Hồ tiêu Việt - Thời cực thịnh sắp qua
Trong 5 năm qua, xuất khẩu tiêu của Việt Nam liên tiếp đứng đầu thế giới.
Thế nhưng, dù đang trong “thời hoàng kim”, tiêu Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến từ mặt hàng xuất khẩu “vàng” rất có thể tụt xuống...“chì”.
Vì sao vậy?
Hệ thống Thống kê của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAOSTAT) đánh giá, tiêu đen Việt Nam đứng vị trí số 1 thế giới về lượng, nhưng giá bán chỉ đứng thứ 8.
Một đại diện doanh nghiệp xuất khẩu tiêu thừa nhận, giá tiêu Việt Nam thấp hơn Malaysia, Indonesia từ 600- 1.500 USD/tấn do chất lượng thấp...
Kể từ năm 2007 đến nay, giá tiêu Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước, dù luôn “tăng tốc” vẫn không đuổi kịp các quốc gia khác.
Còn về chất thì sao? Ngay từ giữa năm 2015, đã có nhiều cảnh báo bởi trong quý I/2015, nhiều lô hàng tiêu thô không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn bị khách hàng trả lại.
Và mới đây, tại hội thảo về quản lý chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức ngày 9/12 tại TP.Hồ Chí Minh, cảnh báo lại được vang lên: Các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ có khả năng chuyển sang nhập khẩu tiêu từ các thị trường khác do Việt Nam chưa giải quyết tận gốc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu xuất khẩu.
Một thực tế khác mà Hiệp hội Hồ tiêu (VPA) cảnh báo từ lâu: Người trồng tiêu hoàn toàn làm chủ, từ sản lượng, trữ hàng đến giá bán, doanh nghiệp rất thụ động, gần như chỉ hưởng phí dịch vụ xuất khẩu (công mua hàng, đóng gói, nâng chất lượng...).
Chừng nào tiêu chất lượng “thượng vàng, hạ cám” cũng có người mua thì không thể kiểm soát số lượng lẫn chất lượng, lực bất tòng tâm! Nếu không tạo được chuỗi thống nhất, hiệu quả từ sản xuất hồ tiêu sạch đến chế biến, xuất khẩu thì khó có thể nói gì về “tương lai tươi sáng” của tiêu Việt Nam.
Thêm nữa, một chuyên gia về hồ tiêu phân tích: Năm 2015, tiêu có giá cao nhờ mất mùa.
Nhưng khoảng 4 năm nữa, sản lượng có thể lên tới 200.000 tấn (năm 2014 chỉ khoảng 125.000 tấn) do diện tích trồng tiêu tăng nhanh, chuyện giá xuống thấp khó tránh khỏi.
Tăng nhanh diện tích trồng tiêu không phải là giải pháp bền lâu.
Lúc thịnh phải nghĩ tới khi suy, nếu không, khó nói đến sự bền vững!
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Đăk Nông đang đổ xô trồng hồ tiêu, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương về những hệ lụy của tình trạng trồng cây tự phát này. Họ chặt phá hàng nghìn ha cây trồng khác như cao su, điều, cà phê...
Trong vòng 5 năm trở lại đây, giá hồ tiêu liên tục tăng, lợi nhuận từ cây trồng này cũng tăng lên 100 - 200%. Hồ tiêu đã “soán” ngôi cao su, cà phê để trở thành cây trồng “vàng” của nông dân trong thời điểm hiện nay.
Việc mở rộng diện tích ồ ạt làm sản lượng hạt tiêu liên tục tăng. Do vậy, không ít người lo ngại, 2 - 3 năm tới, khi số tiêu trồng mới cho thu hoạch có dẫn đến tình trạng cung vượt cầu? Bài toán đặt ra lúc này là, làm thế nào để đưa ngành hồ tiêu phát triển bền vững?