, cầu cống, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá... Những kết quả đạt được của Hội nông dân thị xã đã khẳng định được vai trò, vị thế của tổ chức hội mình trong phong trào xây dựng và phát triển nông thôn mới.
Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201412/hoi-nong-dan-thi-xa-phu-tho-nhieu-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-hieu-qua-2381020/
Có thể bạn quan tâm
Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Phú Yên và Công ty TNHH Quốc tế Kim Lai vừa tổ chức hội thảo “Công bố công trình nuôi trồng chủng đông trùng hạ thảo thứ 2 ở Việt Nam và trình diễn công nghệ nuôi ở hộ gia đình”.
Chính phủ Thái Lan ngày 5.10 đã kêu gọi nông dân trên toàn quốc dừng trồng lúa và chuyển sang canh tác các giống cây trồng khác sử dụng ít nước tưới hơn do lo ngại tình trạng hạn hán kéo dài.
Là một hiệp định mang tính bước ngoặt, sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại Việt Nam và quốc tế, TPP mang những đặc điểm mà chưa một hiệp định nào từng có trước đây.
Trên 12.000 con lợn rừng và 5.000 gà rừng tại trang trại được nuôi bằng thức ăn tự nhiên như giun quế, rau, cỏ rừng tự nhiên; nếu bị bệnh thì cũng được điều trị bằng cây thuốc nam.
Chất cấm mới bị phát hiện sử dụng trong chăn nuôi là vàng ô (VAT Yellow) dùng trong công nghiệp dệt, nhuộm, giấy, xây dựng, không được dùng trong thực phẩm và có khả năng gây ung thư ở người.