Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hỗ Trợ Áp Dụng Và Chứng Nhận VietGAP Cho Hộ Nuôi Cá Tra

Hỗ Trợ Áp Dụng Và Chứng Nhận VietGAP Cho Hộ Nuôi Cá Tra
Ngày đăng: 12/09/2014

Vừa qua, tại huyện Cái Bè và Cai Lậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng với Chi cục Thủy sản tổ chức 2 cuộc hội nghị triển khai Thông tư số 23/2014/TT-BNNPTNT ngày 29-7-2014 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra cho đối tượng là các doanh nghiệp và hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, dự thảo kế hoạch hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho các hộ nuôi cá tra được lấy ý kiến trước khi trình UBND tỉnh xin kinh phí triển khai. Chi cục Thủy sản cho biết, theo Nghị định số 36/2014/NĐ-CP, đến hết ngày 31-12-2015, các hộ tổ chức, cá nhân nuôi cá tra phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP hoặc các chứng chỉ quốc tế khác phù hợp với pháp luật Việt Nam mới được nuôi cá tra.

Nhằm hỗ trợ các hộ nuôi cá tra đáp ứng được quy định này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ ưu tiên hỗ trợ các hộ nuôi cá tra về công tác đào tạo, tư vấn và chi phí chứng nhận VietGAP theo Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND ngày 19-6-2013 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc ban hành chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Để đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định và giảm chi phí chứng nhận, các hộ nuôi cá tra sẽ được gom lại thành vùng nuôi theo nguyên tắc những hộ nuôi cá tra liền kề có chung nguồn nước cấp, kênh xả và đảm bảo sản lượng trên 500 tấn/ha, còn những hộ nuôi cá tra độc lập đạt sản lượng trên 500 tấn/ha sẽ thực hiện chứng nhận riêng. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 13 hộ/vùng nuôi cá tra được hỗ trợ thực hiện và chứng nhận VietGAP với tổng kinh phí dự kiến trên 930 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2015.

Mặt khác, theo Thông tư số 23/2014/TT-BNNPT, bắt đầu ngày 12-9-2014, các cơ sở nuôi cá tra phải thực hiện thủ tục cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi và xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm. Tuy nhiên chỉ những cơ sở nuôi nằm trong quy hoạch được UBND cấp tỉnh phê duyệt mới được cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi và xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm. Một cơ sở có nhiều ao nuôi thì được cấp nhiều mã số nhận diện ao nuôi, mỗi ao nuôi được cấp duy nhất một mã số nhận diện.

Mã số nhận diện cơ sở nuôi và ao nuôi chỉ được cấp khi đăng ký lần đầu hoặc đăng ký lại. Việc thực hiện đăng ký mã số nhận diện lần đầu và đăng ký lại được thực hiện độc lập hoặc đồng thời với việc xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm. Ngoài ra, đăng ký nuôi cá tra thương phẩm bao gồm đăng ký diện tích và sản lượng nuôi.

Chi cục Thủy sản tỉnh là cơ quan cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi, xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm. Hồ sơ đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi và đăng ký nuôi cá tra thương phẩm bao gồm: Giấy đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi, Sơ đồ mặt bằng vị trí ao nuôi do chủ cơ sở nuôi xây dựng, 2 bản Giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm.

Chủ cơ sở nuôi có trách nhiệm đăng ký mã số nhận diện cơ sở ao nuôi (lần đầu hoặc đăng ký lại) và đăng ký nuôi cá tra thương phẩm với Chi cục Thủy sản chậm nhất trước thời điểm thả giống 20 ngày. Ngoài ra, khi thay đổi chủ cơ sở nuôi hoặc thay đổi diện tích ao nuôi hoặc sơ đồ mặt bằng vị trí ao nuôi cần đăng ký lại mã số nhận diện.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Mô Hình “Nuôi Cá Thả Ghép” Hiệu Quả Từ Mô Hình “Nuôi Cá Thả Ghép”

“Mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính và cá chép V1 đã đem laị hiệu quả kinh tế cao cho xã Mường Cang và xã Mường Than. Đó chính là cơ sở để huyện Than Uyên (Lai Châu) phát huy lợi thế mặt nước, đồng thời đưa ngành chăn nuôi thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp ở huyện” – Đó là nhận định của ông Mai Tiến Lực -Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện về mô “Nuôi cá thả ghép”.

28/11/2013
Chuyển Giao Công Nghệ Nuôi Chim Yến Cho Các Tỉnh, Thành Phố Với Trên 300 Nhà Yến Chuyển Giao Công Nghệ Nuôi Chim Yến Cho Các Tỉnh, Thành Phố Với Trên 300 Nhà Yến

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH-CN vào thực tiễn năm 2013, đề tài “Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến hàng Aerodramus Fuciphagus Amechanus làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đàn yến trong nhà ở Khánh Hòa” đã được Công ty Yến sào Khánh Hòa triển khai ứng dụng vào thực tiễn cho kết quả rất tốt.

28/11/2013
Cứu Gia Súc Trong Lũ Dữ Cứu Gia Súc Trong Lũ Dữ

Thống kê sơ bộ, trong trận lũ lụt kinh hoàng từ đêm 15.11.2013 ở Quảng Ngãi, trận lũ mà đỉnh lũ trên sông Trà Khúc và sông Vệ đều vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 tới 40cm, toàn tỉnh đã có hơn 280.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Gia súc thì chủ yếu là bò và heo. Gia cầm thì chủ yếu là gà và vịt.

28/11/2013
Về Nơi Vùng Lúa Chất Lượng Cao Về Nơi Vùng Lúa Chất Lượng Cao

Có thể nói Thiện Mỹ là địa bàn tập trung sản xuất lúa chất lượng cao nhiều nhất huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Một thời giống lúa Jasmine 85 (lúa thơm) khởi phát từ đây có tiếng xa gần. Rồi thăng trầm, Jasmine có giai đoạn giảm dần diện tích đến mức thấp nhất. Lúc đó, giống lúa OM4900, OM5451, OM4218,... thay màu xanh đất lúa.

28/11/2013
Hội Thảo Mô Hình Sản Xuất Lúa Chất Lượng Cao Trên Nền Ao Tôm Nước Lợ Hội Thảo Mô Hình Sản Xuất Lúa Chất Lượng Cao Trên Nền Ao Tôm Nước Lợ

Theo đó, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao trên nền ao tôm nước lợ được áp dụng thí điểm diện tích là 6 ha của 15 hộ tại ấp Phạm Kiểu, xã Vĩnh Hiệp được Trung tâm Khuyến nông Sóc trăng hỗ trợ về giống, trạm khuyến nông thị xã hỗ trợ về kỷ thuật; đến nay lúa đã 50 ngày tuổi, phát triển tốt và đang nở bụi đẻ nhánh.

28/11/2013