Hiệu Quả Từ Nuôi Vịt Sinh Sản An Toàn Sinh Học Ở Phú Yên
Sau một thời gian triển khai, mô hình nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học với giống vịt thuần chủng Khaki Campell do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Phú Yên thực hiện đã bước đầu mang lại một số kết quả khả quan.
Theo Sở NN-PTNT, hiện tổng đàn gia cầm toàn tỉnh khoảng 3,3 triệu con, trong đó hơn 70% là vịt, mỗi năm cung ứng cho thị trường gần 120 triệu quả trứng, là một trong những nghề chính của nhiều hộ gia đình ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, thiếu kiến thức, kinh nghiệm của các hộ đã đẩy mức độ rủi ro của nghề này lên cao.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, giá cả lên xuống thất thường, nhiều hộ nuôi vịt đối mặt với khó khăn. Ông Nguyễn Đức ở xã Hòa Vinh (Đông Hòa) cho biết, gia đình ông đã có thâm niên hơn chục năm nuôi vịt, nhưng mấy năm gần đây nghề này càng khó khăn bởi dịch bệnh thường xuyên xảy ra, nhất là con giống khan hiếm, các hộ nuôi phải mua giống từ các tỉnh lân cận về nên chi phí tăng cao, con giống lại không đảm bảo…
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh, mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa từng xảy ra dịch cúm gia cầm, nhưng bệnh tả, tụ huyết trùng… vẫn xảy ra trên đàn gia cầm. Nguyên nhân là do người nuôi không tuân thủ quy định tiêm phòng, con giống kém chất lượng dẫn đến sức đề kháng yếu.
Trước thực trạng trên, Trung tâm KN-KN tỉnh đã triển khai mô hình chăn nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học với mục tiêu tuyên truyền người dân thực hiện nuôi vịt an toàn sinh học, thay thế đàn vịt hiện có của địa phương bằng vịt giống Khaki Campell thuần chủng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế dịch bệnh và cung ứng nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Lực, cán bộ phụ trách chăn nuôi thuộc Trung tâm KN-KN, cho biết: Qua tìm hiểu, tại các vùng nuôi vịt trọng điểm của tỉnh như Đông Hòa, Phú Hòa… hiện nay, vịt được nuôi chủ yếu là giống địa phương và giống vịt chuyên trứng Khaki Campell đang bị thoái hóa dần.
Vì vậy sức đề kháng dịch bệnh thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Từ thực tế này, Trung tâm KN-KN tỉnh thực hiện mô hình chăn nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học với giống vịt Khaki Campell đã được phục tráng để làm điểm, từ đó sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, dần chuyển đổi phương thức chăn nuôi vịt chạy đồng sang chăn nuôi vịt an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan…
Mô hình này có tổng kinh phí 100 triệu đồng, được thực hiện tại thôn Phú Khê và Bàn Thạch, xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa). 4 hộ tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 500 con vịt giống và 30% chi phí thức ăn cho đàn vịt từ khi nở đến khi sinh sản (5 tháng tuổi). Các hộ tham gia mô hình có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho các hộ nuôi vịt khác có nhu cầu.
Sau hơn nửa năm thực hiện, mô hình bước đầu mang lại kết quả khả quan. Ông Trần Hoa ở thôn Phú Khê, một trong những hộ tham gia mô hình chăn nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học, cho biết: So với các giống vịt địa phương mà gia đình tôi nuôi lâu nay thì tỉ lệ sống của đàn vịt thuần chủng giống Khaki Campell đạt cao hơn. Số vịt loại thải khi đưa vào sinh sản chỉ khoảng 10%...
Gần đây, nhiều nông dân đã đến tìm hiểu, học tập mô hình nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học của gia đình tôi. Theo ông Nguyễn Lực, sau nửa năm thực hiện, mô hình đã thu được những kết quả khả quan, tỉ lệ sống của đàn vịt nuôi đạt khoảng 93%, trọng lượng vịt nuôi khi vào kỳ sinh sản đạt từ 1,8 - 1,9 kg/con, trọng lượng trứng đạt khoảng 0,06 kg/trứng, tỉ lệ vịt trống/mái là 1/10 con, năng suất trứng dự kiến hơn 300 trứng/vịt mái…
Ông Nguyễn Đình Nhơn, Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cho biết: Mô hình chăn nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học được thực hiện với mục tiêu tuyên truyền cho người chăn nuôi biết được hiệu quả thực tế của việc chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng con giống sạch bệnh, góp phần hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổng kết mô hình và tuyên truyền, nhân rộng cho nông dân ở các địa phương khác học tập, làm theo.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã có nhiều giải pháp thiết thực nhằm giúp người trồng mía giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập để họ gắn bó lâu dài với cây mía, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định. Trong đó, việc đầu tư, hỗ trợ mía giống cho năng suất và chất lượng cao trước niên vụ mới được bà con đồng tình hưởng ứng.
Sau 3 năm thực hiện mô hình trồng thanh long ruột đỏ với diện tích 2 ha theo hướng VietGAP tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) cho thấy trồng loại cây này đem lại lợi nhuận rất lớn. Tuy nhiên, do chưa tổ chức tốt khâu tiêu thụ sản phẩm, cho nên bà con không nên nóng vội mở rộng diện tích trồng giống cây này.
Mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất, thị trường, nhưng thủy sản vẫn đang vững vàng ở vị trí số 1 trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các viện nghiên cứu thủy sản.
Từ Quốc lộ 4D vào trung tâm xã Sa Pả (Sa Pa - Lào Cai), lác đác giữa những triền lúa xanh là ruộng rau bắp cải tươi tốt đang cho thu hoạch. Tôi gặp chị Vàng Thị Dậu ở thôn Giàng Tra vừa lên chợ Sa Pa bán rau về, chị cho biết: Nhiều hộ trong xã đã thu hoạch xong vụ bắp cải đầu tiên, nhưng ruộng của gia đình chị vẫn còn nhiều rau chưa bán. Hằng ngày, những người buôn trong vùng vào tận ruộng của các hộ dân mua rau mang ra thị trấn Sa Pa hoặc thành phố Lào Cai bán.
Tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang... giá lúa khô đã lên mức 5.000 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với trước thu mua tạm trữ.