Hội Chợ Triển Lãm Nông Nghiệp-Thương Mại Tây Nguyên Năm 2014
Với số lượng 400 gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp-Thương mại Tây Nguyên năm 2014 với chủ đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững” do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa đã hội tụ nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng của các tỉnh, làng nghề.
Nhiều địa phương góp mặt
Tham gia Hội chợ Triển lãm không chỉ có các đơn vị, doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên mà còn có nhiều tỉnh ngoài khu vực. Các đơn vị, địa phương không chỉ mang sản phẩm hàng hóa đến giới thiệu mà còn cùng nhau trao đổi, học tập với mong muốn có kinh nghiệm và mối liên kết mới để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Bà Trần Việt Trung, cán bộ Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Đến với hội chợ, đơn vị có 21 sản phẩm tiêu biểu của nông dân trong tỉnh như mía tím Khánh Sơn, dừa xiêm Vạn Thiệu, muối Ninh Hòa, bánh xoài Cam Lâm, tỏi Ninh Phước và Ninh Vân, cá cơm khô Nha Trang, rong sụn Vạn Ninh…”.
Ông Võ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì chia sẻ: “Chúng tôi tham gia 5 gian hàng chủ yếu giới thiệu các sản phẩm đặc thù do nông dân vùng biển sản xuất như hải sản, sản phẩm nông nghiệp chế biến, trái cây, nông cụ và mặt hàng mỹ nghệ được sản xuất từ phế phẩm của hải sản như vỏ sò, ốc... Trong kỳ hội chợ này, Hội Nông dân tỉnh đã tạo điều kiện cho 300 cán bộ, hội viên đến Đắk Nông để tham quan, học hỏi kinh nghiệm và liên kết phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Bà Nguyễn Ngân, trợ lý của Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản và Xây dựng miền Nam (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho biết: “Công ty giới thiệu sản phẩm gạo sạch ST Địa Long được thực hiện theo quy trình sản xuất sinh học tiên tiến. Lúa được gieo trồng trên vùng đất của tỉnh Sóc Trăng, không bị ô nhiễm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và được bón phân do chính công ty sản xuất có đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng, đa trung vi lượng kết hợp với những chất cần cho cây lúa có sẵn trong đất để phát triển khỏe mạnh, tự kháng sâu bệnh mà không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Chính vì thế mà gạo ST Địa Long đảm bảo tiêu chuẩn gạo sạch, khi nấu chín có mùi thơm, ngon, dẻo và đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng”.
Đắk Nông đa dạng sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ
Tại Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp-Thương mại Tây Nguyên năm 2014, các gian hàng của Hội Nông dân các huyện của tỉnh Đắk Nông luôn thu hút khá đông khách hàng đến tham quan và mua hàng.
Bà Võ Thị Mơ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Song cho biết: “Hội chợ lần này, Hội Nông dân huyện giới thiệu nhiều loại rau, củ, quả đã được trồng lâu nay ở địa phương như bí đỏ, bắp cải, cà rốt, khoai lang, chuối, đu đủ, dứa, ngô nếp, ngô lai, cà phê, hồ tiêu, trứng vịt. Hội còn giới thiệu một số sản phẩm mới được nông dân trồng và bước đầu đem lại thành công như đậu phộng, hoa cúc, hạt sen, cam Vinh, quýt đường".
Bà Trần Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Buôn Choáh nói: “Đây là hội chợ mà địa phương mang theo một lượng sản phẩm nông sản của địa phương dồi dào, như mắc ca, giống cà phê, hồ tiêu, nấm mèo và đặc biệt là đặc sản gạo do nông dân trong xã sản xuất.
Các huyện như Tuy Đức, Đắk Mil, Đắk R’lấp, Chư Jút, Gia Nghĩa, Đắk Glong cũng tập hợp được nhiều sản phẩm cây trái như cam sành, ổi, thanh long, hồ tiêu, mắc ca, các loại rau, củ, quả và những vật nuôi như chim cút, gà Đông Tảo, trĩ, thỏ, nhím…
Các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của các huyện cũng thu hút đông đảo người đến xem như gian hàng mộc và đá mỹ nghệ của huyện Đắk Mil, Gia Nghĩa. Các gian hàng giới thiệu nhiều sản phẩm nội thất gia đình, văn phòng và một số sản phẩm độc đáo thu hút nhiều người đến xem".
Bà Trần Thị Hồng, Chủ cơ sở mộc Quang Ánh ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết: “Trong kỳ hội chợ này, cơ sở đã nhận được một số đơn đặt hàng”.
Trao đổi về việc tổ chức hội chợ, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: “Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp-Thương mại Tây Nguyên năm 2014 được tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới. Hội chợ thu hút 200 đơn vị, hội nông dân các cấp và đông đảo nghệ nhân, nông dân tham gia và cũng là dịp tôn vinh, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và làng nghề nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Hội chợ đã góp phần tạo ra mối liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) nhằm tạo sức mạnh, cùng hướng tới xây dựng nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân cũng như tiếp cận, dự báo thị trường thế giới, tham gia mạnh mẽ vào việc xuất khẩu, giữ cho ổn định an ninh nông nghiệp, lương thực và tăng trưởng kinh tế của nước nhà”.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/hoi-cho-trien-lam-nong-nghiep-thuong-mai-tay-nguyen-nam-2014-hoi-tu-san-pham-cua-cac-vung-que-lang-nghe-35658.html
Có thể bạn quan tâm
Được xem là người đi đầu trong việc nghiên cứu áp dụng và phát triển mô hình này. Đến nay, anh Đoàn Kim Sơn ở Ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM đã có 3 cơ sở chuyên nuôi lươn không bùn và trở thành đầu mối lớn, cung cấp lươn sạch cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Lần đầu tiên trong năm nay, cá ngừ đại dương do ngư dân khai thác, đưa về cảng được thu mua với giá 110.000 đồng/kg, tăng hơn 20.000 đồng/kg so với các tháng trước. Giá tăng – bà con ngư dân rất đỗi vui mừng. Tuy nhiên, nỗi lo bám biển của người ngư dân thì vẫn còn đó; bởi lẽ sản lượng cá ngừ đánh bắt ở thời điểm này được nhận định là thấp nhất từ trước đến nay.
Ngày 8/9, tại TP Tuy Hòa, Công ty TNHH Tư vấn và đóng tàu Việt - Nhật (Công ty Yanmar) phối hợp với Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức giới thiệu tàu câu cá ngừ đại dương kiêm chụp mực, vây, rê có vỏ bằng vật liệu FRP (composite) cho hơn 50 ngư dân trong tỉnh.
Huyện biên giới Sông Mã, tỉnh Sơn La đang được biết đến là vùng nuôi ba ba gai với khoảng 400 hộ gia đình hiện đang nuôi trồng trên tổng diện tích 11 ha. Bình quân diện tích ao nuôi của mỗi hộ có quy mô từ 100 m2 - 5.000 m2. Hằng năm cung ứng ra thị trường chủ yếu là các tỉnh, thành miền xuôi khoảng 40.000 con giống, trên 2,5 tấn ba ba thương phẩm.
Sau thất bại từ việc nuôi chuyên canh tôm sú từ 10 năm trước, người dân ven phá Cầu Hai, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) chuyển sang nuôi tôm xen cua, cá nước lợ và đã phát huy hiệu quả.