Hoàng Long Vina Với Mô Hình Cánh Đồng Mẫu
Thời gian qua, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina (Hoàng Long Vina) đồng hành cùng chương trình thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, góp phần nâng cao năng suất lúa, mía, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
“ĐỘT PHÁ” CÁNH ĐỒNG MẪU
Niên vụ 2013-2014, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) và Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) triển khai mô hình cánh đồng mẫu mía.
Mỗi xã trình diễn 10ha, được một số doanh nghiệp hỗ trợ giống, cơ giới hóa, còn Hoàng Long Vina thì hỗ trợ 30% phân bón NPK nhãn hiệu Agrilong. Trong quá trình chăm sóc, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ nên mía phát triển tốt. Đến thời kỳ thu hoạch, năng suất đạt 112,6 tấn/ha (hiện năng suất mía của Phú Yên mới đạt 65 tấn/ha).
Lợi nhuận bình quân gần 62,3 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 18,5 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Trinh ở xã Ea Ly, nông dân tham gia mô hình, cho hay: “Lần đầu tiên áp dụng mô hình cánh đồng mẫu mía sử dụng cơ giới hóa, tôi thấy rất thuận lợi cho việc chăm sóc, làm cỏ, tiết kiệm được chi phí lao động. Cây mía phát triển tốt, to khỏe, không bị sâu bệnh và năng suất cao hơn so với đối chứng”.
Vụ lúa đông xuân 2013-2014, mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa giống sử dụng phân bón NPK nhãn hiệu Agrilong được triển khai thực hiện tại Trại giống Nông nghiệp Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), sử dụng giống lúa nguyên chủng TH6.
Theo đó, ruộng mô hình sử dụng phân bón NPK với bộ sản phẩm BT1, BT2, BT3 (bón thúc 1, bón thúc 2, bón thúc 3) nên khi lúa trổ đòng nhiều hơn từ 20 đến 25 bông/m2 so với ruộng bón phân đơn. Kết quả, năng suất lúa mô hình đạt 78 tạ/ha, trong khi ruộng đối chứng chỉ đạt 72 tạ/ha; lợi nhuận cao hơn 3 triệu đồng/ha.
Trước đó, vụ hè thu năm 2013, lần đầu tiên huyện miền núi Sông Hinh phối hợp với Hoàng Long Vina xây dựng cánh đồng mẫu trên diện tích 114ha với hơn 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Lúa cho năng suất 74,3 tạ/ha, có nơi thâm canh tốt như xã Đức Bình Tây năng suất đạt 100 tạ/ha, tăng 40 tạ/ha so với khi chưa thực hiện cánh đồng mẫu; trong khi đó, chi phí sản xuất mỗi vụ giảm 30%.
Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: “Mô hình này đã “kéo” năng suất lúa toàn huyện đạt 51 tạ/ha, chứ vụ đông xuân năm ngoái chỉ đạt 45,8 tạ/ha”.
Vụ hè thu 2014, Hoàng Long Vina tiếp tục đồng hành, triển khai mô hình cánh đồng mẫu tại các huyện Tuy An, Tây Hòa và Phú Hòa, trong đó chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng công thức bón phân chuyên dùng, hiệu quả, tiết kiệm và hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung bền vững.
Ngoài ra, Hoàng Long Vina đã kết hợp với hệ thống phân phối sản phẩm ở hầu hết các tỉnh, thành phố, thường xuyên tổ chức hội thảo nông dân và trình diễn sử dụng hiệu quả phân bón mang nhãn hiệu Agrilong trên các loại cây trồng ở nhiều địa phương khác nhau.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc công ty, cho biết: “Ngoài việc quảng bá sản phẩm, tổng kết đánh giá hiệu quả sử dụng sản phẩm của nông dân, các hoạt động này còn là dịp để doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, củng cố mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nông dân”.
LIÊN KẾT SẢN XUẤT, ĐẨY MẠNH TIÊU THỤ
Vừa qua, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina xin chủ trương xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu, công suất 100 tấn lúa/ngày, tại KCN Hòa Hiệp 1 (huyện Đông Hòa) và đã được ngành chức năng của tỉnh chấp thuận.
Việc xây dựng nhà máy là để tăng cường sự phối hợp các khâu trong sản xuất nông nghiệp, tạo nên sự liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) trong chuỗi sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, sản xuất, cung ứng đến tiêu thụ nông sản hàng hóa. Trong mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, vai trò doanh nghiệp tác động rất lớn đến việc vận động nông dân tham gia ký kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, như giống lúa gieo sạ phải là giống chất lượng.
Để tạo thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm lúa gạo Phú Yên, mới đây, Hoàng Long Vina đưa giống lúa có nguồn gốc từ Nhật Bản về sản xuất tại cánh đồng, huyện Đông Hòa, Tây Hòa và Sông Hinh. Cuối vụ năng suất đạt từ 75 đến 82 tạ/ha.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT, cho biết: Hiện nay, Sở NN-PTNT đã quy hoạch cánh đồng lúa chất lượng cao và có nhà máy thu mua chế biến gạo xuất khẩu. Qua đó, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm lúa gạo Phú Yên.
Vừa qua, Công ty Hoàng Long Vina đưa giống lúa có nguồn gốc từ Nhật Bản vào sản xuất tại cánh đồng huyện Đông Hòa, Tây Hòa. Qua kiểm tra cho thấy, lúa trổ đều, năng suất cao. Đây là các giống lúa đang được thị trường thế giới ưa chuộng. Trong thời gian tới, sở sẽ nhân rộng giống lúa này, và Hoàng Long Vina bao tiêu toàn bộ sản phẩm, để sản xuất gạo xuất khẩu, góp phần tạo thương hiệu gạo Tuy Hòa trên thị trường.
Không chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh, đồng hành cùng nông dân trong việc thực hiện mô hình cánh đồng mẫu, Hoàng Long Vina còn làm tốt công tác an sinh xã hội. Đơn vị đã tham gia nhiều chương trình từ thiện, xây nhà Tình nghĩa, giúp đỡ các hoàn cảnh thương tâm, tài trợ các chương trình xã hội khác… Năm 2014, Hoàng Long Vina đồng hành cùng Giải Việt dã truyền thống Báo Phú Yên (mở rộng) lần thứ XXII, góp phần đưa phong trào thể dục thể thao tỉnh nhà phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi lươn của 12 hộ đầu tiên ở buôn Kte có hiệu quả, bà con xung quanh được tham quan học hỏi kinh nghiệm nên gần đây có thêm nhiều hộ đồng bào Jrai ở trong buôn và trong xã cũng bắt đầu đào bể nuôi lươn trong vườn nhà. Nghề nuôi lươn đã mở ra một hướng làm ăn mới cho người dân vùng quê lúa này
Được mệnh danh là một tỷ phú trên đất mía, đó là anh Hồ Văn Đức, sinh ra và lớn lên tại đất võ Tây Sơn-Bình Định. Ông lên lập nghiệp và gắn bó với cây mía từ năm 1994 tại xã An Thành, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai. Bao năm thăng trầm với cây mía, giờ gia đình anh Đức đã có đến 56 ha mía liệt vào dạng “đại gia” chân đất của Đak Pơ
Theo những người trồng dứa, mùa dứa năm nay trúng đậm và được giá. Mỗi trái dứa sau khi thu họach đưa xuống núi, thương lái mua từ 5.000 – 8.000 đồng/trái, sản lượng tăng hơn 1,5 lần so với vụ mùa trước. Sau khi trừ hết chi phí, người dân thu lợi từ 30-35 triệu đồng/ha
Ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) có những thanh niên chăn bò có thu nhập lên tới 1-2 triệu đồng/ngày. Có người trở thành tỉ phú từ hai bàn tay trắng, khởi nghiệp từ nghề nuôi bò thuê.
Lần đầu tiên tại ĐBSCL có nông dân chưa học hết cấp 3 được cấp bằng chứng nhận thương hiệu độc quyền. Không phải là kỹ sư, bác sĩ hay nhà khoa học, nhưng các kỹ sư, nhà khoa học thường xuyên học hỏi kinh nghiệm của ông. Ông là Võ Hồng Ngoãn - người được mệnh danh là “vua tôm” trên đất Bạc Liêu.