Hồ tiêu tăng nóng để ngành hồ tiêu phát triển bền vững
Trồng tiêu tại những vùng đất không phù hợp dễ dẫn đến tình trạng dịch bệnh như vàng lá, chết nhanh, chết chậm.
Cán bộ nông nghiệp xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) kiểm tra gốc tiêu bị bệnh vàng lá tại hộ ông Trần Thanh Hùng, xã Quảng Thành.
Nhiều nguy cơ
Từ năm 2000, Bộ NN-PTNT đã xếp hồ tiêu vào các mặt hàng nông sản có khả năng cạnh tranh và định hướng diện tích sản xuất ở mức 50.000 tấn.
Tuy nhiên, con số này hiện nay đã gấp 2 - 3 lần.
Kể từ năm 2014, hạt tiêu Việt Nam lần đầu lọt vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, với kim ngạch 1,2 tỷ USD.
Riêng 9 tháng đầu năm 2015, cả nước đã xuất khẩu 110.000 tấn hạt tiêu với trị giá 1,04 tỷ USD.
Việt Nam hiện chiếm trên 50% thị phần xuất khẩu tiêu toàn thế giới.
Tại BR-VT, mặc dù sản lượng đạt hơn 14.200 tấn mỗi năm, chất lượng hạt tiêu luôn nằm trong “top” đầu của cả nước, nhưng trên địa bàn tỉnh lại chưa có DN nào trực tiếp xuất khẩu mặt hàng này.
Phần lớn tiêu được các DN từ TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai thu mua và xuất khẩu.
Ông Trần Phúc Sang, hộ trồng tiêu tại ấp Tân Thành, xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) cho biết: “Mặc dù người trồng tiêu có lợi thế là có thể cất trữ, đợi lúc nào được giá mới bán.
Tuy nhiên, điều này cũng có không ít rủi ro nếu như nguồn cung lớn, xuất khẩu ít đi, giá giảm thì chúng tôi sẽ bị thiệt hại không ít.
Ngoài ra, hạt tiêu sau khi thu hoạch xong chủ yếu bán qua thương lái nên giá trị chưa cao”.
Theo các hộ trồng tiêu, do BR-VT chưa có một nhà máy chế biến hồ tiêu xuất khẩu, đầu ra cho sản phẩm đều do nông dân tự tìm kiếm nên việc hồ tiêu vỡ quy hoạch đang tạo ra những nguy cơ trước mắt như “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”.
Ông Nguyễn Hữu Hiền, hộ trồng tiêu tại thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) cho biết, thông thường theo quy luật thị trường, sau một thời gian tăng “nóng” cả về giá lẫn diện tích, rất có thể sẽ dẫn tới tình trạng cung lớn hơn cầu, từ đó giá tiêu sẽ giảm xuống.
“Mặc dù mở rộng diện tích trồng tiêu nhưng chúng tôi cũng chưa cảm thấy yên tâm vì đầu ra cho sản phẩm vẫn còn bấp bênh” - ông Hiền nói.
Sản xuất theo “chuỗi cung ứng tiêu bền vững” là một hướng đi giúp ngành hồ tiêu BR-VT phát triển bền vững.
Trong ảnh: Ông Trần Phúc Sang, ấp Tân Thành, xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) với vườn tiêu sạch được cấp chứng nhận Rainforest Allianca của Công ty Olam.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên ổn định diện tích hồ tiêu, không nên mở rộng ngoài vùng quy hoạch.
Tuy nhiên, do sức hấp dẫn từ lợi nhuận của cây tiêu quá lớn, nên thực tế tại một số xã trên địa bàn huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc, nhiều hộ dân vẫn trồng tiêu tại các khu vực đất không phù hợp như: thoát nước kém trong mùa mưa, không có điều kiện tưới trong mùa nắng, tầng canh tác quá mỏng, độ mùn thấp… Trong khi đó, điều kiện phù hợp để cho cây tiêu phát triển là phải thoát nước tốt, tầng canh tác dày, mực nước ngầm sâu và đất có độ phì nhiêu tự nhiên, xốp.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân dù chưa được tập huấn khoa học kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm trồng tiêu nhưng vẫn chặt bỏ cà phê, điều để trồng tiêu.
Hệ quả là tiêu bị dịch bệnh, chết hàng loạt, hàng trăm triệu đồng vốn đầu tư cho cây tiêu bị mất trắng.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù BR-VT được xem là địa phương khống chế tốt bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu nhưng vẫn có 20ha tiêu bị nhiễm bệnh.
Xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu
Trước thực trạng nêu trên, vấn đề đặt ra hiện nay cho ngành hồ tiêu BR-VT nói riêng, cả nước nói chung là phải xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng cũng như sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Ông Lê Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, với những đặc điểm về khí hậu, đất đai, địa hình đã làm cho hạt tiêu săn chắc, an toàn cho người sử dụng, bảo đảm các tiêu chí của sản phẩm sạch đã tạo cho hồ tiêu của BR-VT có một hương vị, tính chất khác biệt.
Tại huyện Châu Đức, trong 3 năm trở lại đây, Công ty Olam (Hà Lan) đã triển khai dự án phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững, trồng tiêu sạch đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP với gần 200 hộ tham gia.
Đến nay, có 98 hộ trồng tiêu với diện tích hơn 100ha tại xã Quảng Thành đã được cấp chứng nhận Rainforest Allianca (một trong những chứng nhận về cung ứng tiêu bền vững).
Ông Nguyễn Minh Thuận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Thành cho biết thêm, chứng nhận Rainforest Alliance mà Công ty Olam trao cho nông dân xã Quảng Thành bao gồm các tiêu chí:
Quản lý môi trường và xã hội, bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn nguồn nước, đối xử công bằng và có điều kiện làm việc tốt cho người lao động, quản lý về đất đai, rác thải, mùa vụ...
Đạt được chứng nhận Rainforest Alliance có nghĩa là hạt tiêu BR-VT có thể tự tin thâm nhập vào những thị trường tiềm năng có sức mua lớn, giá thành cao, nhưng yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm và những tiêu chí về môi trường trong canh tác cây tiêu.
Tại xã Quảng Thành, nhiều nông dân đang chuyển dần sang canh tác sử dụng hữu cơ vi sinh, hạn chế việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng.
Thời gian qua, Công ty Olam đã phối hợp với HTX thu mua sản phẩm tiêu sạch của nông dân với giá cao hơn 20% so với thị trường để chế biến và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Anh Quốc, Trưởng phòng Phát triển nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), đến nay, hồ tiêu BR-VT đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Hồ tiêu BR-VT”.
Đây là cơ hội nhưng cũng là điều kiện để người trồng cũng như các cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm; đồng thời nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm hồ tiêu BR-VT trên thị trường.
Ông Nguyễn Anh Quốc cũng cho biết thêm, để phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường công tác tập huấn cho nông dân trồng tiêu, đầu tư xây dựng các mô hình thâm canh cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học bền vững, tạo ra sản phẩm hồ tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tiếp tục kêu gọi và triển khai các chương trình, dự án để hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trồng tiêu theo tiêu chuẩn đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Trước thực trạng diện tích hồ tiêu phá vỡ quy hoạch, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát quy hoạch sản xuất hồ tiêu trên địa bàn và có kế hoạch từng bước giảm diện tích những vùng ít thích hợp và không thích hợp.
Đồng thời hình thành vùng sản xuất hồ tiêu tập trung; xây dựng cơ sở thu mua, chế biến, từng bước tiến tới sản xuất hồ tiêu an toàn, có thương hiệu;
Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn, kịp thời phòng ngừa dịch bệnh;
Nghiên cứu đồng bộ các giải pháp với cây hồ tiêu, từ chọn tạo giống, quy trình canh tác, chế biến, bảo quản;
Tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm hồ tiêu để nâng cao giá trị gia tăng; Tích cực xây dựng “chỉ dẫn địa lý hồ tiêu” tại các vùng trồng nổi tiếng để tăng hiệu quả sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Nguyên nhân khiến giá hạt tiêu giảm là do đang vào vụ thu hoạch, nguồn cung khá dồi dào, nhiều nhà vườn sau khi thu hoạch đều đồng loạt bán ra để thanh toán các khoản công nợ, như: tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thợ. Theo các nhà vườn, nếu hạt tiêu nằm mức từ 100 ngàn đồng/kg trở lên, người trồng đã có lời cao.
Diện tích tập trung ở các xã: Tân Thịnh, An Hà, Tân Hưng, Quang Thịnh, Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Hương Sơn. Các doanh nghiệp gồm: Công ty GOC, Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương, Công ty Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Đậu phụng là một trong những loại cây trồng chính của nông dân Phù Cát (Bình Định), đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích sản xuất liên tục tăng. Vụ Đông Xuân (ĐX) 2014 - 2015, huyện Phù Cát có kế hoạch sản xuất 3.000 ha đậu phụng, tăng hơn 300 ha so với cùng kỳ năm trước; tập trung đầu tư thâm canh để đạt năng suất bình quân 36,5 tạ/ha.
Vụ lúa đông xuân 2014 - 2015, nông dân TP Cần Thơ xuống giống hơn 87.000 ha, lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, thời tiết đang trong mùa lạnh, thuận lợi cho một số loại sâu bệnh hại lúa phát triển, do đó lúa đông xuân cần được quan tâm chăm sóc và quản lý dịch hại tốt, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán 2015…
Lâu nay, bà con nông dân vẫn có tập quán sản xuất theo thời vụ, mùa nào thức ấy. Thế nhưng, với sự hỗ trợ đắc lực của các tiến bộ kỹ thuật, mô hình trồng cây trái vụ đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn chính vụ. Điều đó được chứng minh thực tế tại huyện Phúc Thọ.