Hoa Quả Việt Nam Từng Bước Chinh Phục Thị Trường Thế Giới
Là một nước nhiệt đới, đặc biệt là ở khu vực miền Tây Nam bộ, vùng đất trù phú với những vườn cây ăn trái quanh năm, Việt Nam sở hữu nhiều loại hoa quả mà ít nước có được.
Mới đây, tín hiệu vui từ thị trường Mỹ mở cửa thêm đối với hai loại quả nhập khẩu từ Việt Nam là nhãn và vải, cùng với những kế hoạch sẽ tiếp tục đưa từng loại đặc sản như vú sữa, thanh long, chôm chôm, vải và xoài thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Đài Loan... là cơ hội cho hoa quả Việt Nam chinh phục thị trường thế giới.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu trái cây mà không phải nước nào cũng có được. Chẳng hạn như thanh long Việt Nam ngon nhất thế giới, xoài, vải thiều rất ngon và nhiều nước muốn nhập khẩu trái cây từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng việc Mỹ nhập khẩu thêm vải và nhãn của Việt Nam bên cạnh thanh long và chôm chôm là động thái mở ra cơ hội để trái cây Việt thâm nhập sâu hơn vào Mỹ cũng như những thị trường khó tính khác, đồng thời là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam giảm dần lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Xuân Hồng cũng cảnh báo để xuất khẩu các loại hoa quả sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ... đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, phải kiểm dịch thực vật bằng những biện pháp như chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng. Đồng thời phải tổ chức sản xuất, quy hoạch thành vùng chuyên canh lớn có hệ thống truy nguyên nguồn gốc như mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, mã số nhà máy xử lý...
Nhìn lại tình hình xuất khẩu thanh long, chôm chôm đi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu 2, cho biết từ năm 2008, thanh long bắt đầu được đưa sang thị trường Mỹ và từ đó sản lượng xuất khẩu sang đây không ngừng tăng, từ 100 tấn (năm 2008) nay đã đạt 1.000 tấn trong sáu tháng đầu năm 2014.
Tuy bị cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Mexico nhưng chôm chôm Việt Nam với lợi thế sản xuất được sản phẩm trái vụ nên từ khi được sang Mỹ (tháng 11/2011) đến nay sản lượng chôm chôm luôn ổn định. Lượng thanh long xuất đi Nhật Bản và Hàn Quốc đạt khoảng 4.900 tấn, riêng sáu tháng đầu năm 2014 là 1.000 tấn.
“Các doanh nghiệp cần tận dụng tốt sản phẩm đương nhiên được vào Mỹ như dừa; tăng cường xuất khẩu chuối sang Mỹ và Nhật Bản bởi chuối vốn chỉ đòi hỏi thu hoạch sản phẩm ở giai đoạn quả còn xanh, không phải chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng,” ông Nguyễn Hữu Đạt gợi ý.
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Việt Nam đang có tiềm năng sản xuất cũng như xuất khẩu nhiều trái cây tươi, rất cần có chiến lược chủ động tiêu thụ sản phẩm, thống nhất điều hành xuất khẩu. Có chương trình quảng bá trái cây Việt Nam trong và ngoài nước để phát triển thêm thị trường; đặc biệt là những chương trình quảng bá để mở rộng thị trường khó tính về cả số lượng và chất lượng.
Chẳng hạn như chương trình đưa trái cây Việt Nam vào siêu thị Mỹ (hiện trái cây Việt Nam mới chỉ dừng ở các siêu thị châu Á) hoặc xây dựng chuỗi các cửa hàng bán sỉ và lẻ trái cây Việt Nam tại các thành phố lớn tại Mỹ thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam; chương trình đưa trái thanh long vào ba hòn đảo chính còn lại của Nhật Bản, bởi hiện thanh long Việt Nam mới chỉ bán ở một trong số bốn hòn đảo chính của Nhật Bản.
Khi đã mở được thị trường, vấn đề còn ở chỗ là phải tổ chức sản xuất như thế nào để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, cái khó nhất hiện nay đối với Việt Nam là quy mô tổ chức sản xuất nhỏ, phân tán. Tuy có một số vùng sản xuất hàng hóa lớn, rất tập trung nhưng năng lực doanh nghiệp lại hạn chế. Khi doanh nghiệp hạn chế, phân tán gây khó khăn cho việc đảm bảo chất lượng, ổn định thị trường.
Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản sau thu hoạch là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa. Điển hình là vải, nếu không có một quy trình bảo quản, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thì rất khó thâm nhập vào được thị trường Mỹ.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, mặc dù số lượng rau gia vị xuất khẩu sang EU chỉ chiếm rất nhỏ so với các mặt hàng rau quả khác, nhưng để đàm phán và mở cửa được một sản phẩm xuất khẩu sang EU là điều vô cùng khó khăn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong chín tháng, xuất khẩu rau quả đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2013, đặc biệt ngành rau quả xuất siêu 708 triệu USD.
Trong 10 thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu, chiếm 28,6% thị phần, tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ nhưng với thị phần rất nhỏ lần lượt là 4,74%, 3,76% và 3,44%.
Dự kiến cuối năm 2014 hoặc năm 2015, Việt Nam tiếp tục đưa vú sữa và xoài vào Mỹ; thanh long ruột đỏ và xoài vào Nhật Bản; thanh long vào Đài Loan; chôm chôm vào New Zealand; thanh long, vải, xoài sẽ vào Australia.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Ba Tri có đàn bò lớn nhất tỉnh Bến Tre. Nghề nuôi bò ở Ba Tri được xem là kinh tế chủ lực của hàng ngàn hộ nông dân nơi đây. Chính vì vậy, nghề nuôi bò được người dân chú trọng, bà con luôn tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi để đem về giá trị kinh tế cao cho gia đình.
Giá mật ong của các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang Mỹ hiện chỉ ở mức trung bình 2,48 đô la Mỹ/kg, thấp hơn nhiều so với giá của các quốc gia khác bán mật ong vào thị trường này.
Ngày 14 tháng 2 năm 2014, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 290/QĐ-UBND về việc công bố dịch lở mồm long móng gia súc.
Chim yến (CY) xuất hiện ở Bến Tre khá lâu nhưng nhiều người không quan tâm. Hiện nay, phong trào nuôi CY đang phát triển, trên 23 cơ sở, với khoảng 10.000 CY, vì nhu cầu sử dụng tổ yến và lợi nhuận khá cao.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, năm 2014, toàn huyện sẽ thu hoạch từ 8,3 – 8,5 tấn lộc nhung hươu, ước tính thu nhập trên 110 tỷ đồng.